Ngày 13/4, TAND tỉnh Vĩnh Long, mở phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Văn Cung (SN 1982, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Tuấn Sĩ (SN 1968, chạy xe ôm, ngụ TP Vĩnh Long) cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cung trước và sau khi bị bắt.
Theo báo chí, Phạm Văn Cung bị cáo buộc lợi dụng uy tín của nhà chùa và trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hơn 67 tỷ đồng, trong đó một nữ ca sĩ nổi tiếng bị lừa 13 tỷ đồng.
Dẫn thông tin từ phiên toà, báo chí cho hay bị cáo Cung thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng đã truy tố. Theo bị cáo Cung, trước khi ghi danh vào giáo hội Phật giáo bị cáo đã lâm vào cảnh nợ nần mất khả năng thanh toán do lối sống hoang phí của mình nên mới nghĩ đến chuyện chiếm đoạt tiền của người khác.
Giải thích về hành vi lừa đảo của mình, báo chí dẫn lời cựu trụ trì chỉ nói: "Bị cáo còn chất người đời, từ đó rơi vào khó khăn, dẫn đến nợ nần. Hành vi gian dối có sự giúp sức từ Sĩ và Khoa".
Trả lời toà về việc bị cáo sẽ trả tiền cho các bị hại bằng cách nào khi mà số tiền lên tới hơn 77 tỷ, Cung tự tin cho rằng: "Nếu bị cáo còn ở ngoài thì với khả năng của bị cáo chắc chắn sẽ kiếm được tiền trả cho bị hại, còn bằng cách nào là việc của bị cáo".
Số tiền chính xác mà Cung đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bốn người là hơn 77,7 tỷ đồng. Sau khi bị tố giác, Cung đã trả lại cho các bị hại một phần và hiện còn chiếm đoạt hơn 67,7 tỷ đồng nên cáo trạng truy tố ghi mức tiền này.
Do trước đó Cung đã vay mượn của nhiều người nên sau khi chiếm đoạt được tiền của các bị hại, Cung và Khoa đã chuyển cho 273 người, trong đó có 261 người nhận của Cung hơn 75 tỷ đồng.
Lừa đảo hàng loạt Theo cáo trạng, thông qua chương trình "Vòng tay nhân ái" tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) năm 2015, Cung làm quen với bà N.T.H.P (Giám đốc công ty thiết bị điện tử ở TP.HCM). Biết bà P là doanh nhân có tiền nên Cung đã mời bà đến tham quan chùa Phước Quang và Trung tâm Suối nguồn tình thương rồi "giả khổ" kể về món nợ 6,5 tỷ đồng tiền xây dựng các công trình. Thấy thương cho hoàn cảnh nhà chùa, bà P. cho Cung mượn 700 triệu đồng nhưng Cung lại kêu Khoa in phiếu thu công đức chứ không ghi giấy nợ. Tiếp đó, Cung lại dùng chiêu thuê người giả làm bắt cóc, sử dụng sim số điện thoại Trung Quốc để gọi cho bà P., dọa nạt lớn tiếng yêu cầu bà trong một tuần phải chuyển hơn 5,7 tỷ đồng thì mới chuộc được thầy "Thích Phước Ngọc" về. Bà P. liền chuyển đi 5,7 tỷ đồng. Nhận được tiền, Cung chia cho những người tham gia ngụy tạo bắt cóc 5 triệu đồng. Chưa dừng lại, Cung còn nhiều lần nói dối là mình nợ nần, bệnh nặng phải bỏ trốn sang Trung Quốc nên bà P. chuyển thêm hơn 10 tỷ đồng. Tổng cộng, Cung lừa bà P. 18,5 tỷ đồng. Cáo trạng mà báo chí đăng tải còn nêu, năm 2017, Phạm Văn Cung quen biết với một người phụ nữ ở Hà Nội và mời người này vào Vĩnh Long tham quan chùa Phước Quang và trung tâm Suối nguồn. Cung lại lừa người phụ nữ Hà Nội này chuyện mình và trẻ em mồ côi của trung tâm bị xã hội đen bắt nhốt trên xe tải, dọa giết, kêu khóc thảm thiết. Nhờ vụ giả bắt cóc này, Cung lừa của người phụ nữ Hà Nội tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phạm Văn Cung quen biết với nữ ca sĩ H.L. từ năm 2015 trong một lần tổ chức chương trình văn nghệ tại chùa Phước Quang. Từ đây, Cung và ca sĩ thường xuyên liên lạc với nhau. Năm 2020, Phạm Văn Cung nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của nữ ca sĩ nên trực tiếp đến nhà của L. chơi, nói chuyện. Qua chuyện trò thì Cung biết nữ ca sĩ có bạn muốn về Việt Nam định cư nhưng vướng mắc giấy tờ. Vì vậy, Phạm Văn Cung liền "nổ" mình là "mật vụ", "tình báo", thường được cử đi nước ngoài. Táo tợn hơn, gã còn ghép ảnh giả mạo mình với lãnh đạo cấp cao để gửi cho ca sĩ L. nhằm chứng minh mối quan hệ rộng của mình có thể giúp bạn của ca sĩ về nước định cư. Thấy L. gật gù tin tưởng, Phạm Văn Cung yêu cầu nữ ca sĩ đưa chi phí là 1 triệu USD và phải chuyển trước 50% để làm thủ tục định cư cho bạn cô. Tin lời, ca sĩ đã chuyển cho Cung hơn 13 tỷ đồng. |
Theo Pháp Luật & Bạn Đọc