Sau khi đoàn công tác gồm các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương có mặt tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn để thăm khám cho những học sinh có biểu hiện lạ ở trường Tiểu học xã Xuân Lạc, bước đầu các bác sĩ kết luận đây là biểu hiện của chứng rối loạn phân ly tập thể.
PGS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau khi tiếp xúc với các học sinh có biểu hiện lạ, qua quá trình khám thần kinh, tâm lý, ngộ độc, tìm hiểu triệu chứng, môi trường... các bác sĩ đã đưa ra kết luận như trên.
Sau khi thăm khám, các học sinh đã đi học bình thường, nhưng sẽ tiếp tục được theo dõi chuyên môn y tế. Đồng thời, đoàn công tác sẽ tiếp tục tìm hiểu, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân hiện tượng trên.
Để điều trị căn bệnh dễ lan truyền này, chủ yếu dùng liệu pháp tâm lý. Bệnh nhân cần được quan tâm đặc biệt, được chia sẻ từ người thân, bạn bè và gia đình.
Học sinh trường Tiểu học Xuân Lạc trong một ngày tựu trường.
Liên quan đến căn bệnh này, PGS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 cho biết, rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Biểu hiện của các rối loạn phân ly rất đa dạng, không tương xứng với bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể.
PGS Đức cho rằng, rối loạn phân ly tuy không lây như các bệnh truyền nhiễm khác nhưng cũng có cơ chế “lây” riêng trong tâm thần. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể lớn.
Chuyên gia khuyến cáo để dự phòng bệnh này, cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly. Đặc biệt chú y rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.
Trước đó, bà Lưu Thị Uyên - Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, toàn bộ số học sinh có biểu hiện lạ, không kiểm soát được bản thân đều thuộc điểm trường Nà Bản và có triệu chứng giống nhau.
Ban đầu các em hơi mệt mỏi, sau đó chuyển sang trạng thái hung dữ, mất kiểm soát bản thân không nhận biết được bất kể ai, kể cả là người thân, thầy cô giáo.
“Khi thấy các em có biểu hiện lạ, các thầy cô giáo đến hỗ trợ các em thì các em càng trở nên hung dữ, sẵn sàng phản ứng bằng cách đánh lại, cấu xé, cắn các thầy cô giáo…”, bà Uyên nói.
Theo Khám Phá