Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười với sự ra đời của nhà nước Xô Viết do lãnh tụ Lê Nin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga. Trong khoảnh khắc lịch sử kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng vĩ đại mở ra thời đại mới cho lịch sử nhân loại, bài viết khắc họa hình ảnh người mẹ, người phụ nữ tần tảo, thông thái đứng đằng sau sự nghiệp lẫy lừng của lãnh tụ Lê Nin.
Lenin (bìa trái) hồi còn bé, bên em gái Olga ở quê mình vào năm 1874. Cô mất tháng 4/1917 do bệnh thương hàn. (Ảnh: Tass)
“Con tôi không được dạy phải để người khác chịu trách nhiệm cho hành động của mình, lại càng không bao giờ chạy về nhà khi có khó khăn, cháu luôn cho tôi biết nước Nga này là nơi chứa đựng tư tưởng cũng như thân xác của con. Điều duy nhất tôi dạy con là: Nếu đã mưu việc lớn thì không ngại việc nhỏ, chí hướng của con là nơi có mẹ trong đó” – Mẹ Maria Alexandrovna Ulyanova, mẫu thân vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản thế giới Lênin đã khẳng định đầy tự hào và đanh thép như thế.
Sinh ra ở Saint Petersburg trong một gia đình có cha là người Đức, mẹ là người Thụy Điển, Masa Blank – Tên thời con gái của bà Ulyanova được nuôi dạy trong môi trường giáo dục nghiêm khắc và giản dị.
Cha bà, ông Alexandr Blank là một vị bác sĩ giỏi có tiếng đã nhen nhóm tình yêu văn học cho cô con gái từ thuở bé. Năm 1838, khi Masa 3 tuổi, biến cố đầu tiên của gia đình ập đến: Mẹ mất, cha kết hôn với chính chị vợ để có thể chăm sóc 6 người con. Cả gia đình chuyển đến Kazan bắt đầu một cuộc sống mới. Bà được cha dạy dỗ ở nhà, thông thạo 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, được tiếp xúc với văn học Nga và phương Tây từ rất sớm.
Hàng trên: Maria, mẹ và em gái Olga, Alexander ( đang đứng), Dmitry, bố Ilya Ulianova, Anna và Vladimir Ilich Ulianova – Lenin. (Ảnh: Gettyimages)
Masa Blank bắt đầu niềm đam mê với nhạc lý, chơi đàn và chơi dương cầm thành thục từ khi rất trẻ. Là người yêu nghệ thuật, tâm hồn bà hướng đến sự tự do và tôn trọng bản sắc cá nhân như một phương cách để nuôi dưỡng cảm hứng.
Năm 1861, bà đến thăm chị gái ở Penza và gặp một người bạn của anh rể - Ilya Nikolaevich Ulyanova. Khi đó Masa 26 tuổi, Ulyanova 30 tuổi. Rất nhanh chóng, họ bén duyên vợ chồng 2 chỉ năm sau đó, ngay khi bà lấy bằng sư phạm và trở thành giáo viên tiểu học.
Chồng bà là một giáo viên toán và vật lý, sau này ông chuyển sang làm thanh tra ngành giáo dục. Cả gia đình sống ở Penza, Nizhny Novgorod và định cư ở Simbrick trong sung túc.
Suốt từ thuở thiếu thời đến khi lập gia đình, Maria Alexandrovna Ulyanova tự xây dựng cách sống lễ nghĩa và đặc biệt không kiểu cách.
Điều này phản ánh chính xác nhất trong cách bà dạy con. Bà không bao giờ khen Lênin là người con thông minh nhất, đẹp trai nhất, giỏi giang nhất. Những từ ngữ sáo rỗng đó không có chỗ trong gia đình.
Mẹ Lênin hết sức yêu quý và tôn trọng con, tuy nhiên khi phát hiện con trai hút thuốc, bà đã hỏi thẳng và nhắc nhở: “Hút thuốc là quyền của con. Nhưng con đừng quên nhà ta đông người, chi tiêu phải co hẹp. Con thử nghĩ xem có nên phí tiền hút thuốc lá như vậy không?” Từ đó, Lênin không bao giờ đụng đến một điếu thuốc nào nữa.
Chân dung của bà Maria thời còn trẻ
Bà nói chuyện với con bằng tiếng Đức hằng ngày. Thậm chí bà còn cùng con gái dịch, biên tập và xuất bản một số truyện ngắn bằng tiếng Đức. Nguồn cội được bà khắc ghi trong gia đình bằng ngôn ngữ, truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Bà dạy con bằng chính bản thân – Tự rèn luyện thể chất và tinh thần thép để ra quyết định trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Năm 1886, người chồng, người cha của gia đình đột ngột qua đời. Tròn 1 năm sau, con trai cả Alexander vướng vào nghi án chống lại Nga hoàng và bị hành quyết. Cái chết của con gái Olga vì bệnh thương hàn khi cô vừa tròn 19 cùng những lần vào tù ra tội không biết đâu mà kể của Vladimir, Anna, Dmitry và Maria. Nếu không phải là Maria Alexandrovna Ulyanova, có lẽ không ai có thể dùng cả cuộc đời để đưa con đi qua giông bão, cho con một bầu trời tự do để thỏa chí anh hùng đến thế.
Sau cái chết của Alexander Ilyich Ulyanova, Anna Ilizona - chị của Lênin nhớ lại: “Thử thách kinh khủng đó mẹ không hề đánh mất tinh thần mà ngược lại còn nâng đỡ cho các con. Mẹ tôi tự chủ và cứng rắn đến kinh ngạc, dũng cảm tới mức ngay cả sau khi em tôi bị hành quyết mẹ vẫn một mình đến chỗ tôi vào mỗi ngày thăm nom và nói với người nữ giám thị đừng nói cho tôi hay những gì đã xảy ra và cố gắng động viên tôi đừng lo lắng gì về mẹ”.
Bà đến dự phiên tòa xử con trai, dù vô cùng đau khổ nhưng cũng rất kiêu hãnh về con khi nghe con nói trước tòa: “Cháu nói hay đến thế, đầy sức thuyết phục, hùng hồn”. Rồi không chờ cho đau thương dội đến, bà bỏ tất cả mọi việc vội vã đến Saint Petersburg để chăm sóc các con.
Bà Maria Alexandrovna Ulyanova và con gái
Suốt cả cuộc đời, bà Maria dành trọn vẹn tâm huyết cho con. Nói về những ngày mẹ Maria ròng rã thăm con trong tù, tìm con lưu lạc hoặc chạy vạy xin giảm án, Lênin chỉ nói thật ngắn gọn về cảm giác ấy: “Còn khó chịu hơn cả ngồi tù”.
Sở dĩ ông nói vậy, bởi người mẹ vĩ đại luôn khao khát về cuộc sống tự do, không xiềng xích nhưng bà chưa một lần phản đối các con đi theo cách mạng, dù bà biết chắc chắn khoảng cách giữa lựa chọn và tù đày chỉ gói trong một gang tay.
Cho đến năm 80 tuổi, chưa phút giây nào bà được nghỉ ngơi. Bà hy sinh mọi sở thích, sự thanh thản, mọi ước mơ và cuộc sống cá nhân để ở bên các con khi chúng cần mình nhất. Mẹ Maria đã giúp con gái Anna Ilizona được giảm án từ mức bị lưu đày đến Tây Siberi xuống mức quản thúc tại gia đình ông ngoại. Hai lần bà ngược xuôi ra nước ngoài, đến Paris và Stockholm để gặp Lênin ngay cả khi đã 75 tuổi.
Trong một bức thư Lenin viết cho mẹ vào năm 1893 khi ông mới chuyển đến Leningrad, ông viết: “Mẹ yêu dấu, con đã nhận được thư của mẹ từ 3 ngày trước. Cuối cùng thì con đã tìm được một căn phòng tốt, ở riêng biệt và chủ nhà là một gia đình nhỏ. Các phòng sạch sẽ và nhiều ánh sáng, cửa nẻo đi lại ổn mẹ ạ. Từ chỗ con ở đến khu trung tâm khá gần, mất khoảng 15 phút đi bộ từ thư viện mà thôi. Con khá hài lòng về nó. Con đã đến nghĩa trang Volkov (Nơi em gái Olga Ilyinichna Ulyanova được chôn cất) ngay sau khi đặt chân tới đây. Vòng hoa, cây thánh giá, mọi thứ đều nguyên vẹn cả.
Con trai của mẹ.”
Con dù có là vĩ nhân thì con vẫn là con của mẹ, mẹ có khao khát được đến bên con để biết con an toàn và cuộc sống của con vẫn ổn. Lênin cũng không là ngoại lệ.
Lenin về tới nhà ga Petrograd (nay là Saint Petersburg, Nga) vào tháng 4/1917 để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Mười XHCN. Ông được nhân dân đón chào nhiệt liệt. (Ảnh: Rex)
Bà đã lăn lội đến tận ngôi làng nhỏ ven biển Măng xơ nước Pháp để sống cùng con trai một thời gian. Đã đến lắng nghe con trai diễn thuyết trên đất Thụy Điển và nhận xét đúng chất một người mẹ: “Nó nói hay đấy! Mạnh mẽ và hùng hồn. Có điều nó căng thẳng đến như vậy, nói to đến như vậy để làm gì. Nó chẳng biết giữ sức gì hết cả”.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con!”
Mẹ Maria chưa bao giờ ngừng tin tưởng vào con cái. Cho đến tận phút lâm chung, bà vẫn chỉ tâm niệm “mong các con sống hạnh phúc với gia đình mà mẹ hết lòng yêu mến”. Bởi bà biết không gì có thể xóa đi ký ức của tình thương yêu như cái cách bà tuyên bố với cả thế giới: “Chúng tôi có thể bị hại chết nhưng trong trái tim nó luôn có chúng tôi!”.
Tượng của bà được đặt ở công viên Saint Petersburg
Theo Trí Thức Trẻ