Sắn, hay còn gọi là khoai mì, từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân châu Phi.
Với khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và đất đai kém màu mỡ, sắn đã trở thành cây lương thực chủ lực, đảm bảo nguồn thức ăn cho hàng triệu người.
Ưu điểm lớn nhất của cây sắn là khả năng chịu hạn rất tốt, dễ trồng và ít yêu cầu về môi trường. Thậm chí, chỉ cần cây sắn được gieo ngẫu nhiên vào đất thì chúng sẽ bén rễ và nảy mầm sớm, ngay cả trên đất cằn cỗi.
Nông dân cũng gần như không cần chăm sóc sắn kỹ lưỡng mà chúng vẫn phát triển mạnh mẽ.
Ngoài năng suất cao, sắn còn rất giàu tinh bột nên cho cảm giác no lâu. Thậm chí, người dân châu Phi còn nghiền sắn thành tinh bột và xuất khẩu rộng rãi đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, xét về bản chất, sắn là loại củ chứa độc tính mạnh. Trong sắn có một độc tố thuộc loại glucosid, khi gặp men tiêu hóa, nước hay acid sẽ thủy phân và giải phóng acid cyanhydric (HCN), một chất độc có thể gây chết người.
HCN có nhiều nhất ở vỏ sắn, ruột sắn phần xơ và hai đầu củ sắn. Điều đáng sợ là, liều lượng gây tử vong là 1mg/kg trọng lượng cơ thể.
Tại Việt Nam, sắn cũng là một loại thực phẩm quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu không chế biến đúng cách khi ăn sắn có thể gây ra ngộ độc với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu…
Tất nhiên, nếu biết cách chế biến và loại bỏ độc tố, sắn sẽ là một nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài dùng làm thực phẩm cho con người, bã sắn sau khi ép lấy tinh bột có thể dùng làm thức ăn cho gia súc.
Trong công nghiệp, tinh bột sắn có thể được lên men để sản xuất ethanol, một loại nhiên liệu sinh học thay thế cho xăng dầu. Bột sắn được sử dụng làm chất độn trong sản xuất giấy…
Trong y tế, một số bộ phận của cây sắn còn được sử dụng trong y học dân gian để điều trị một số bệnh. Hiện tại ở Việt Nam, giá sắn tươi ở mức rất rẻ, chỉ chưa đầy 3.000đ/kg.
Theo Người đưa tin