Trong một rạp hát cổ kính ở London, Anh, xung quanh toàn kính màu và ánh đèn lấp lánh như khung cảnh truyện cổ tích, các diễn viên đang thể hiện cảnh tình yêu giữa Romeo và Juliet.
Khán giả duy nhất của họ là Amanda Lynch, người hâm mộ nhà viết kịch Shakespeare. Cô xem màn kịch từ London này từ Long Island, New York, Mỹ và không hay biết mình mới chính là nhân vật chính của vở kịch cho đến khi bạn trai cô, Andrew Smith, bất ngờ xuất hiện.
Màn tỏ tình lãng mạn
Sau khi dàn hợp xướng tấu nhạc, Smith tiến lại gần và nắm tay bạn gái.
“Đây là lần đầu tiên anh gặp một người như em… Anh không biết cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu em, cô gái yêu anh vô điều kiện”, chàng thổ lộ.
Màn tỏ tình kết thúc bằng lời cầu hôn ngọt ngào từ Smith: “Làm vợ anh nhé!"
Và viên kim cương lấp lánh trên ngón áp út của Amanda. “Đó là một lời đề nghị tuyệt vời nhất mà tôi nhận”, giọng cô gái run run vì xúc động.
Andrew Smith và Amanda Lynch nắm tay nhau sau màn cầu hôn lấy cảm hứng từ vở kịch Romeo và Juliet. Ảnh: BBC.
Màn cầu hôn được chuẩn bị kỹ càng trong 2 tháng, với dàn diễn viên gồm 25 người, cả biên đạo múa và giám đốc âm nhạc, với chi phí vào khoảng 4.000 USD.
Là con út trong gia đình có 5 anh em, Smith thừa nhận có sự ganh đua với các anh. Một người anh của Smith từng cầu hôn ở tháp Eiffel (Paris, Pháp), người khác ở trung tâm thương mại Rockefeller (New York, Mỹ).
“Tôi cũng có giá chứ. Tôi không muốn làm những thứ tùy tiện”, chàng trai chia sẻ.
Smith chỉ là một trong số rất nhiều người muốn có màn cầu hôn được tổ chức một cách chuyên nghiệp trên thế giới. Xu hướng này ngày càng tăng trong xã hội.
Lên kế hoạch cầu hôn bài bản là một dịch vụ tương đối mới mẻ trong ngành công nghiệp đám cưới. Theo công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld, ngành công nghiệp này đã thu về 72 tỷ USD trong năm ngoái tại Mỹ. Trong đó, doanh thu của dịch vụ lập kế hoạch đám cưới đạt 1,2 tỷ USD.
Thị trường ngày càng rộng mở
Michele Velazquez, giám đốc công ty cung cấp dịch vụ đám cưới, cho biết cô cùng chồng chỉ tập trung phát triển dịch vụ cầu hôn từ năm 2010 đến nay. Cô chắc chắn đây là một thị trường tiềm năng.
“Tôi nhận được thư điện tử từ khắp mọi nơi trên thế giới, xin tư vấn về việc thành lập công ty chuyên tổ chức các sự kiện cầu hôn tại nước họ”, Velazquez chia sẻ.
Màn cầu hôn trong trận đấu bóng bầu dục tại Scotland thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Alamy.
Hơn 2.000 cặp đôi đã nên duyên vợ chồng sau những màn cầu hôn do công ty của Velazquez chuẩn bị. Cô cho biết 10% trong số các khách hàng là người đồng tính, còn lại hầu hết là nam giới.
“Tôi muốn giúp khách hàng gạt bỏ mọi lo âu và giúp họ tỏa sáng nhất trong khoảnh khắc cầu hôn”, Velazquez khẳng định.
Kể từ khi ra mắt dịch vụ Lãng mạn ở London vào cuối năm 2014, Tiffany Wright và chị gái Amanda Brown đã tiếp xúc với 2.000 khách hàng.
“Phần lớn khách hàng của chúng tôi đều là những người bận rộn và có rất ít thời gian. Họ luôn có nhiều ý tưởng lãng mạn nhưng không có thời gian để thực hiện chúng”, Wright nói.
Chi phí dành cho một màn cầu hôn do công ty của Wright thực hiện rơi vào khoảng 1.200 USD, tuy nhiên cũng có khách hàng từng trả 600.000 USD cho màn cầu hôn có sự xuất hiện của 700 ca sĩ và một nhân vật nổi tiếng.
Cảm xúc trào dâng
“Truyền thông mang đến sự cạnh tranh trong các dịch vụ cầu hôn”, Wright nhấn mạnh.
“Chúng tôi có một bản mẫu để khách hàng điền vào, hỏi họ lần đầu hẹn hò ở đâu, lần đầu tỏ tình là khi nào, họ rất cởi mở và thành thực. Đôi khi họ còn tự mình lên các ý tưởng”, cô nói.
Trải nghiêm đi dạo Paris trên cỗ xe dành cho Lọ Lem như trong truyện cổ tích là màn cầu hôn được
nhiều chàng trai áp dụng. Ảnh: ApoteoSurprise/BBC.
Vào tháng 3 năm ngoái, Anthony Williams, một nhân viên thiết kế web ở Anh muốn tạo bất ngờ cho bạn gái với màn nhảy flashmob cầu hôn ấn tượng.
Tuy nhiên, Wright lại gợi ý cho anh chàng về một không gian xem phim riêng tư. Sau khi ăn trưa tại khách sạn nổi tiếng, Anthony và bạn gái đã xem phim trong rạp chiếu sang trọng của khách sạn. Và người xuất hiện trên màn chiếu không ai khác chính là Anthony.
“Khoảnh khắc gặp người bạn đời đặc biệt như em chính là lúc anh hồi hộp cầu nguyện cho cuộc đời mình”, dòng chữ hiện trên màn hình máy chiếu. Bộ phim tiếp tục chiếu cảnh anh chàng giơ những tấm biển sáng đèn và giải thích lý do anh yêu bạn gái Dembi.
Màn cầu hôn kết thúc với sự xuất hiện của các ca sĩ, nhạc sĩ, khiến bạn gái anh rơi nước mắt vì xúc động.
“Cảm xúc sẽ trào dâng khi bạn làm điều mình chờ đợi từ rất lâu và thổ lộ nó trước người thương”, Williams nói. Anh đã trả khoảng 6.300 USD cho màn cầu hôn của mình.
Hạnh phúc đắt giá
Nicolas Garreau, nhân viên công ty chuyên tổ chức cầu hôn ApoteoSuprise ở Paris cho biết dịch vụ này đẩy cảm xúc hồi hộp lên đỉnh cao. Tính từ năm 2006 đến nay, Garreau đã tổ chức 1.600 màn cầu hôn và 30 kịch bản cầu hôn với chi phí từ 300 USD trở lên.
Với số tiền hơn 21.000 USD, một cặp đôi có thể đi dạo Paris trong chiếc xe Rolls Royce Corniche xa xỉ trước khi dùng bữa trưa trên tầng thượng nhìn ra thung lũng Seine. Sau đó, 4 phi cơ sẽ trình diễn nhào lộn trên không, kết thúc bằng việc vẽ một hình trái tim khói trắng trên bầu trời.
Dịch vụ phổ biến hơn cả có giá 2.118 USD. Đó là cỗ xe ngựa trong mơ của Lọ Lem với một chiếc giải chocolate có kích thước bằng bàn chân cô gái, một chuyến đi vòng quanh Paris và bữa tối trên du thuyền dọc sông Seine.
“Tôi đang làm nghề khiến phụ nữ khóc”, Garreau nói. “Nếu họ không xúc động đến rơi nước mắt thì có lẽ tôi đã thất bại theo một cách nào đó”.
Theo trí thức trẻ