Chuyện của Hạnh, nhiều khi nghe kể lại tôi lại thấy buồn cười thay cho cô bạn. Ngẫm sự đời, người sống có thoải mái hay không là ở cái tính. Cứ cảm thấy vô tư, mọi chuyện to cũng thành nhỏ thì được nhẹ lòng.
Anh chồng Hạnh vốn nổi tiếng là người gia trưởng, không thích người khác làm trái ý mình, cái gì cũng nhất nhất phải thế này thế kia… Nghĩ anh sẽ lấy một người vợ nhẫn nại, cam chịu, ai ngờ...
Ngày anh cưới về cô tiểu thư xinh đẹp, con nhà giàu có, nhìn ăn chơi sang chảnh, ai cũng mắt tròn mắt dẹt. Người ta bảo anh, sao lại lấy vợ ăn chơi tiểu thư như thế, sau này về làm sao mà dạy được vợ. Anh tặc lưỡi "dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, vào nhà cháu là phải theo phép nhà cháu, đã làm vợ rồi thì phải ‘tòng phu’, cãi là không xong với cháu.
Nghe giọng anh hùng hổ như vậy, ban đầu, mọi người cũng tin anh làm được kiểu dạy vợ và nghĩ, cô vợ này chắc khổ sở vì chồng gia trưởng rồi. Nhưng lâu nay, thấy cảnh vợ đi chơi, đi du lịch, cà phê với bạn bè, chồng ở nhà chăm con thì ai cũng biết, rốt cục, ai dạy ai trong 2 người.
Tối ngày, Hạnh chỉ thích đi ra ngoài ăn hàng, mà chồng lại thích ăn ở nhà thì chồng cứ tự tiện mà
nấu nướng cho vợ thôi. (ảnh minh họa)
Tưởng về nhà bắt thóp được vợ, bắt vợ làm mọi việc trong nhà, chồng chỉ việc vắt chân lên ghê mà xem tivi sau khi ăn cơm xong, nhưng tình thế ngược lại. Hạnh vốn là tiểu thư, không quen bếp núc nên những bữa cơm đầu tiên Hạnh đã ra chợ mua sắm đồ ăn sẵn về cho chồng. Vài lần thấy vậy, vợ chồng Hạnh cãi nhau to, cô còn bị anh dằn mặt là phải nấu ăn, kể cả ăn sáng nhưng Hạnh nhất định không làm vì cô có biết đâu mà làm. Ở nhà bố mẹ chiều, làm gì có nữ công gia chánh gì.
Hạnh hắng giọng "em chỉ biết thế thôi, anh lấy em về rồi thì phải chấp nhận. Em không biết nấu ăn. Một là anh thuê giúp việc, hai là anh tự nấu, còn em thì không nhé". Nói thế, chồng Hạnh tức tốc đi chợ, thể hiện một bữa cho vợ biết rồi gọi Hạnh vào bếp: “Món này phải nấu thế này, cho thêm bột nêm và cho ngọt thì mới ăn được”. Rồi ra giọng, "đấy, đàn ông còn làm được như thế, đàn bà sao lại không, làm vơ thì phải đảm đang bếp núc".
Nào ngờ, không hề cảm thấy ngượng ngùng, Hạnh nhanh chóng quay mặt đi thản nhiên đáp "thế thì từ nay anh nấu cho em ăn đi, em làm việc khác, nấu nướng em không có sở trường, có nấu ra anh cũng không ăn được thì nấu làm gì cho phí". Vậy là từ hôm đó, việc bếp núc, chợ búa là chồng Hạnh lo. Hàng xóm nhìn mỗi chiều tối đều thấy anh chồng có tiếng gia trưởng đi chợ mua đồ về nấu nướng mà ai nấy cũng há hốc mồm ngạc nhiên.
Ăn xong, ý chồng là vợ rửa bát còn chồng thì ngồi chơi xơi nước nhưng Hạnh không. “Anh nhìn đấy, mấy lần rửa bát, em bị dị ứng với dầu rửa. Em bị bong hết cả da tay, không làm gì được, thô ráp sợ lắm. Cứ thế này thì em hỏng tay mất. Anh xem, em có lừa anh đâu. Anh làm việc này luôn cho em nhé, tiện cả đôi đường được không?”. Thì sự thật là Hạnh bị bong da tay thật. Thế nên, chồng cũng đành gật đầu chiều theo vợ. Vậy là, nấu cơm rửa bát, đi chợ, Hạnh không phải làm.
Tối ngày, Hạnh chỉ thích đi ra ngoài ăn hàng, mà chồng thích ăn ở nhà thì chồng cứ tự tiện mà nấu nướng cho vợ thôi. Đợi Hạnh thì chỉ có đồ ăn sẵn nên cũng đành chấp nhận. Giúp việc thì lại chẳng muốn thuê.
Từ ngày về nhà chồng, Hạnh chẳng mó chân tay vào việc gì, mặc kệ cho chồng. (ảnh minh họa)
Việc dọn dẹp nhà cửa, nghĩ cũng buồn cười. Hạnh cũng thản nhiên mặc kệ, quần áo cũng cứ chất đống lên đến cuối tuần cho hết vào máy giặt. Chồng nói thì Hạnh lại "mồm năm miệng mười" kêu nào là tốn điện, tốn nước, giặt ít mất công.
Không giặt thì bề bộn nhưng Hạnh mặc kệ, không bận tâm còn người ngại bẩn như chồng Hạnh thì dù tức cũng phải ngậm đắng nuốt cay đi dọn dẹp rồi giặt giũ, thậm chí là giặt tay. Nhìn cảnh chồng dọn dẹp nhà cửa, còn vợ ngồi chơi mà Hạnh thấy hả dạ trong lòng. Thật ra, cô không cố tình lười nhác. Chỉ là, nghe được câu nói của anh với hàng xóm là phải dạy vợ nên Hạnh bực mình, muốn cho chồng biết tay. Bây giờ thì xem ai dạy ai.
Từ ngày về nhà chồng, Hạnh chẳng mó chân tay vào việc gì, mặc kệ cho chồng. Tính anh gia trưởng, sạch sẽ thì anh tự đi làm, tự quyết, Hạnh không bận tâm, chỉ muốn làm việc mình thích. Bây giờ thì, hàng xóm chứng kiến mỗi ngày vợ đi làm, ăn vận đẹp, thậm chí đi chơi cả tối, còn chồng ở nhà thì lầm lũi nấu cơm, dọn nhà, lau chùi sân bếp. Thế nhưng, vợ chồng họ lại thuận hòa, chẳng có vụ cãi nhau to nào từ khi lấy nhau.
Anh bây giờ cũng quen việc bếp núc nên mỗi ngày trọng đại, anh lại trổ tài những món ngon chưa từng thấy cho vợ. Xem như đó là vận may của Hạnh cũng là để chừa cái thói đàn ông gia trưởng của chồng. Anh cũng chẳng còn càu nhàu vợ lười nữa vì với anh, Hạnh luôn dành cho sự ngọt ngào và đầy yêu thương, dù muốn đổ việc cho anh làm cũng vẫn là lời nhờ vả nhẹ nhàng tựa như mây, lúc nào cũng ríu rít và xinh đẹp bên cạnh khiến anh mệt mấy vẫn yêu thương vợ hết lòng.
Theo Khám phá