Muneera Begum (19 tuổi), hiện sống tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Cô ví đêm tân hôn 7 năm trước của mình giống như cuộc tra tấn. "Tôi không được giáo dục tốt nên không thể hiểu điều kinh khủng gì đang diễn ra. Tôi đã mang trong mình giọt máu của ông ta”, nữ nạn nhân chia sẻ.
Theo lời Begum, suốt 2 tháng bị giam giữ gắt gao trong phòng, cô phải phục vụ nhu cầu tình dục cho người chồng lớn tuổi.
Muneera Begum (trái) bị chính cha mẹ ép gả chồng từ năm 12 tuổi. Ảnh: CNN.
“Bất cứ khi nào ra ngoài, ông ta sẽ nhốt tôi lại. Khi ông ấy trở về, những điều khủng khiếp lại tái diễn”, Begum nghẹn ngào.
Cảnh sát nhận định mỗi năm có hàng trăm trường hợp bé gái kém may mắn như Begum ở Hyderabad, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Nạn nhân thường xuất thân từ những gia đình nghèo khó, bố mẹ túng quẫn nên buộc phải bán chính con gái cho những khách du lịch cao tuổi. Họ tới đây để “mua vợ” hoặc tìm kiếm những điều mới lạ về thể xác.
Trong một cuộc điều tra của CNN, phóng viên ghé thăm ngôi làng, gặp gỡ nhiều nạn nhân sau khi họ phải chịu những nỗi đau về tinh thần và thể xác.
"Săn" bé gái nhà nghèo
Các "đại lý buôn người" thường được đặt ở một số quốc gia Trung Đông và Nam Phi. Những tên môi giới ở Hyderabad sẽ tìm cách tiếp cận các gia đình nghèo khó, thuyết phục họ bán con gái còn đang trong độ tuổi vị thành niên. Do cần tiền, những người cha, người mẹ sẽ dễ dàng đồng ý.
Các đại lý cũng có nguồn khách hàng dồi dào, chủ yếu là đàn ông cao tuổi, những người tới Hyderabad du lịch. Tại đây, các tên ma cô coi những đứa trẻ như món hàng, khách tha hồ lựa chọn.
Một giáo sĩ tôn giáo chịu trách nhiệm ký giấy đăng ký kết hôn để hợp thức hóa cuộc hôn nhân cưỡng ép và cả giấy ly hôn. Tuy nhiên, một trong những lãnh đạo tôn giáo cấp cao tại Hyderabad cho biết luật Hồi giáo yêu cầu sự đồng ý của các cô gái thì cuộc hôn nhân mới được chấp thuận.
Sau một vài tháng sống như "vợ chồng”, các vị khách sẽ một đi không trở lại. Một vài trong số các cô gái đã trở thành gái bán dâm.
Theo CNN, thật khó để có thể hiểu vì sao những người mẹ có thể nhẫn tâm bán đi đứa con dứt ruột đẻ ra. Song, mẹ của Begum bộc bạch rằng 5 thành viên trong gia đình chỉ sống trong căn phòng chật hẹp.
“Chồng tôi là gã nghiện rượu, chúng tôi không có tiền. Tôi tin rằng bán Begum sẽ giúp cô bé và cả gia đình cải thiện. Chúng tôi nghĩ cần phải làm như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng làm như vậy có thể mua được một căn nhà nhỏ”, bà nói.
Cảnh sát nhận định mỗi năm có hàng trăm trường hợp bé gái kém may mắn như Begum ở Hyderabad, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: The North East Today.
"Tôi không muốn có thêm nhiều cô gái đáng thương"
Begum hiện có một con gái. Cha cửa đứa trẻ không ai khác chính là người đàn ông mà cô phải kết hôn 7 năm trước đó.
Cô cho biết khi cái thai được 2 tháng tuổi, ông ta yêu cầu ly dị. Lúc đó, Begum như mất trí và luôn cố gắng tìm đến cái chết bằng việc tự tử.
“Tôi đã khóc rất nhiều và rất đau đớn, nghĩ rằng mình thật vô dụng. Lần cuối cùng có ý định tự sát, tôi đã cắt cổ tay mình”, Begum kể lại.
Sau đó, nạn nhân này được một tổ chức phi chính phủ địa phương tên gọi là Shaheen cưu mang, giúp đỡ. Tổ chức này ra đời nhằm ngăn chặn việc các bé gái bị bán vào những cuộc hôn nhân cưỡng ép.
Shaheen cũng giải cứu các cô gái và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, dạy họ kỹ năng như cắt may, vẽ henna, sử dụng máy tính. Những công việc này giúp họ tự lập tài chính về sau.
Trung tâm Shaheen được bà Jameela Nishat thành lập cách đây 20 năm. Bà đã trực tiếp giúp đỡ hơn 100 cô gái và gần 1.000 cô gái được trung tâm gián tiếp hỗ trợ.
“Ước muốn của tôi là mọi bé giá đều được hạnh phúc và thoải mái tận hưởng cuộc sống và luôn cảm thấy tự do”, bà Jameela Nishat nói.
Sau khi tới Shaheen, Begum đã thông báo với cảnh sát và nhà chức trách bắt giữ kẻ môi giới liên quan đến đường dây bán cô vào kết hôn ép buộc.
Begum phải mất nhiều năm mới có thể cân bằng được cuộc sống. Cô quyết tâm ngăn chặn bi kịch này xảy ra với những cô gái khác.
“Tôi đã bắt kịp với cuộc sống này. Tôi không muốn có thêm nhiều cô gái đáng thương. Trong thâm tâm, tôi cảm nhận rõ nỗi đau mình phải đối diện”, Begum chia sẻ.
Theo Zing