Tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), có những khu vực chỉ vài năm trước còn là những ngọn núi sừng sững, nay đã biến thành những hồ nước. Không chỉ một, mà giờ đây đã có tới gần 10 “tuyệt tình cốc” - hệ quả từ việc khai thác đá tràn lan.

Không những làm biến đổi địa hình, hàng chục năm qua, người dân nơi đây phải gánh chịu hậu quả của những vụ nổ mìn phá đá, đường sá của các địa phương xuống cấp nghiêm trọng vì xe tải trọng lớn chở đá rầm rập suốt ngày đêm.

Nổ mìn phá đá, dân ngập trong bụi

Đường vào khu mỏ Trại Sơn thuộc các xã An Sơn, Lại Xuân của huyện Thủy Nguyên khúc khuỷu, gập ghềnh dày đặc ổ voi, ổ gà bởi mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải trọng lớn chở đá hoạt động. Bụi cuốn lên mù mịt mỗi khi  xe chở đá chạy qua.

Anh Nguyễn Văn Long (thôn Trại Sơn, xã Lại Xuân) sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này ngậm ngùi: "Quê tôi vốn trước đây là vùng bán sơn địa, phong cảnh hữu tình được người dân Hải Phòng ví như 'Hạ Long trên cạn'. Tuy vậy, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng khai thác đá tràn lan đã khiến vùng đất này không khác gì bãi chiến trường”.

Từ thôn Trại, chúng tôi không khó khăn mục sở thị những vụ nổ long trời lở đất. Sau mỗi tiếng nổ là hàng chục tảng đá lớn, nhỏ từ vách đá cheo leo lăn lông lốc xuống chân núi, một lớp bụi đá như sương mù bao phủ cả khu vực rộng vài trăm mét. Khi làn “sương” tan, nơi ngọn núi vừa xảy ra cơn dư chấn, chúng tôi thấy một vài chấm đen xen kẽ màu trắng loang lổ của đá.

Những chấm đen đó là người. Vắt vẻo trên những sợi dây, đu đưa trên vách đá dựng đứng cao hơn trăm mét, họ là những người làm nghề khoan đá nổ mìn - công đoạn quan trọng nhất trong khai thác đá.

Người thợ với chiếc máy khoan và khoảng vài chục kg thuốc nổ đeo trên lưng, hì hụi dùi mũi khoan vào lòng núi đá với độ sâu khoảng 5 m, sau đó nhồi thuốc nổ vào, chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo: Kích nổ mìn.
 

Dan khon kho vi ca chuc 'Tuyet tinh coc' o Hai Phong hinh anh 1
Nơi trước đây là ngọn núi, nay đã biến thành hồ (chụp tại núi Trại Sơn, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên).


Huyện Thủy Nguyên là địa phương có nhiều mỏ khai thác đá lớn nhất TP Hải Phòng với trữ lượng tới 380 triệu m3, phân bố ở 112 điểm núi trên địa bàn các xã Lại Xuân, Minh Tân, Lưu Kỳ, Liên Khê...

Ông Bùi Doãn Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, toàn huyện có 3.000 ha đồi núi trong đó núi đá là 1.000 ha, ngoài ra còn có các mỏ sét, silic, bazan… Các núi đá vôi thuộc vòng cung Đông Triều chạy qua 7 xã miền núi của huyện. Những năm trước, tình trạng khai thác đá “thổ phỉ” diễn ra khá nhức nhối, chính quyền các cấp đã vào cuộc mạnh mẽ nên tình trạng này gần như chấm dứt.

Hiện, các cơ quan chức năng từ T.Ư tới địa phương đã cấp phép cho hơn 10 DN khai thác đá, trong đó lớn nhất là xi măng Phúc Sơn (trụ sở đóng tại Hải Dương), xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon….

Tan hoang đường sá

Xã Lại Xuân những ngày chúng tôi có mặt, dù các mỏ và máng đá tạm ngừng hoạt động nhưng mỗi khi ôtô chạy qua là đường trục chính bụi bay mù mịt. Bụi ở khắp nơi, bụi trắng xóa phủ dày trên cây, trong nhà, trên mặt nước, bám đầy quần áo người dân. 

Với tải trọng hàng chục tấn, dàn xe hoạt động nườm nượp đã tạo nên những ổ gà, ổ voi dày đặc khắp các tuyến đường. “Người dân chúng tôi nhiều năm qua sống trong cảnh trời nắng thì mù mịt bụi đá, khi mưa thì mặt đường nhão nhoét bùn đất.

Nguồn khoáng sản của địa phương làm giàu cho ai đó nhưng chúng tôi chẳng được gì mà ngược lại phải chịu cảnh bụi bặm, mỗi khi ra đường đều nơm nớp lo sợ”, ông Nguyễn Văn Lợi ở thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân bức xúc.
 

Dan khon kho vi ca chuc 'Tuyet tinh coc' o Hai Phong hinh anh 2
Bụi mù mịt trên con đường dẫn vào "tuyệt tình cốc".  


Với gần 20 mỏ khai thác khoáng sản, xã Lại Xuân trở thành công trường khai thác lớn nhất huyện Thủy Nguyên. Theo Chủ tịch UBND xã Lại Xuân Hoàng Minh Luân, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã hỗ trợ kinh phí để địa phương khắc phục môi trường như: Thuê xe phun nước trên các tuyến đường; chi trả tiền quét dọn vật liệu rơi vãi…

Song, nguồn hỗ trợ này hạn chế, mang tính thời điểm, trong khi địa phương không có nguồn kinh phí bảo đảm việc thường xuyên duy tu, sửa chữa đường, gây bức xúc và khiếu kiện trong nhân dân. Đây cũng là tình trạng chung ở thị trấn Minh Đức và các xã Minh Tân, Gia Minh, Gia Đức... 
 


Theo Giao Thông