Đám cưới với trang phục độc lạ: Ấn tượng hay lai căng văn hóa phản cảm?

Cư dân mạng đang xôn xao, tranh cãi về hình ảnh cặp đôi tổ chức đám cưới nhưng có trang phục, hoạt động và đạo cụ bắt nguồn từ nước ngoài.

Mới đây, cộng đồng mạng đang xôn xao hình ảnh về một đám cưới được cho rằng diễn ra tại Hưng Yên. Thay vì sử dụng những trang phục như áo dài truyền thống, chú rể và cô dâu đã mặc trang phục theo những bộ phim cổ trang của nước ngoài để tổ chức lễ cưới.

Đáng chú ý, bên cạnh nhiều ý kiến khen ngợi cách tổ chức đám cưới độc đáo, rất nhiều người đã bày tỏ ý kiến về trang phục "tân lang và tân nương" thiếu bản sắc văn hóa dân tộc. Điển hình, tài khoản có tên Đỗ Thành Quân nhận định: "Mình thấy giống phong cách nhà Đường ở bên Trung Quốc hơn, lố bịch quá".

Đám cưới với trang phục độc lạ: Ấn tượng hay lai căng văn hóa phản cảm?-1
Đám cưới có trang phục gây tranh cãi được cho là ở tỉnh Hưng Yên.

Bên cạnh đó, tài khoản Nguyen Thanh cho biết: "Không phù hợp với phong cách và truyền thống của người Việt Nam mình".

Tài khoản có tên Thiên Hà thẳng thắn nhận định: "Lố bịch! Cô dâu chú rể thì phong cách China (Trung Quốc), còn phu kiệu với dắt ngựa thì lại mang phong cách của lính tốt Việt Nam".

Đám cưới với trang phục độc lạ: Ấn tượng hay lai căng văn hóa phản cảm?-2
Trang phục của các nhân vật trong lễ cưới được cho là không phù hợp. 

Trên thực tế, trang phục đám cưới của đôi bạn trẻ được cho là ở tỉnh Hưng Yên khác xa so với truyền thống trang phục của người Việt Nam. Điển hình, ở thời nhà Nguyễn, các vị công chúa đầu đội mũ ngũ phượng (mũ có đính 5 con phượng hoàng bằng vàng, ở giữa điểm thêm bông hoa màu đỏ, 2 bên mũ có dây tua được làm bằng trân châu và pha lê), mặc áo bào thêu hoa và chim phượng hoàng cùng với chiếc giày màu đỏ.

Trong những ngày lễ trọng đại như ngày cưới, hiện nay các cô dâu vẫn chọn tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Theo dòng chảy phát triển của trang phục cưới dân tộc, áo cưới Việt Nam thập niên 80 đến nay lại có xu hướng quay về truyền thống với việc sử dụng phổ biến chiếc dài áo cổ truyền, tuy nhiên sẽ được cách tân để thêm phần mới mẻ và nữ tính cho các cô dâu.

Có hai loại áo dài cô dâu thường mặc trong ngày cưới. Cụ thể, áo dài hoàng hậu áo có cổ đứng, tay thụng, ôm sát cơ thể với gam màu đỏ là chủ yếu. Cùng với đó, cô dâu sẽ đội thêm khăn vành, ngực cài hoa, đi giày màu trắng và lựa chọn tông trang điểm nhẹ nhàng, tự nhiên sẽ giúp cho cô dâu nổi bật hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, áo dài thường được lựa chọn vải có tông màu sáng, kiểu áo này được may ôm sát cơ thể, tay loe, vạt áo dài đến ống chân. Kết hợp với trang phục này là mái tóc xõa tự nhiên hoặc được tết phồng để tăng thêm sự ngọt ngào, nữ tính.

Mặt khác, liên quan đến phong cách đám cưới từ nước ngoài đã đề cập ở trên, nhiều nhận định cho biết rằng đây là ngày vui của cô dâu chú rể, họ có thể tùy ý lựa chọn trang phục, phong cách của mình. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nêu rõ việc tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới phải thực hiện các quy định sau:

Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình.

Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật.

Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí.

Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc.

Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 5 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.

Do đó, dù muốn sáng tạo để ngày trọng đại của đời người trở nên đáng nhớ hơn, các bạn trẻ, cặp đôi hiện nay vẫn nên trân trọng những truyền thống văn hóa, trang phục truyền thống của dân tộc. Việc lai căng văn hóa, chọn trang phục không đúng cách có thể tạo nên sự lố bịch, phản cảm.

 

 Theo Công Thương

Xem link gốc Ẩn link gốc https://congthuong.vn/dam-cuoi-voi-trang-phuc-doc-la-an-tuong-hay-lai-cang-van-hoa-phan-cam-347750.html

phản cảm trang phục Đám cưới

Tin tức mới nhất