Tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ngắn sau khi thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Vũ Duy Hưng, cán bộ Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) - Bộ Công an, chia sẻ về thời khắc nhận được mệnh lệnh lên đường sang nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân sau động đất.

Háo hức có nhưng cũng xen lẫn lo lắng bởi dù đã có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vụ sập nhà, sập công trình nhưng tính chất quy mô nhỏ; còn thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ kinh khủng hơn rất nhiều.

Đại úy Vũ Duy Hưng là cán bộ đã được cử đi tập huấn ở một số nước châu Á và tham gia nhiều vụ CNCH điển hình tại Việt Nam.

Đại úy công an kể về một tuần chạy đua với thời gian ở Thổ Nhĩ Kỳ-1
Đại úy Vũ Duy Hưng, cán bộ Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về PCCC và CNCH, tại nơi làm nhiệm vụ (Ảnh: NVCC).

"Khi được tin Bộ Công an cử tôi trong đoàn công tác đi CNCH sang Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả thảm họa động đất, tôi rất bồi hồi, háo hức nhưng cũng có một phần lo lắng vì ở Việt Nam chúng tôi xử lý những vụ sập nhà, sập công trình với tính chất, quy mô nhỏ, trong khi thảm họa tại nước bạn kinh khủng hơn rất nhiều".

 Đại úy Hưng chia sẻ và cho biết thêm, TP Adiyaman, nơi đoàn của anh thực hiện nhiệm vụ CNCH có đến 70% công trình, nhà cửa bị sập đổ, rất nhiều người vẫn còn đang bị mắc kẹt nên khối lượng công việc cần xử lý vô cùng lớn. Khi thực hiện nhiệm vụ đoàn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm như sạt lở, sập đổ thứ cấp và các rung chấn, động đất.

"Tôi có khoảng 6 tiếng để chuẩn bị tất cả các phương tiện quân tư trang cá nhân, làm hộ chiếu và bay gấp sang Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Với khoảng thời gian chuẩn bị quá ngắn như vậy, tôi chỉ kịp thông báo và nói vợ giúp mình chuẩn bị quần áo đi công tác.

Sau đó tôi quay lại đơn vị, phối hợp cùng với các anh em chuẩn bị phương tiện lên tới 12,5 tấn để mang theo. Việc đóng những phương tiện đặc chủng mất nhiều thời gian, chúng tôi phải làm việc hết sức khẩn trương, nhanh chóng", Đại úy Vũ Duy Hưng chia sẻ tiếp.

Qua đến nước bạn, tất cả cán bộ, chiến sĩ lực lượng CNCH Bộ Công an Việt Nam lập tức lao vào làm nhiệm vụ.

7 ngày ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, thời tiết, địa lý, múi giờ… khiến cho thói quen sinh hoạt của Đại úy Vũ Duy Hưng cũng như tất cả cán bộ, chiến sĩ của đoàn công tác có những thay đổi không nhỏ. 

Tất cả luôn động viên nhau làm việc bằng tinh thần cao nhất, cùng trái tim nhiệt huyết chạy đua với thời gian, tìm kiếm thật nhanh người vẫn còn mắc kẹt dưới những tòa nhà đổ nát với mong mỏi, hy vọng đưa người còn sống trở về.

Mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ của đoàn công tác chỉ ăn hai bữa để dành thời gian cho nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân. Những bữa ăn thường đơn giản nhất như mì tôm với thịt hộp.

Các bạn Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ thêm bánh mì và nước lọc để bổ sung năng lượng cho đoàn Việt Nam trong suốt quá trình làm việc. Tất cả đều tập trung cao nhất cho công việc và giúp đỡ người dân nước bạn.

Đại úy Vũ Duy Hưng nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến hết sức mình vì màu cờ, sắc áo Việt Nam. Khi phối hợp cùng lực lượng của các nước, chúng tôi luôn nói với nhau rằng chúng ta tuy khác nhau về màu da, sắc áo nhưng chúng ta đều có một công việc chung duy nhất là hỗ trợ và cứu trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ".

Theo Đại úy Vũ Duy Hưng, anh đã được đào tạo ở Singapore, Malaysia và Trung Quốc, chiến thuật được học chỉ là xử lý những công trình sập đổ quy mô, tính chất nhỏ hơn rất nhiều lần so với thảm họa mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh chịu. Hiện thực ở đây vô cùng kinh khủng!

Ví dụ như hiện trường đoàn công tác đang CNCH là 3 tòa chung cư 8 tầng, đơn nguyên A, B, C sập một lúc và sập hoàn toàn.

Mỗi một vụ CNCH, công trình có kết cấu và cấu kiện khác nhau, sập đổ theo những hướng, phương hướng khác nhau nên đoàn công tác của các anh phải áp dụng chiến thuật và kỹ thuật tiếp cận khác nhau, không giống như trong giáo trình mà anh đã từng được học và đào tạo.

Ngoài ra, trong khi thực hiện phối hợp với các nước tham gia công tác tìm kiếm người bị nạn, kỹ chiến thuật của từng nước có nhiều cái hay, rất khác cần phải học hỏi.

Đặc biệt có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các đoàn cứu hộ của các nước.

"Lực lượng CNCH Bộ Công an Việt Nam phối hợp với đội CNCH của Mỹ, chúng tôi phân công nhau tiếp cận từ phía trên đống đổ nát. Phía Mỹ dùng máy đục một đầu, phía Việt Nam đục một đầu.

Hai bên đục từ hai hướng vào nhau và sau đó khi đục lộ ra các tấm bê tông thì tiến hành dùng máy cắt để cắt nhỏ tấm bê tông. Tiếp theo là tạo hai điểm neo ở hai đầu, sau đó dùng cẩu cỡ lớn nhấc các tấm bê tông ra để đưa nạn nhân ra ngoài.

Việc không dùng máy xúc cũng được chúng tôi tính toán kỹ vì khi dùng máy xúc để cào, với tải trọng lớn, lưỡi cào tiếp xúc với thân thể của người bị nạn sẽ làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của họ" - Đại úy Vũ Duy Hưng tâm sự.

Đại úy công an kể về một tuần chạy đua với thời gian ở Thổ Nhĩ Kỳ-2
Đại úy Vũ Duy Hưng cầm máy khoan làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: NVCC).

Từ lúc Đại úy Vũ Duy Hưng và đoàn công tác sang bên Thổ Nhĩ Kỳ, thường xuyên nhận được lời động viên của người thân. "Cả mẹ và vợ tôi đều động viên sang làm việc tốt và trở về an toàn, chỉ mong thế thôi", Đại úy Vũ Duy Hưng chia sẻ.

Công việc rất vất vả và nguy hiểm, ban ngày đi làm, buổi tối các cán bộ, chiến sĩ có chút thời gian đọc báo và xem tin tức, tình hình trong nước.

Khi đọc những bình luận, những lời động viên của đồng bào quê nhà, anh em trong đoàn rất vui mừng, cùng động viên nhau cố gắng hoàn thành sứ mệnh mà Tổ quốc đã giao, cố gắng giúp được nhiều nhất cho nước bạn và cố gắng giữ an toàn để trở về.

"Khi biết chúng tôi sang bên này, những người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất trân trọng. Khi gặp chúng tôi, họ cảm ơn và tay phải đặt bên ngực trái - vị trí của trái tim, rồi cúi xuống. Họ nói chúng tôi ở rất xa nhưng đã đến để giúp đỡ đất nước họ, họ vô cùng cảm ơn. Ở đây, nước sinh hoạt rất thiếu thốn nhưng người dân đều ưu tiên chúng tôi.

Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này, khi chúng tôi đi lấy nước, dù không mặc đồng phục nhưng nói chúng tôi từ Việt Nam là được các bạn ưu tiên cho lấy trước, không phải xếp hàng.

Người dân bản địa còn tặng anh em trong đoàn ca nước, hoặc can nước hay chia cho vài cái gốc cây để về đốt sưởi, chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp, vui và hạnh phúc!" - Đại úy Vũ Duy Hưng chia sẻ.

Lực lượng CNCH của Bộ Công an Việt Nam được phân công làm nhiệm vụ tại TP Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ), một trong 3 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa, bắt đầu làm nhiệm vụ từ sáng 11/2.

Đến nay, đoàn công tác đã làm nhiệm vụ ở vị trí thứ 3 trong TP Adiyaman, đều là những đống đổ nát hoang tàn.

Tại địa điểm tòa C, chung cư Cinar Sitesi số 66 đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, TP Adiyaman, lực lượng CNCH của Bộ Công an Việt Nam phối hợp với đoàn của Mỹ và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng xe máy xúc, các thiết bị cắt sắt, phá bê tông... để tìm kiếm nạn nhân (trong các tòa nhà theo thông tin có đến hơn 100 nạn nhân).

Trong 7 ngày, đoàn đã phối hợp cứu được 1 nạn nhân còn sống, đưa ra ngoài 14 thi thể.

Theo Dân trí