Cường độ mạnh
Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter là trận động đất rất mạnh, đặc biệt đối với những trận động đất có tâm chấn trên đất liền. Hầu hết các trận động đất mạnh thường xảy ra dưới đại dương, cách xa khu dân cư.
Động đất dưới đại dương có thể làm chết người bằng việc gây ra sóng thần. Bằng chứng là đợt sóng thần năm 2011 tấn công Nhật Bản sau trận động đất 9,0 độ richter làm rung chuyển đáy đại dương cách bờ biển gần 72km. Và động đất trên đất liền cũng có sức tàn phá không kém.
Để so sánh, trận động đất gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử Mỹ là trận động đất Northridge năm 1994, có cường độ 6,7 độ Richter. Los Angeles bị ảnh hưởng nặng nề, khiến ít nhất 57 người thiệt mạng và thiệt hại lên tới 20 tỷ đô la.
Tâm chấn nằm ở vùng biên Thổ Nhĩ Kỳ, giáp Syria. Ảnh: AP
Nhà cao tầng kết cấu yếu
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nằm trên mảng Anatolian, giữa hai đường đứt gãy lớn.
Hầu hết các thành phố hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những thành phố nằm trên các đường đứt gãy lớn, đều có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo các tòa nhà không dễ sụp đổ khi động đất. Tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các tòa nhà cao tầng được thiết kế để chống chọi với động đất.
Nhưng Gaziantep – thành phố nằm gần tâm của trận động đất sáng 6/2 thì khác. Mặc dù là một thành phố lớn, nhưng Gaziantep không hiện đại như Istanbul và nhiều tòa chung cư không được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn.
Đây cuối cùng là nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà cao tầng đổ sụp. Trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội, có thể nhìn thấy một tòa nhà biến thành đống đổ nát chỉ trong chớp mắt.
Một người đàn ông tìm người mắc kẹt dưới đống đổ nát ở Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: AP
Kishor Jaiswal, kỹ sư kết cấu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nói với AP rằng những vụ sập nhà như vậy là dấu hiệu cho thấy tòa nhà không thể chịu được động đất.
Nội chiến Syria
Nằm sát tâm chấn, Syria cũng chịu thiệt hại và thương vong đáng kể từ trận động đất. Nước láng giềng phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ có ít nhất 1.444 người thiệt mạng. Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, con số này dự kiến sẽ còn tăng lên.
Syria đang trải qua một cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm, nhiều công trình bị hư hại do giao tranh. Khi người Syria tiến hành tái thiết, việc xây dựng được tiến hành nhanh chóng và không có giám sát. Giống với Gaziantep, tình trạng này đã khiến các công trình ở Syria không đủ sức chống chọi với động đất.
Aleppo (Syria). Ảnh: AP
Thời tiết cản trở nỗ lực cứu hộ
Khi trận động đất xảy ra, tuyết đang rơi ở Gaziantep. Đến lúc mặt trời mọc, khu vực này đã được bao phủ bởi một lớp tuyết khá dày.
Tình trạng này, kết hợp với mưa băng vào cuối ngày, đã khiến nỗ lực cứu hộ trở nên khó khăn hơn. Nhiệt độ ban đêm ở Gaziantep đã giảm xuống -5 độ C.
Những con đường vốn đã bị hư hại bởi động đất giờ bị bao phủ bởi băng và bùn. Còn những tuyến đường không bị ảnh hưởng thì chật kín cư dân cố gắng rời khỏi các thành phố bị động đất tàn phá.
Ngoài ra, hầu hết các thành phố hứng chịu cơn địa chấn đều rơi vào cảnh tối tăm do mất điện.
Thi thể các nạn nhân ở Aleppo (Syria). Ảnh: AP
Tất cả những nguyên nhân này khiến số người chết tăng cao hơn so với trường hợp xảy ra động đất vào mùa hè. Những người sống sót bị mắc kẹt đối mặt với nguy cơ chết cóng. Thiếu ánh sáng và điện khiến việc tìm kiếm họ càng khó khăn hơn.
Theo Tiền Phong