Thị trấn Utqiagvik nằm ở cực Bắc bang Alaska, Hoa Kỳ với hơn 4.000 người sinh sống. Nơi đây có khá nhiều tên gọi khác nhau như ‘tầng thượng của thế giới”, “điểm không đối với biến đổi khí hậu”...
Diện tích 55,17 km² chìm trong bóng tối - Ảnh: Matt Lorelli
Mặt trời lặn lần cuối ở Utqiagvik vào khoảng ngày 19 tháng 11 và mọc trở lại vào khoảng ngày 23 tháng 1 năm sau. Vậy nên trong hơn hai tháng liền, thị trấn hoàn toàn không có ánh sáng mặt trời.
Nguyên nhân của hiện tượng là do trục trái đất nghiêng 23,5 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của nó quanh mặt trời.
Vì độ nghiêng, vòng Bắc Cực và vòng Nam Cực sẽ trải qua chu kỳ ngày và đêm dài bất thường trong suốt cả năm. Nằm ở khu vực đặc biệt này, Utqiagvik phải chịu cảnh thiếu mặt trời hơn 64 ngày liên tiếp.
Việc thiếu hụt nguồn ánh sáng khiến nhiệt độ ở đây giảm, trung bình 12 tháng không bao giờ vượt quá 0 độ C - Ảnh: Ningning Sun
Mùa đông kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống ở Utqiagvik. Vitamin D và đèn trị liệu bằng ánh sáng là hai thứ không thể thiếu cho đến khi ánh sáng ban ngày quay trở lại.
Phần lớn dân cư là người Iñupiat Alaska bản địa, họ thường làm các công việc phục vụ khai thác mỏ dầu gần đó.
Mọi hoạt động đều gặp thách thức do thời tiết cũng như điều kiện thiếu sáng - Ảnh: Nils Andreassen
Vị trí hẻo lánh khiến việc vận chuyển khó khăn nên hàng hóa ở đây khá đắt và khan hiếm. Nguồn thực phẩm chủ yếu là tự cung tự cấp, dựa vào săn bắt cá voi, tuần lộc, hải cẩu và chim…
Thế nhưng trong thời gian không có mặt trời, nhiều điều thú vị cũng sẽ diễn ra và “mê hoặc” nhiều tín đồ du lịch: Hiện tượng quang học tuyệt đẹp như bắc cực quang và sao băng; lễ hội Qulliq (lễ hội đèn dầu), lễ hội Muktuk (lễ hội thịt da voi biển) độc đáo...
Phải đến tháng 1 năm sau, ánh nắng mới bắt đầu xuất hiện trở lại - Ảnh: Expedia
Theo VTC