Bí ẩn cây phất trần trên tay thái giám

Ngoài trang phục chỉnh tề, mũ đội đầu thì trên tay các thái giám thân cận bên Hoàng đế Trung Hoa xưa luôn có cây phất trần. Chúng dài khoảng 50cm, một đầu làm bằng gỗ được trang trí đẹp và một đầu là những chiếc lông vũ nhỏ màu trắng hoặc các sợi gai được bó với nhau. Khi đi lại, các thái giám luôn đặt cây phất trần trên cánh tay. Trước khi thông báo điều gì, họ sẽ phất chúng một lần.


Trên tay các thái giám luôn có cây phất trần. Ảnh minh họa

Theo truyền thuyết, cây phất trần vốn dĩ là cây chổi đuổi muỗi, quét bụi có xuất xứ từ Ấn Độ. Một đầu là gỗ, một đầu là gai vải bông hoặc lông dê, vải, nhánh cây... Tuy nhiên, khi được sử dụng ở Hoàng cung Trung Quốc, đây là biểu tượng cho cho sự tu tập đoạn trừ phiền não, chướng nạn.

Một giả thuyết khác cho rằng hình ảnh cây phất trần này từng đi vào trong đời sống nghệ thuật của nhân dân, thường xuất hiện trong kinh kịch hay tuồng Quảng. Trong 2 loại hình nghệ thuật này, phục trang và khuôn mặt của các nhân vật được hóa trang khá giống nhau, nên những ai vào vai thái giám cầm thêm cây phất trần để người xem dễ phân biệt.

Hai vật bất ly thân khác của thái giám

Ngoài cây phất trần, các thái giám còn luôn mang theo bên mình một chiếc khăn nhỏ và bao đầu gối.

Nhiều người cho rằng chiếc khăn nhỏ để các thái giám lau mồ hôi nhưng không phải vậy. Sau quá trình tịnh thân, các thái giám thường bị tiểu nhiều lần trong ngày nhưng số lượng nước tiểu ít. Để tránh mùi khai, họ phải dùng khăn lau bộ phận sinh dục sau khi đi vệ sinh.

Dù ở bên cạnh Hoàng hậu hay Hoàng thượng nhưng thân phận của thái giám cũng chỉ là tôi tớ trong cung. Vì vậy, khi gặp những người này, họ vẫn phải hành lễ. Có ngày họ phải hành lễ hàng chục lần chưa kể mỗi lần làm sai việc gì có thể phải quỳ gối xin lỗi hoặc quỳ phạt nhiều giờ. Do đó, họ luôn mang theo bao đầu gối để việc quỳ không gây tổn thương cho da đầu gối.


Bao đầu gối hay khăn nhỏ là hai vật không thể thiếu của thái giám. Ảnh minh họa

Bao đầu gối là một dụng cụ hình vuông, bên ngoài bọc vải, bên trong nhét các loại giẻ hoặc các vật làm mềm. Các thái giám sẽ buộc chúng chắc chắn vào đầu gối. Trong các bộ phim dã sử Trung Quốc, nhiều cô gái cũng áp dụng cách này nhưng thường bị phát hiện.

Nhìn chung, cuộc đời thái giám không ít những nỗi buồn phiền và sự tự ti, trừ những thái giám lộng quyền để vươn đến đỉnh cao quyền lực. Hầu hết họ không có tài sản gì đáng giá. Sống trong cung cả đời cho đến khi về già, tưởng sẽ an nhàn nhưng thực ra họ không có đất đai hay gia sản gì to tát ngoài đồng lương ít ỏi hàng tháng nhận được trong cung.

Thời Minh - Thanh, hoạn quan khi xuất cung thường vào làm việc trong miếu, chùa hoặc nhận bố thí sống qua ngày. Tuổi già của họ là những ngày tháng cô đơn, không người thân nương tựa.

Bình An
Theo Vietnamnet