Rằm tháng 7 có nên đốt vàng mã không?
Người Việt quan niệm vào ngày lễ tết đặc biệt là ngày rằm tháng 7 trên mâm cúng không thể thiếu vàng mã.
Tục này bắt nguồn từ việc cho rằng con người khi chết đi sẽ tồn tại ở 1 thế giới khác, "trần sao, âm vậy" vì thế người ta sắm vàng mã với mong muốn người thân của mình khi mất đi cũng sẽ được sống 1 cuộc sống đủ đầy, không thiếu thốn.
Nếu như trước đây, vàng mã chỉ có vài món nhỏ xinh chủ yếu là mũ, hài, quần áo, tiền giấy thì ngày nay vàng mã cúng có nhiều món khác từ nhà lầu, xe hơi, điện thoại đời mới. Việc sắm sửa vàng mã cúng ngày rằm tháng 7 cũng tiêu tốn rất nhiều chi phí, có nhà lên tới vài trăm triệu.
Theo các chuyên gia văn hóa, việc đốt vàng mã ngày rằm tháng 7 là phong tục từ bao đời vì thế việc đốt vàng mã vào ngày này là không thể thiếu. Tuy nhiên, các gia đình chỉ nên mua một số lượng vàng mã vừa đủ. Ưu tiên các loại vàng mã có kinh văn siêu độ vong linh. Tránh mua quá nhiều vừa làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng ban đầu lại gây ra lãng phí.
Đốt vàng mã khi cũng rằm tháng 7 thế nào cho đúng?
Về cách đốt vàng mã rằm tháng 7, cần chú ý: Khi đốt nên chậm rãi, từ tốn, vừa đốt vừa gọi tên người đã mất. Không được đốt nhanh một lần bằng việc gom tất cả cho vào lửa và bỏ đấy. Hành động này là hấp tấp, không thành tâm.
Vật dụng đốt cho ai nên ghi rõ họ tên, không dùng từ “chết” mà nên dùng từ “đại nạn” vào năm nào. Khi đốt, gia chủ cũng không được dùng "cây khấn" vào tiền đang đốt sẽ làm nát hết phần tro. Đặc biệt, gia chủ càng không nên dùng nước dội thẳng vào để dập lửa khi lửa chưa tàn hết".
Về giờ cúng và thực hiện đốt vàng mã, các gia đình nên cúng trước 11h30 trưa 15 tháng Bảy. Tốt nhất nên chọn giờ cúng hợp với tuổi gia chủ bằng việc dụng thẻ để cúng vào các giờ Hỏa phong đỉnh. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, các gia đình đều bận rộn công việc nên có tâm lý tiện giờ nào cúng giờ đó miễn là đừng để qua 11h30 tối 15 Âm lịch. Không nên cúng rằm tháng 7 qua ngày khác nghĩa là từ đêm hôm trước sang canh của ngày hôm sau.
Nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người cho hay: “Khi hóa vàng xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng.
Cúng hoá vàng được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ. Theo đó, khi gần hết 1 tuần hương người ta bắt đầu hóa tiền vàng. Mỗi lễ vàng tiền đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau.
Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.
(Bài viết chỉ mang tính tham khảo)
Theo Khỏe Và Đẹp