Bộ phim Thanh Sói của Ngô Thanh Vân sản xuất sắp được ra mắt và khán giả đang đổ dồn mọi sự chú ý vào “ đả nữ” mới của làng phim Việt. Là một nhân vật tay ngang về phim ảnh, Đồng Ánh Quỳnh được đảm nhận vai chính của Thanh Sói trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng ở vòng casting Ngô Thanh Vân đã chỉ thẳng mặt Đồng Ánh Quỳnh nói rất đanh thép sau phần thể hiện các pha hành động của cô: “Em là một trong những ứng viên yếu nhất", giám khảo Nam Trung thẳng thắng bày tỏ tiếc nuối vì thời điểm đó Đồng Ánh Quỳnh “có tất cả, trừ diễn xuất".
Cũng chính tại vòng sơ tuyển này, Ngô Thanh Vân đã buông lời “chỉnh đốn" đàn em: “Là đam mê thì không bỏ cuộc". Từ câu nói này mà Đồng Ánh Quỳnh đã nỗ lực hết mình, tạo ra một nhân vật Bi gai góc, máu lửa.
Để đáp ứng yêu cầu cho nhân vật lớn lên giữa bối cảnh Sài Gòn xưa, Đồng Ánh Quỳnh cũng ra sức tự học nói giọng miền Nam trước khi bấm máy 4 tháng.
Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, để một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có thể thành thục việc diễn xuất, hành động kết hợp với khâu nhả thoại sao cho đúng chất giọng một cô gái trẻ miền Tây những năm 90 ở Việt Nam.
Hành trình tập giọng nghe không hề hao tâm tổn sức, nhưng lại là phần khổ luyện đặc biệt của Đồng Ánh Quỳnh.
Để làm được điều không thể trong thời gian ngắn, không hề có thầy cô trường lớp, người đẹp bắt đầu bằng việc tạm lánh những người bạn nói giọng Bắc.
Suốt quãng thời gian đầu, cô ép mình tập trung học phản xạ nghe và nói hoàn toàn trong môi trường giọng Nam, ngày ngày ra sức tập nói chuyện với những người bạn nói tiếng Nam trước.
Lúc mới tập, vì còn nói ngọng với chất giọng còn lơ lớ, Quỳnh bị bạn bè trêu suốt, không ít lần thấy vô cùng tủi thân vì giọng nói mình chưa đủ tốt. Tuy nhiên, Đồng Ánh Quỳnh biết mình phải chấp nhận bị cười Quỳnh cố ý dùng giọng Nam trong mọi giao tiếp cơ bản hằng ngày.
Chưa kể, đổi từ giọng Bắc sang Nam, có những từ ngữ khác cách phát âm đã đành, chúng còn khác cả ý nghĩa, cách dùng. Vì thế, Quỳnh phải tập quen dần với một hệ ngôn ngữ mới dựa trên những khác biệt về phương ngữ. Khi quen dần với tông miền Nam, Quỳnh tăng cường tập lắng nghe để phân biệt được sự khác nhau giữa chất giọng Sài Gòn và giọng miền Tây.
Mỗi ngày, mỗi cuộc gặp bạn bè hay công việc, Quỳnh đều liên tục hỏi người đối diện mình rằng hôm nay giọng mình nói có được không, nghe có chỗ nào kì cục không để Quỳnh tiếp tục sửa.
Bỏ ngoài tai tất cả những câu trêu đùa đến bác bỏ, Quỳnh vẫn cố gắng tập trung để có thể tự diễn bằng chất giọng miền Tây cấp tốc của mình trong thời gian gấp rút.
Cho đến thời điểm hiện tại, Đồng Ánh Quỳnh đã nói sỏi giọng miền Nam sau khi hoàn thành Thanh Sói và có thể “bật nút" đổi giọng bất cứ khi nào. Xem Thanh Sói, khán giả sẽ cảm thấy thuyết phục về chất giọng mà Quỳnh đã khổ luyện.
Vào vai một cô gái trẻ lăn lộn đường phố được một “ngôi nhà tình thương” khu lao động cưu mang, Đồng Ánh Quỳnh thường xuyên xuất hiện với bộ dạng lấm lem, trầy trụa.
Có lần cả gia đình nữ diễn viên tá hoả khi chứng kiến tấm ảnh mặt mũi hoá trang trông hơi te tua, bầm dập. Để rồi từ đó bố mẹ Quỳnh chỉ nói: “Mệt hay khổ quá thì nghỉ đi con”.
Nghe thấy câu nói này, Quỳnh tự nén những cơn đau thật từ va đập, các vết bầm khắp tay chân đến toàn thân suốt thời gian tập luyện và ghi hình trong âm thầm. Cũng nhờ vậy trong thời gian đó, tinh thần “sói con” được tôi luyện thành “sói lớn”.
Đ.Trang
Theo VietNamNet