Puka làm đám cưới với Gin Tuấn Kiệt là thông tin gây chú ý những ngày qua. Thực chất hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội được cắt từ một game show.

Tuy chỉ là một phần của game show, hình ảnh tái hiện trong show đưa người xem tìm hiểu văn hóa đám cưới miền Tây với nhiều phong tục gần gũi nhưng không kém phần long trọng.

Màn bái gia tiên "như thật" giữa Puka và Gin Tuấn Kiệt

Để chuẩn bị cho đám cưới miền Tây, khách mời và người chơi trong chương trình như Trường Giang, Huỳnh Lập, Bích Phương, Hồ Phi Nal, Thúy Ngân... hóa trang thành quan viên hai họ.

Đại diện cho họ nhà trai là Lâm Hùng và Lâm Vỹ Dạ (cha mẹ của chú rể Gin Tuấn Kiệt) và họ nhà gái Trường Giang và Bích Phương (phụ huynh của cô dâu Puka).

Đám cưới đủ phong vị miền Tây khi cô dâu "trên cổ đeo kiềng, tay đeo nhẫn", đầu đội mấn. Chú rể cũng gây ấn tượng với lễ phục trắng, thắt cà-vạt theo chuẩn người miền Tây.

Đám cưới miền Tây gây sốt sau màn kết hôn giả của Puka và Gin Tuấn Kiệt-1
Đám cưới giả phong cách miền Tây của Puka và Gin Tuấn Kiệt gây chú ý.

Màn bái gia tiên được chuẩn bị như thật, trên bàn thờ là long phụng, bàn chữ song hỷ, huệ đỏ mang ý nghĩa hòa hợp. Đến Puka còn bất ngờ với màn lạy ông bà tổ tiên, liên tục nói "con giả bộ đám cưới" trong suốt chương trình. Cô còn hài hước nói "đám cưới như thiệt, mọi người gả mà cha mẹ em không hay"...

Phần pha trò của Lê Dương Bảo Lâm trong vai trò MC đám cưới cũng tạo nhiều tiếng cười cho khán giả.

Sau phần bái tổ tiên, làm lễ giữa hai bên gia đình, đám cưới miền Tây không thể thiếu phần "ăn nhậu" mừng cô dâu - chú rể về một nhà, bên cạnh đó là phần nhạc sống giao lưu.

Rồi Tới Luôn - ca khúc về đám cưới miền Tây hiện đạt gần 190 triệu lượt xem - do Hồ Phi Nal sáng tác và thể hiện vang lên giữa bàn tiệc mang lại không khí đậm chất miền Tây sông nước. Hình ảnh cha mẹ cô dâu lên sân khấu hát, Bích Phương thể hiện ca khúc Đi Đu Đưa Đi đúng với những gì diễn ra trong đám cưới ở miền Tây.

Khơi gợi văn hóa "đám cưới miền Tây"

Dưới phần bình luận, khán giả để lại nhiều ý kiến thích thú với màn kết hôn giả giữa Puka và Gin Tuấn Kiệt. "Là người miền Tây, tôi nổi da gà với màn tái hiện đám cưới này, giống với những gì xem trong hình cưới của cha mẹ", một người bình luận.

Chương trình khá chỉn chu khi truyền tải được văn hóa miền Tây đến khán giả. Ngày nay, dù hiện đại đến đâu, đám cưới không thể thiếu cổng hoa trang trí bằng vật liệu thô sơ, kết tay bằng lá dừa, dây đủng đỉnh mang ý nghĩa gắn kết.

Trên bàn thờ, mâm lễ vật bao giờ cũng đầy đủ bộ lư đồng sáng bóng, chân đèn trang trí bằng giấy đỏ, lễ vật long phụng chỉn chu để chờ cô dâu - chú rể uống rượu giao bôi, làm lễ lên đèn.

Đám cưới miền Tây gây sốt sau màn kết hôn giả của Puka và Gin Tuấn Kiệt-2Đám cưới miền Tây gây sốt sau màn kết hôn giả của Puka và Gin Tuấn Kiệt-3
Hình ảnh rước dâu bằng xuồng ba lá, đặc trưng trong đám cưới của miền Tây sông nước.

Thông thường, nhà trai khi đến nhà gái phải mang đủ mâm quả, chú rể phụ đi đầu - thường là những người viên mãn trong hôn nhân, con cái đầy đủ, mâm lễ vật đa dạng từ bánh phu thê, trái cây, vàng mừng cô dâu. Tất cả đều được đậy bằng vải đỏ.

Sau màn giới thiệu hai họ, cô dâu được mẹ dẫn ra nhà trước, giới thiệu "bà con cô bác" trong gia đình. Màn trao lễ vật (có thể là vàng, tiền mặt) không thể thiếu trong ngày trọng đại. Kiềng vàng, dây chuyền, cà rá (nhẫn), đeo bông (hoa tai) là lễ vật được trao nhiều nhất.

Mẹ chồng đeo bông cho con dâu, cô dâu - chú rể uống rượu giao bôi... là nghi thức quan trọng. Một điều đáng lưu ý trong đám cưới miền Tây là hai buổi lễ trong tiệc cưới có cách gọi khác nhau, nếu nhà trai là Tân hôn, nhà gái là Vu quy.

Khách mời dự tiệc phần lớn chọn trang phục đỏ, rực rỡ, hạn chế trang phục tối màu. Họ quan niệm đây là ngày vui của cô dâu, trang phục càng sặc sỡ càng giúp cô dâu, chú rể hạnh phúc.

Trào lưu nhạc đám cưới miền Tây

Với quan niệm đám cưới là ngày trọng đại chỉ có một trong đời của cô dâu - chú rể, gia đình trang bị dàn âm thanh giúp gia đình hai bên giao lưu, chúc phúc cô dâu.

Ngày trước, MC chương trình thường mở màn bằng những lời chúc có cánh như "Trăm năm hạnh phúc", "Răng long đầu bạc". Ca khúc quen thuộc trong mọi đám cưới miền Tây phải kể đến Ngày Xuân Vui Cưới, Trai Tài Gái Sắc, những câu hát quen thuộc như "Ô vui quá xá là vui, Nhà trai bên gái ai nấy cũng cười thật tươi"...

Sau hiện tượng Rồi Tới Luôn của Hồ Phi Nal với con số gần 190 triệu lượt xem, nhiều bản nhạc đám cưới ra đời tạo cơn sốt, nhiều lượt xem trên mạng xã hội, tạo thành nhánh mới trong thị trường nhạc Việt mang tên "nhạc đám cưới miền Tây".

Đám cưới miền Tây gây sốt sau màn kết hôn giả của Puka và Gin Tuấn Kiệt-4
MV đám cưới miền Tây từng gây sốt với giới trẻ.

Một phần nhờ vào TikTok, những bản cắt ngắn của ca khúc đám cưới được phổ biến rộng rãi hơn. Hồ Phi Nal được biết đến với Rồi Tới Luôn, Rồi Nâng Cái Ly... Hết Sảy Miền Tây của Tracy Thảo My, Đám Cưới Miền Tây của Hana Cẩm Tiên... Đáng chú ý, ca khúc mang đậm không khí tươi vui, màu sắc miền Tây, ca từ thể hiện phong tục cưới hỏi miền sông nước đạt vài chục triệu lượt xem.

Hiện tại, trào lưu sáng tác, ra MV phong cách đám cưới miền Tây không còn mạnh như mùa dịch (đỉnh điểm là giữa năm 2021), một số ca sĩ thỉnh thoảng phát hành MV đám cưới, người miệt mài nhất là Hồ Phi Nal vẫn có đối tượng khán giả riêng, lượt xem ấn tượng.

Theo Tiền Phong