Sâu chít là loại ấu trùng có màu trắng sữa, thường được tìm thấy trong thân cây chít - đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Điện Biên,… Thời điểm thu hoạch sâu chít là từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, cách phân biệt những cây chít có sâu là thân cây còi cọc, có đoạn phình to và không ra hoa. Khi đó, người ta sẽ thu hoạch cây chít mang về nhà, tách đôi phần thân ra để lấy những con sâu nằm gọn bên trong.
Thoạt nhìn, sâu chít có hình dáng giống nhộng tằm nhưng kích thước nhỏ và dài hơn (Ảnh: Anna Thúy).
Dù có vẻ bề ngoài khiến nhiều người dè chừng, e ngại nhưng sâu chít lại là đặc sản thơm ngon, có giá thành cao và được giới sành ăn săn đón. Thông thường, một bó sâu chít 100 ngọn được bán với giá từ 160.000 – 200.000 đồng.
Tuy nhiên, loại đã chẻ, tách riêng sâu chít ra khỏi đọt thì đắt hơn, giá dao động từ 900.000 – 1.000.000 đồng/kg. Riêng loại sấy khô có giá lên tới vài triệu đồng mỗi cân.
Tuy có vẻ ngoài kém hấp dẫn nhưng sâu chít là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn ngon, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc (Ảnh: Nguyễn Thúy, Phương Thanh).
Sở dĩ sâu chít có giá thành đắt đỏ là bởi việc thu hoạch chúng tốn nhiều thời gian, công sức. Loài côn trùng này cũng được giới sành ăn truyền tai nhau các công dụng như tăng cường sinh lực phái mạnh, làm đẹp da,…
Theo người dân địa phương, để lấy được sâu chít một cách nguyên vẹn, không bị dập và đảm bảo chất lượng đòi hỏi quá trình xử lý tỉ mỉ, khéo léo, cẩn thận.
“Sau khi thu hoạch những bó chít từ rừng về nhà, chúng tôi phải tách sâu ra trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Bởi nếu để lâu, sâu chết sẽ làm giảm chất lượng và khi bán sẽ bị mất giá”, anh Lê Hùng, chủ một nhà hàng chuyên phục vụ các món đặc sản ở Điện Biên cho biết.
(Ảnh: Oanh Toét Vũ, Thảo Thảo).
Anh Hùng cũng tiết lộ, việc kiếm sâu chít không đơn giản, cần chút may mắn. Ngày nào chủ định đi, họ phải dậy từ sáng sớm, băng rừng, lội suối mấy tiếng đồng hồ mới tìm được những rừng có cây chít cao.
Nếu trúng đợt rừng chít nhiều sâu, người địa phương có thể thu được vài cân dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có những ngày đi từ sáng đến chiều chỉ kiếm được vài lạng, không bõ công sức.
Sau khi tách sâu ra khỏi đọt cây, người ta phải thả sâu ngay vào chậu đựng rượu pha loãng để chúng không bị biến chất và nhả hết chất bẩn bên trong ra ngoài.
Người vùng cao thường dùng sâu chít để ngâm rượu hoặc chế biến thành các món ăn như rang lá chanh, tẩm bột chiên, nấu cháo… Ở một số nơi, bà con dân tộc Mông còn dùng sâu chít để luộc với củ riềng, chấm muối hoặc xào với ngọn bí, su su.
Nếu đã vượt qua cảm giác sợ hãi, thực khách sẽ thấy các món ăn từ sâu chít rất thơm ngon, mang hương vị đặc trưng (Ảnh: D.L).
Dù không ít người cảm thấy “rùng mình” khi nhìn thấy sâu chít nhưng sau khi chế biến, các món ăn từ nguyên liệu này lại trở nên hấp dẫn. Những thực khách ăn quen nhận xét, sâu chít có độ béo ngậy, căng mọng và vị thơm.
Ngoài các món ăn kể trên, sâu chít còn được sử dụng như một nguyên liệu dùng để ngâm rượu. Nhiều người cho rằng, việc ngâm rượu giúp giữ nguyên hương vị của sâu. Đồng thời, loại đồ uống này cũng được xem là có tác dụng bổ thận, tráng dương, chữa suy nhược thần kinh,…
Rượu ngâm sâu chít (Ảnh: Oanh Toét Vũ).
Từ loại côn trùng thường có của địa phương, sâu chít dần trở thành đặc sản được giới sành ăn ở vùng xuôi yêu thích và săn đón.
Một số thực khách tiết lộ, mùa cao điểm, họ phải đặt trước cả tháng trời mới mua được sâu chít, thậm chí, dù trả giá cao song không phải lúc nào cũng có thể mua.
Theo VietNamnet