Hồi năm 2017, Chủ tịch Marvel Studios Kevin Feige cam kết rằng Thanos của Avengers: Infinity War sẽ là “siêu ác nhân đỉnh nhất và tàn bạo nhất” của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).

Anh em đạo diễn Avengers: Infinity War là Joe và Anthony Russo cũng tỏ ra hết sức tự tin. “Tôi muốn biến Thanos thành Darth Vader (nhân vật phản diệt khét tiếng của loạt phim Star Wars) thế hệ mới”, Joe Russo khẳng định.

Ở thời điểm đó, MCU bị mang tiếng là chuyên sản xuất ra những siêu ác nhân tầm thường, nhợt nhạt. Quả thật nhận định đó không sai. Rất nhiều nhân vật phản diện trong phim MCU chỉ là “bản sao ác độc” của siêu anh hùng, không có cá tính thực sự.

Nhân vật trung tâm của Infinity War

Ví dụ Iron Monger (Jeff Bridges) trong Iron Man, Abomination (Tom Roth) của The Incredible Hulk, Yellowjacket (Corey Stoll) ở Ant-Man đều là những ác nhân kiểu "bản sao". Tất cả đều không có chiều sâu tâm lý, đơn giản là ác độc và không để lại ấn tượng gì đáng kể.

Một số siêu ác nhân khác tồn tại chỉ đơn giản để tạo xung đột. Tệ hại nhất là Malekith (Christopher Eccleston) ở Thor: The Dark World, một nhân vật phản diện hoàn toàn công thức, khô cứng, chỉ có mục tiêu duy nhất là hủy diệt thế giới.


Avengers: Infinity War là câu chuyện về đại ác nhân Thanos chứ không phải về nhóm Avengers hay Vệ binh dải Ngân hà. 

Trong khi đó, quái vật Dormammu chỉ được nhắc đến ít ỏi trong Doctor Strange, chủ yếu lẩn khuất phía sau câu chuyện để làm nền cho Phù thủy Tối thượng Stephen Strange.

Ngược lại, phần lớn các siêu ác nhân đáng nhớ của MCU không chỉ đơn thuần có sức mạnh hay mục tiêu độc ác. Như Loki (Tom Hiddleston) có cá tính phức tạp, nửa thiện nửa ác, câu chuyện nhiều diễn biến bất ngờ. Loki là một nhân vật rất thú vị, khán giả có thể hiểu, thậm chí có thể phần nào thông cảm với vị thần tinh quái này.

“Có thể thông cảm được” là một trong những phẩm chất nổi bật của các ác nhân xuất sắc trong MCU. Vulture (Michael Keaton) trong Spider-Man: Homecoming là một người bình thường, vật lộn với công việc thu nhập thấp để nuôi gia đình. Khán giả có thể hiểu được động cơ của hắn, dù biết rõ những hành vi của hắn là phạm pháp.

Trước Infinity War, anh em nhà Russo đã thực hiện Captain America: The Winter Soldier và Captain America: Civil War. Cả 2 phim đều không quá tập trung vào mối đe dọa của siêu ác nhân mà khám phá những vùng xám nằm giữa đúng và sai.

Hai phần Captain America đều xoáy vào mối nguy hiểm của chuyện quyền lực được đặt sai chỗ. Và chủ đề đó tiếp tục được họ khai thác trong Infinity War, dù phần 3 loạt phim Avengers đậm chất kỳ ảo hơn.


Thanos không muốn hủy diệt vũ trụ, mà muốn tái cân bằng.

Và điều đáng nói là anh em Russo đã đặt Thanos, chứ không phải các siêu anh hùng, là trung tâm của câu chuyện. Chưa một nhân vật phản diện nào được đối xử ở tầm như vậy trong MCU. 

Trước đó, MCU đã có hàng loạt phim riêng về các thành viên biệt đội Avengers và nhóm Vệ binh dải Ngân hà, do đó anh em Russo có cơ hội tập trung hoàn toàn vào nhân vật phản diện. Nhờ vậy, Thanos được phát triển một cách đầy đủ về cả chân dung và tính cách.

Gã “Titan điên” một tiêu diệt 50% sinh linh trong vũ trụ không để cho vui hay vì muốn báo thù. Hắn tin rằng đó là cách duy nhất để sự sống tiếp tục sinh sôi nảy nở. Quá tải dân số là vấn đề có thật của thế giới. Thanos không muốn hủy diệt, mà muốn tái cân bằng.

Dữ dội, cực đoan, tâm lý phức tạp

Theo Mashable, khái niệm kiểm soát dân số để đảm bảo sự phát triển bền vững đã được nhà tư tưởng người Anh Thomas Malthus đưa ra từ ăm 1798 trong tài liệu An Essay on the Principle of Population (Tiểu luận về nguyên tắc dân số).

Trong sách, Malthus khẳng định thế giới sẽ đối mặt với thảm họa diệt vong vì dân số tăng nhanh hơn tốc độ sản xuất thực phẩm. Giải pháp là cưỡng ép triệt sản và giảm cung cấp thực phẩm cho người nghèo. Tư tưởng của Malthus có ảnh hưởng tới luật pháp một số nước trong thế kỷ 19.


Infinity War dùng mối quan hệ giữa Thanos và Gamora để phát triển tâm lý của gã "Titan điên". 

Năm 1968, cuốn sách Population Bomb (Quả bom dân số) của giáo sư Đại học Stanford Paul R. Ehrlich cũng cảnh báo nguy cơ tương tự. Sau khi xem Infinity War xong, nhiều khán giả các nước cũng lên Twitter và nhận định quan điểm của Thanos là “đúng đắn” dù phương pháp hành động là “cực đoan”. “Thanos có đúng không? Càng nghĩ tôi càng thấy ông ta có lý”, một khán giả viết.

Nhưng một mục tiêu “hợp lý” là chưa đủ. Nhân vật phản diện chỉ có thể gây ấn tượng nếu có chiều sâu tâm lý. Infinity War đã dành một lượng thời gian đáng kể để phát triển tâm lý Thanos, dựa trên mối quan hệ cha - con với Gamora.

Trường đoạn trên hành tinh Vormir cho thấy Thanos thực sự yêu quý Gamora như một người con gái. Mối quan hệ Thanos - Gamora - Nebula không khác gì tình cảnh của một gia đình bất hạnh, nơi người cha là kẻ hung bạo, quan tâm đến con cái nhưng vẫn đối xử tệ bạc với chúng.

Việc Thanos đau lòng rơi lệ nhưng vẫn sát hại Gamora cho thấy hắn tin vào việc không thể tránh được định mệnh. Và để thực hiện định mệnh, hắn sẵn sàng hi sinh tất cả mọi thứ.


Thanos không chỉ có cá tính phức tạp mà còn có sức mạnh dữ dội. 

Trong tâm trí Thanos, hắn chiến đấu vì đại cục của cả vũ trụ. Hi sinh một mạng sống, kể cả mạng sống duy nhất mà hắn yêu quý nhất, thứ mà hắn mô tả là "tất cả", vẫn là cái giá phải chấp nhận.

Cuối cùng, Thanos không chỉ là một cá tính phức tạp, đa chiều, mà còn là một quái nhân dữ dội. Hắn đánh bại Hulk và bóp chết Loki ngay ở đầu phim. Trên hành tinh Titan, Thanos một mình đấu với Iron Man, Spider-Man, Doctor Strange, Drax the Destroyer, Star-Lord, Mantis và Neula, và chiến thắng một cách không mấy khó khăn.

Trong khi phần lớn các ác nhân trong phim siêu anh hùng chỉ giỏi.. võ miệng, Thanos thực sự dữ dội và mạnh mẽ, đồng thời có cả trí tuệ. Không có gì phải nghi ngờ nữa, Thanos chính là kẻ phản diện vĩ đại nhất mà MCU đã tạo ra.  

Theo Zing