Vùng đất Tiên Yên (Quảng Ninh) không chỉ được biết đến với một số đặc sản như khâu nhục, gà đồi,… mà còn có một món ngon dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng, lạ từ tên gọi đến cách ăn. Đó là bánh gật gù.

Tên gọi độc đáo này xuất phát từ hình thức của món bánh. Bánh không có nhân, được cuộn tròn, dài và có độ dẻo dai nên khi cầm trên tay sẽ gật lên gật xuống, trông như đang lắc lư. 

Cô Tuyết - một người làm bánh gật gù lâu năm ở huyện Tiên Yên cho biết, để làm món bánh gật gù ngon đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công, khéo léo.

Đầu tiên, gạo phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, đem ngâm từ tối hôm trước rồi sáng hôm sau vớt lên. Chờ gạo ráo nước thì đem nghiền thành bột ướt.

Trước đây, người dân địa phương thường nghiền gạo thủ công bằng cối xay đá để giữ được hương vị truyền thống cho món bánh.

Tuy nhiên, ngày nay, khi nhu cầu tiêu thụ bánh gật gù nhiều hơn, người ta chuyển sang sử dụng máy móc hiện đại, vừa tiết kiệm công sức, vừa cho năng suất cao.

    Đặc sản Quảng Ninh có tên gọi lạ, khách ăn cả cân cho bõ thèm-1
Bánh gật gù vẻ ngoài khá đơn điệu nhưng đòi hỏi quy trình chế biến tỉ mỉ, kỳ công. Ảnh: Vũ Hương Giang

Theo cô Tuyết, dù bề ngoài bánh gật gù khá giống bánh phở, bánh cuốn nhưng cách làm độc đáo hơn. Cụ thể, trong quá trình nghiền bột, người dân thường cho thêm cơm nguội vào cùng. Cách làm này giúp bánh khi tráng có độ phồng, xốp và dẻo mịn.

Khi tráng bánh, người làm cũng cần khéo léo, đảm bảo đong lượng bột vừa phải lên khuôn, dàn đều theo hình vòng tròn. Lớp bột ấy phải mỏng hơn bánh đa và dày hơn bánh cuốn. Sau đó, đậy nắp lại, chờ bánh chín.

Bánh chín sẽ nở phồng lên. Lúc này, người ta dùng que nứa hoặc que tre, khéo léo lột miếng bánh nóng hổi lên rồi tiếp tục tráng mẻ mới.

Khi chưa cuộn, bánh gật gù cũng giống bánh cuốn, bánh phở nhưng không có nhân. Lúc cuộn xong, bánh tròn, dài và dẻo quẹo, kích cỡ độ 1-2 đầu ngón tay.

Đặc sản Quảng Ninh có tên gọi lạ, khách ăn cả cân cho bõ thèm-2
Nước chấm được xem như “linh hồn” của món bánh gật gù, là yếu tố quan trọng quyết định hương vị món ăn. Ảnh: Thảo Sún

Ngoài quá trình chế biến kỳ công, bí quyết làm bánh gật gù ngon còn phụ thuộc vào phần nước chấm "thần thánh". Theo đó, loại nước chấm này được người Tiên Yên biến tấu khá đa dạng, tùy khẩu vị mỗi người song phổ biến nhất vẫn là nước mắm chưng với mỡ gà, thêm hành phi và thịt băm để tăng độ hấp dẫn.

Chị Thu Thủy, một người dân ở Tiên Yên cho biết, bánh gật gù ngon nhất khi ăn nóng. Khi ấy, bánh vẫn giữ nguyên vị thơm dẻo, ngọt nhẹ của gạo, không cần chấm nước sốt vẫn ngon.

“Dù hình thức bánh khá đơn điệu nhưng hương vị thơm ngon, lại dễ ăn, người già hay trẻ nhỏ đều có thể thưởng thức. Ở quê tôi, chuyện mua bánh gật gù theo cân không quá xa lạ, mọi người thường mua vài cân về ăn ngay hoặc chế biến thành các món khác nhau. Có lần, tôi ăn cả cân vẫn còn thấy thèm, nhất là vào những ngày thời tiết lạnh”, chị Thủy nói.

Theo người phụ nữ này, bánh gật gù được làm từ bột gạo tươi nên ngon nhất vẫn là ăn trong ngày. Nếu không sử dụng hết, du khách có thể bảo quản ngăn mát tủ lạnh rồi cắt miếng nhỏ, biến tấu theo nhiều kiểu để thay đổi khẩu vị như xào thịt bò, ăn kèm nước ninh xương giống bún, phở hay chan canh nóng,…

Theo VietNamnet