Tôi rất sợ những cuộc tranh cãi bất tận của những chị em phụ nữ, thậm chí cả đàn ông về chuyện người phụ nữ phải như thế nào mới hợp tiêu chuẩn vợ hiền? Một cách khái quát là cái cách người ta tranh cãi về gái ngoan – gái hư; hay một dạng khác là cơm – phở.

Đàn ông yêu có vẻ thỏa mái, dễ dãi nhưng soi mói và kém sòng phẳng. Chị em phụ nữ ít người công nhận một cách sáng suốt quan điểm này. Chỉ khi nào, chị em bị rơi vào một vài cái bẫy những người đàn ông mình yêu, mình dâng hiến khiến thất vọng tràn trề thì chị em mới dùng mọi thứ tổng sỉ vả. Sau đó, những thứ đau khổ, chất chứa, rồi mọi thù hận sẽ được xả ra.

Cho đến khi chị em tìm được một người đàn ông khác và nghĩ rằng sẽ cho họ vào tròng với một triết lý: “Em là Cơm”! Hoặc, với những người xinh đẹp, dạn dĩ thì sẽ dùng triết lý: “Em là Phở”. Tóm lại, Cơm thì đáp ứng sự no đủ và không thể thiếu; Phở đáp ứng cái người ta sờ, nắn, nghe. Đàn ông chẳng ai chuyên cơm, cũng chẳng ai chuyên phở. Chuyện cơm phở là chuyện 99% đàn ông có nhu cầu thực thụ. Phụ nữ đừng tự ái và ảo tưởng.

Tuy nhiên, có một thực tế, người phụ nữ cứ chăm chăm tranh luận câu chuyện cơm, phở với gái ngoan, gái hư. Đàn ông chẳng để ý đến chuyện đó nhiều. Đàn ông quan tâm đến… bia, rượu trước khi quan tâm đến Cơm, Phở.

Nói thế để chị em bớt tranh luận về việc giữ người đàn ông bằng sự chăm chỉ, tận tụy, tình yêu hay thậm chí câu chuyện giường chiếu. Cái đó lỗi thời rồi. Dù có cố gắng trở thành Cơm hay Phở thì cũng cực kỳ lỗi thời.

Đại ý về câu chuyện của bia, rượu đối với đàn ông chính là cá tính của người phụ nữ. Cơm trắng hay Phở cũng lờ lợ như nhau. Nhưng tựu trung lại, Cơm, Phở đều là sự phục vụ. Nhưng cá tính của phụ nữ chính là thứ mà đàn ông phải tận tụy với cô ta.

Bản chất của đàn ông là chinh phục. Họ có đầy đủ sức mạnh. Nhưng phụ nữ làm cho họ hư hỏng bởi việc chăm bẵm họ và làm hết việc của họ. Đàn ông cần những thứ đó, cần hơn bao giờ hết. Chiều chuộng đàn ông khiến cả Cơm và Phở cuối cùng cũng là những kẻ phục vụ mà thôi. Có chăng, cái mà người phụ nữ được là sự tán dương thờ ơ, rất mị lòng người.

Tôi không hiểu sao phụ nữ có thể sung sướng vì việc mình tận tụy với người đàn ông, luôn làm anh ta thỏa mãn. Rồi đến một ngày, họ nhận ra, họ khổ thì chính là lúc họ đã quá tuổi xuân và họ khô héo trước cuộc đời phơi phới của chồng. Họ lại bù đắp bằng sự tận tụy hơn nữa.

Đàn ông làm việc nhà
Câu chuyện nấu cơm, rửa bát, quét nhà, trông con chủ yếu do anh chồng làm; cô vợ thảnh thơi với việc nhà (Ảnh minh họa).


Tôi từng biết những người phụ nữ cá tính và điều khiển được cá tính của mình. Một cô bạn hơn 30 tuổi của tôi, cô ấy như một ẩn số với chồng mình. Câu chuyện của cô ấy khiến nhiều người phát thèm và cho rằng câu chuyện hư cấu. Thực chất đó là câu chuyện có thật.

Cô ấy là người không quá xinh đẹp nhưng lấy chồng vào hàng quá đẹp trai. Anh chồng là niềm tự hào của cả gia đình chồng với học thức, hình thức và quan hệ xã hội. Anh ta ở với bố mẹ chưa hề phải làm việc nhà, chưa biết sắp mâm cơm thế nào, chưa biết mang quần áo bẩn vứt vào máy giặt chứ chưa nói đến bấm nút giặt và mang quần áo đi phơi. Kỳ lạ, khi lấy vợ, anh ta trở thành người dọn dẹp chính trong nhà. Câu chuyện nấu cơm, rửa bát, quét nhà, trông con chủ yếu do anh chồng làm; cô vợ thảnh thơi với việc nhà.

Có lần tôi hỏi vui cô bạn: “Bạn làm thế mẹ chồng không ghét sao?”. Cô ấy trả lời hồn nhiên: “Có chứ! Ban đầu, bố mẹ chồng, em chồng rất “ngứa mắt” với việc tớ không làm việc nhà mấy mà chủ yếu chồng làm. Mẹ chồng có những lời ý tứ nhắc nhở; em dâu thỉnh thoảng soi mói; bố chồng không đả động gì. Ai nói gì tớ cũng cười và nhận hết. Nhưng chuyện thay đổi cục diện lại là câu chuyện khác”.

Cô ấy áp dụng phương pháp cười hòa cả làng. Cô chia sẻ: “Mình là đối tượng mọi người nhắm tới, mình không khó chịu, không gây áp lực cho chồng mình thì chẳng làm sao cả. Việc soi mói là việc của mọi người, mình tiếp nhận hay không là việc khác. Mọi người nói chán mình thì thôi. Ngay cả chồng có ca thán, mình cũng nhận và mặc kệ. Không tranh luận, không khó chịu là hai thứ mình áp dụng. Việc ai người ấy làm sẽ thành quen”.

Chồng cô luôn nói với mọi người, vợ anh có một thế giới mà anh khám phá mãi không ra. Anh luôn bất ngờ về cách xử lý tình huống của vợ. Những điều cô vợ làm anh bất ngờ tạo thành kỷ niệm vui. Họ sống với nhau và việc cãi nhau rất ít. Khi đến giới hạn khó chịu, người vợ sẽ là người rút lui.

“Đừng khó chịu và ảo tưởng vào đàn ông. Đàn ông chịu khó làm việc nhà, chia sẻ câu chuyện công việc, cuộc sống với vợ hay không là tùy thuộc vào người vợ. Một bí quyết đơn giản của người vợ là: Không gây bất cứ áp lực gì cho mình trong cuộc sống vợ chồng, dù khó khăn như thế nào. Mỗi lần khó khăn, tôi chỉ nghĩ xoay đủ cách để hết khó khăn và không mặt nặng mày nhẹ với chồng. Chồng tôi khâm phục tôi vì điều đó”, cô bạn tôi chia sẻ.

Cô ta có thành công về mặt công việc, xã hội và cả việc giữ chồng. Cái tôi thấy khâm phục ở người phụ nữ ấy chính là nghệ thuật đẩy việc cho chồng hợp lý. Người chồng làm lâu thành thói quen. Lâu dần, trong gia đình đó, không còn ai thắc mắc và người chồng cũng thỏa mái hơn.
Đấy! Cứ Cơm với Phở làm gì cho mệt. Người đàn ông vẫn biết nấu Cơm, vẫn biết chế biến Phở, thậm chí ngon hơn phụ nữ làm. Hà cớ gì người phụ nữ cứ tranh việc của đàn ông?


Theo Tri Thức Trẻ