Đàn ông nam tính trên phim Việt: Yếu hay thiếu?

Nhiều đạo diễn đồng thuận điện ảnh Việt thiếu tài tử, lý do ngay từ kịch bản, đàn ông Việt đã bị xây dựng nhạt nhòa, thiếu nhiều nam chính tài năng.

Giới bình phim những ngay qua sôi nổi bàn luận về hình tượng của đàn ông Việt trên màn ảnh. Thực tế, đây là một chủ đề cũ, từng nhiều lần được mang ra mổ xẻ.

Trước đó, khi những bộ phim điện ảnh thế giới “làm mưa làm gió” với loạt nam chính làm hàng triệu trái tim khán giả thổn thức, truyền thông cũng từng đặt câu hỏi về sự thiếu vắng những nhân vật nam chính có sự nam tính, quyến rũ, hấp dẫn ở phim Việt.

Không thiếu phim về đàn ông

Nhiều ý kiến nhận định đàn ông Việt hoàn toàn bị lãng quên, hoàn toàn bị xây dựng thất bại ở phim Việt. Song, quan sát kỹ thị trường, dễ thấy nhận định này là kết quả của một sự chủ quan.

Thực tế, số lượng phim Việt với nam chính là đàn ông vẫn không thua kém những phim tập trung vào câu chuyện của nữ giới hoặc nữ quyền. Có thể nhìn vào danh sách 13 phim đã đoạt doanh thu trăm tỷ để thấy rằng tỷ lệ nam chính không ít.

Trong 13 tác phẩm lọt vào “câu lạc bộ trăm tỷ”, Trạng Quỳnh, Để Mai Tính 2, Siêu sao siêu ngố, Lật mặt 4: Nhà có khách, Tiệc trăng máu, Mắt biếc, Cua lại vợ bầu, Bố già đều là phim có nam giới là nhân vật chính hoặc cả nam và nữ cùng đóng vai chính yếu.

Bố già với doanh thu 400 tỷ cũng là phim về câu chuyện của người đàn ông “gà trống nuôi con”. Phim cũng khai thác góc nhìn về người cha và người con trai trong sự khác biệt về thế hệ, góc nhìn, tính cách. Phim nhìn từ lăng kính của người đàn ông về cách gắn kết các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội.

Đàn ông nam tính trên phim Việt: Yếu hay thiếu?-1
Có không ít phim Việt khai thác câu chuyện về đàn ông Việt.

Rõ ràng là tỷ lệ phim giữa nam và nữ chính trên màn ảnh luôn được cân bằng. Nếu nữ có Nắng, Mẹ chồng, Tháng năm rực rỡ, Cô gái đến từ hôm qua, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Chị chị em em, Cô Ba Sài Gòn, Chị Mười Ba, Chị trợ lý của anh, Em là bà nội của anh, series Gái già lắm chiêu… nam giới cũng có những Lật mặt, Song lang, Người bất tử, Chàng vợ của em, Anh trai yêu quái. Năm 2020, những phim như Ròm, Đỉnh mù sương, Sám hối cũng đều là phim về đàn ông.

Giữa những nhân vật đàn ông nhu nhược, bất tài, vũ phu, nhạt nhòa cũng có không ít những nam giới được xây dựng đẹp, thương vợ thương con, sống có lý tưởng. Nhưng tại sao màn ảnh Việt không có những vai nam chính trở thành "người hùng" gây bão, khiến khán giả say mê và bị thuyết phục như rất nhiều phim khác của Hàn Quốc và Hollywood?

Thiếu vắng tài tử

Charlie Nguyễn nói rằng điện ảnh Việt đang cực kỳ thiếu nam diễn viên đóng chính. Mỗi lần, đạo diễn tìm nam diễn viên đóng chính ở lứa tuổi 25-30 vất vả vô cùng. Vì vậy, nam diễn viên nào có ngoại hình khả ái, tài năng chút xíu sẽ rất được săn đón.

Tình trạng này xảy ra với các đoàn phim đã vài năm qua. Ngược lại, nữ diễn viên rất dễ tìm, có nhiều lựa chọn.

Tôi cũng không thể lý giải được, có vẻ không có chàng trai Việt nào muốn làm diễn viên nữa, số lượng là rất ít. Do không còn sự lựa chọn nào khác, các nhà làm phim phải mời Kiều Minh Tuấn. Nhiều nhà làm phim tìm kiếm vai chính suốt mấy tháng không được ai, cuối cùng lại chọn Kiều Minh Tuấn”, Charlie Nguyễn nói.

Trước thắc mắc về việc tại sao điện ảnh Việt thiếu tài tử dù đang có những gương mặt trẻ triển vọng như Trần Nghĩa, Liên Bỉnh Phát, Lãnh Thanh, đạo diễn Charlie Nguyễn giải thích: “Bấy nhiêu cái tên vẫn chưa đủ với nhu cầu của điện ảnh. Nhân vật chọn diễn viên chứ không phải đạo diễn hay biên kịch, nên luôn cần số lượng đông mới đáp ứng được. Diễn viên có khả năng tốt nhưng không phải lúc nào cũng hợp vai.

Diễn viên phải vào đúng vai mới tỏa sáng, thành công. Nếu họ chọn sai nhân vật có khi sẽ gây phản ứng ngược. Do đó, diễn viên phải ý thức được nghề và biết chọn lựa vai diễn thích hợp”.

Đàn ông nam tính trên phim Việt: Yếu hay thiếu?-2
Lãnh Thanh có thể được coi là một gương mặt triển vọng của thị trường.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trong một cuộc phỏng vấn cũng khẳng định một trong những nỗi buồn của điện ảnh Việt là thiếu tài tử. Anh cũng nói điện ảnh Việt có những thế hệ diễn viên nữ rất rõ ràng, trong khi diễn viên nam lại rất khó tìm, khó chọn.

Đạo diễn Victor Vũ cũng cho rằng điện ảnh Việt thiếu tài tử. Và nhìn chung, giới làm phim đều đồng thuận với nhận định này. Điện ảnh Việt không thiếu những nam diễn viên hài, những gương mặt “bảo chứng phòng vé” chủ yếu là nam với Thái Hòa, Trấn Thành, trước đó là Hoài Linh, Trường Giang.

Song, khái niệm về một tài tử lại thường có những kiến giải khác. Thái Hòa rất tài năng nhưng anh cũng đóng đinh với những vai hài, hoặc chị Hội hoặc là người chồng gia trưởng, cục cằn như trong Tiệc trăng máu.

Nhiều phim xây dựng nam chính lý tưởng thất thu

Những nghệ sĩ như Chánh Tín, Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh từng được coi là tài tử điện ảnh. Họ đều có những vai nam chính đẹp, lộng lẫy và làm tan chảy hàng triệu khán giả.

Điện ảnh Việt những năm gần đây không còn những tài tử theo cách lộng lẫy như thế, và gây bão màn ảnh với những vai nam chính theo cách như Nguyễn Chánh Tín đã làm được với Nguyễn Thành Luân.

Một số phim có nam chính rất nam tính và cũng cuốn hút như Người bất tử, Lôi Báo, Dòng máu anh hùng nhưng nghịch lý là không thành công phòng vé. Đây cũng là câu chuyện của Đỉnh mù sương, Võ sinh đại chiến và Sám hối của năm 2020.

Đàn ông nam tính trên phim Việt: Yếu hay thiếu?-3
Peter Phạm trong Đỉnh mù sương.

Đỉnh mù sương do Peter Phạm, một võ sư chuyên nghiệp, với kinh nghiệm 7 năm làm cascadeur ở Mỹ đóng. Những ngón võ của anh trong Đỉnh mù sương không thể chê bai. Cách tung chiêu trong cuộc đấu võ thuật ở một số cảnh phim đạt hiệu ứng mãn nhãn.

Peter Phạm cũng có đôi mắt biết nói. Đôi mắt sắc và lạnh, nhất là khi giao đấu với đối thủ và tương tác với kẻ thù. Anh có ngoại hình nhà võ, không lực lưỡng như phương Tây nhưng di chuyển động tác rất nhanh, cuốn hút người xem, tuy nhiên đài từ (tiếng nói diễn viên trong thể hiện nhân vật) lại là hạn chế thấy rõ.

Ngay những câu thoại đầu tiên của phim, Peter đã chứng minh cho nhận định về lối thoại non nớt, hời hợt, như trả bài. Cộng với một kịch bản không tốt, Đỉnh mù sương đã thất bại dù rõ ràng nam chính rất nam tính, được xây dựng theo hình tượng lý tưởng.

Sám hối của Bình Minh cũng chủ đích xây dựng một người đàn ông tài năng, có trách nhiệm, yêu thương gia đình. Giữa không ít những người đàn ông vũ phu, nhu nhược của màn ảnh, cả điện ảnh và truyền hình, nhân vật nhà vô địch võ tự do (MMA) Hoàng Minh Long là điểm sáng.

Phim cũng được đầu tư tới 50 tỷ đồng, với nhiều cảnh thượng đài ấn tượng nhưng diễn xuất của Bình Minh là điểm rất đáng chê. Ngoài ra kịch bản và kỹ thuật cũng có nhiều lỗ hổng khiến phim không thể thành công và một vai chính vốn có chủ đích xây dựng lý tưởng lại hoàn toàn bị lãng quên trên thị trường.

Để nam chính có thể nổi bật, khiến hàng triệu khán giả "sững sờ" trước màn ảnh, ngoài một tài tử lộng lẫy, còn cần thêm một đạo diễn chắc tay, một biên kịch với câu chuyện đầy cảm xúc.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/dan-ong-nam-tinh-tren-phim-viet-yeu-hay-thieu-post1202304.html

phim việt nam mỹ nam

Tin tức mới nhất