Tôi và chồng quen nhau qua mai mối của người quen. Khi gặp nhau, tôi là người có tình cảm với anh trước bởi thấy anh nói chuyện có duyên và có những cử chỉ quan tâm tinh tế khiến tôi rung động.

Nhưng cưới nhau rồi, tôi mới nhận ra, anh ấy là người dẻo miệng thì đúng hơn. Cuộc sống hôn nhân đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác mà tôi phải tự mình thích ứng bởi bản thân đã quá vội vàng.

Ngày ấy, chúng tôi lấy nhau chỉ sau 3 tháng hẹn hò chính thức. Chồng tôi đã tìm hiểu khá nhiều cô gái trước khi đến với tôi. Có lẽ do tôi xuất hiện đúng lúc anh đang mệt mỏi, áp lực tuổi tác và cần người ở bên chăm sóc mẹ già.

Cưới 3 năm, tôi không biết đến lương của chồng và té ngửa vì một sự thật-1
Tôi quá mệt mỏi với áp lực tài chính (Ảnh minh họa: TD).

Vừa cưới về được ít hôm, chồng tôi thông báo anh có khoản nợ 200 triệu đồng do xây căn nhà 3 tầng (hết gần 1 tỷ đồng) và một ít là tiền nợ sắm đồ cưới, giường, tủ, sính lễ.

Nhà anh mới xây nhà hơn một năm trước nên tôi nghĩ việc nợ nần là điều đương nhiên. Tôi không ý kiến gì và mặc định mình sẽ dùng lương của mình để chi tiêu trong gia đình, còn tiền của chồng lo trả nợ.

Khoảng thời gian đầu sau hôn nhân với tôi không đến mức tệ, chồng vẫn khá tâm lý và quan tâm tôi. Tôi biết chồng còn áp lực chuyện nợ nần nên chưa bao giờ hỏi anh một đồng nào.

Chồng cũng không kể lương mình bao nhiêu mà luôn bảo "làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít". Chồng tôi làm công ty tư nhân, thu nhập còn theo doanh số.

Khi chúng tôi chưa có con, việc lo chi tiêu cho cả nhà với tôi không quá mệt mỏi. Tôi là kế toán cho một công ty vật tư xây dựng, thu nhập khá ổn. Nhưng hơn một năm nay, sau khi sinh bé đầu, lúc nào tôi cũng phải quay cuồng trong vòng xoay cơm áo gạo tiền.

Chồng tôi dẫu biết nhưng chẳng bao giờ hỏi tôi có cần anh phụ giúp không. Đã thế, mẹ chồng tôi còn hay đau ốm, đi viện. Chồng kẹt tiền, tôi lại phải chuyển cho anh đôi ba triệu.

Áp lực tiền nong khiến tôi dễ lo lắng, nổi cáu. Song tôi cũng chưa bao giờ để lộ cảm xúc của mình cho mẹ chồng thấy. Tuy vậy, bà thường đi kể với hàng xóm, họ hàng rằng: "Nó đưa được có mấy đồng mà "mặt nặng mày nhẹ". Mới có ốm tí đã thế này, nếu mà nằm liệt ra đấy thì chắc cháo cũng chả có mà ăn".

Nghe những lời lẽ ấy của mẹ chồng, tôi buồn lắm. Tôi bỗng dưng biến thành người keo kẹt, sống vô trách nhiệm trong mắt của bà. Chồng biết chuyện nhưng cũng chẳng phân tích ngọn ngành để mẹ chồng thông cảm, chia sẻ với tôi.

Tôi đem câu chuyện chia sẻ kinh tế bàn bạc với chồng vì nghĩ rằng, 3 năm cũng đã đủ để anh trả hết khoản nợ. Tuy nhiên, chồng vẫn nói bản thân còn nhiều việc phải lo nên tôi cứ xác định vất vả, tằn tiện mấy năm nữa.

Chồng nói thế nhưng lại hành động đầy mâu thuẫn khi mua sắm những vật dụng chưa thật cần thiết trong nhà như đôi lộc bình, máy chạy bộ….

Tôi đem nỗi bức xúc tâm sự với chị dâu chồng. Lúc này, chị mới thành thật kể rằng, khoản nợ của chồng tôi có lẽ còn cao gấp nhiều lần bởi trước đây, anh  từng chơi cá độ, lãi mẹ đẻ lãi con.

Qua bao năm, cả gia đình đã mệt mỏi với các khoản nợ của chồng tôi. Mẹ chồng từng phải bán một miếng đất ở quê đi để trả nợ cho anh ấy.

Nghe chia sẻ của chị dâu chồng, tôi sốc vô cùng. Vậy là 3 năm qua, tôi nai lưng ra làm việc, chi tiêu tiết kiệm để giải quyết hậu quả từ những thói hư tật xấu của chồng.

Bình tâm nhìn lại, tôi thấy chồng dường như chẳng thật tâm yêu tôi. Anh cưới tôi có lẽ vì mong muốn có một người san sẻ nợ nần.

Trong tâm trạng chán nản, tuyệt vọng, tôi không ngừng nghĩ tới chuyện ly hôn. Tôi thấy thất vọng khi mình bị chồng lừa dối, giấu nhẹm chuyện nợ nần do cá độ, chơi bời.

Theo Dân Trí