Đã đến lúc phong trào thanh niên tình nguyện thay đổi

Cần bỏ việc coi việc tình nguyện là chiến dịch và thanh niên tình nguyện là chiến sĩ. Tình nguyện, nói tóm lại, là thích thì làm, chứ không phải mệnh lệnh chỉ huy trong quân đội.

>>> Ba nữ sinh tình nguyện của trường Đại học Ngoại thương bị lũ cuốn mất tích
>>> Vụ 3 nữ sinh Ngoại Thương bị lũ cuốn: "Tất cả sinh viên trong trường nghe tin đều sốc"
>>> Đại học Ngoại thương tạm dừng tất cả hoạt động tình nguyện sau cái chết của 3 nữ sinh
>>> Mẹ của nữ sinh bị lũ cuốn trôi: "Nó bảo đi tình nguyện 1 tháng rồi về, ai ngờ..."

Thuở còn là sinh viên, tôi không thích mấy hoạt động đoàn đội, nhưng cũng tham gia kha khá các thể loại tình nguyện. Nói chung thích thì đi, chứ không có ham muốn cống hiến gì to tát cả.

Cũng vào một đợt mưa tháng Bảy, đợt mưa khiến ba em sinh viên trường cũ của tôi tử nạn, tôi đi "mùa hè xanh" ở một huyện miền núi của Hà Giang. Nói dại, lỡ như mấy chiếc xe máy cân ba của anh bí thư xã phóng như Xích Thố trượt xuống vực, hay lũ quét tràn về khi cả lũ đang tắm suối ở bản, thì chắc tôi cũng đã ngắm “gà khoả thân” được ngót chục năm.

Làm gì cũng có rủi ro. Ở nơi rừng thiêng nước độc, việc sơ sẩy dẫn đến bỏ mạng là nguy cơ có thật. Điều quan trọng là những cái đầu trẻ tuổi hồn nhiên cần được đào tạo để giảm thiểu những rủi ro đó. Đó là trách nhiệm của bên tổ chức, Đoàn Thanh niên. Tôi không biết ba bạn vừa qua đời ra sao, nhưng tôi thì không có được điều đó.

Da den luc phong trao thanh nien tinh nguyen thay doi hinh anh 1
Một trong những hình ảnh cuối cùng của nữ sinh Nguyễn Thị Ngân, một trong ba nữ sinh Ngoại thương vừa tử nạn do lũ cuốn ở Quảng Ninh. Ảnh: FBNV.

Bản thân tôi ủng hộ các hoạt động tình nguyện, kể cả do Nhà nước tổ chức. Nhưng thực sự qua vụ việc trên, phong trào thanh niên tình nguyện nói chung và Mùa hè xanh nói riêng cần phải thay đổi.

Đầu tiên là phải bố trí lao động phù hợp. Lợi thế duy nhất của sinh viên là trí óc, không thể bắt các em đi đào đường xây nhà. Lúc ở Hà Giang, nhóm tình nguyện của chúng tôi mất cả tuần hì hục cào một mô đất làm sân bóng chuyền không xong, các anh công an huyện vào giúp một buổi chiều là phẳng như Sony thế hệ mới. Thế nhưng đi dạy lũ trẻ trong bản, từ những cái tưởng vớ vẩn như gấp hạc, chơi cầu lông… thì làm bọn trẻ rất vui và khiến chúng tôi bớt mặc cảm dài lưng tốn vải phần nào.

Thứ hai, các từ như "tư lệnh ngành", "trận đánh"... cần bỏ cũng như bỏ việc coi việc tình nguyện là chiến dịch và thanh niên tình nguyện là chiến sĩ. Tình nguyện, nói tóm lại, là thích thì làm, chứ không phải mệnh lệnh chỉ huy trong quân đội. Cách dùng từ đậm chất trước tác Mao Trạch Đông này vừa khiến sinh viên ảo tưởng sức mạnh, vừa làm mất đi tính tự nguyện vốn có của hoạt động này.

Ý trên dẫn đến điều thứ ba, là cần phải bỏ dần dần việc nhà nước hoá các hoạt động tình nguyện, thông qua tổ chức độc quyền tình nguyện là Đoàn Thanh niên. Các nhóm tình nguyện sinh viên độc lập nên quyết định mình có thể và thích làm gì, ở đâu. Sau đó Đoàn chỉ nên giữ vai trò là trung gian giới thiệu/đào tạo/tham vấn cho các bạn về các lựa chọn phù hợp. Họ cũng phải tự lo liệu vấn đề tài chính. Ở các nhóm tình nguyện quốc tế tôi biết, thành viên tham gia đều phải tự trang trải kinh phí.

1.000 người làm 350m đường, tốn 1,5 tỷ đồng - 1
Việc huy động 1.000 thanh niên tình nguyện để làm đoạn đường 700 m và tiêu tốn 1,5 tỷ đồng từng gây bức xúc vào năm 2013. Ảnh: Dân Việt

Chi phí vận hành Mùa hè xanh nên tạo thành một quỹ tình nguyện quốc gia, và các nhóm tình nguyện có thể "đấu thầu" để nhận hỗ trợ từ nhà nước, thay vì phân bổ trực tiếp cho Đoàn Thanh niên mà không biết hiệu quả ra sao như hiện tại.

Cái chết của ba em, nhìn vào thực tế, là phí hoài cho các em và người thân. Tấm huy hiệu anh hùng của Đoàn, nếu có, cũng chẳng thể giúp các em quay về từ vực suối. Năm sau, một phong trào "Mùa hè xanh" khác sẽ tiếp tục được phát động, khi nấm mộ của các em cũng đã xanh cỏ. Chỉ có nỗi đau cho người ở lại thì còn mãi.

Theo Zing


Tin tức mới nhất