Ramani Raja là nhà sản xuất người Ấn Độ, ông từng góp vốn cho các phim Việt như Tấm Cám, Song Lang, Trúng số, Về quê ăn Tết.
Mới đây, Ramani Raja là nhà đầu tư phim Sám hối với kinh phí 50 tỷ đồng, do đạo diễn Ấn Độ gốc Việt Peter Hein thực hiện. Trong phim, ông cũng tham gia diễn xuất với vai Cường - một nhà tài trợ các giải đấu võ thuật, một ông trùm trong thế giới ngầm.
Ramani Raja đã có cuộc trò chuyện về những khen - chê xoay quanh phim Sám hối, những hạn chế hiện tại của điện ảnh Việt Nam và tính công bằng ở thị trường phim nội địa so với các thị trường điện ảnh khác, như Bollywood.
"Tôi đặt mục tiêu 50-50 doanh thu cho Việt Nam và Ấn Độ"
- Tại sao ông quyết định đầu tư cho “Sám hối”?
Tôi có ý định từ lâu rồi, rằng sẽ làm một bộ phim như vậy cho điện ảnh Việt Nam. Có nhiều lý do, thứ nhất là tôi đam mê điện ảnh, tôi đã tham gia vào thị trường này 20 năm, tôi góp vốn, thậm chí tham gia diễn xuất.
Nghề chính của tôi là nghề dược nhưng tôi mê phim và quyết làm. Làm một bộ phim, mình cũng tạo được việc làm cho nhiều người khác, đó là cái vui.
Thứ hai, phim này xuất phát từ câu chuyện có thật, đứa cháu ruột của tôi. Bé mặc ung thư máu, sau đó được chữa trị ở Australia và đã sống sót, khỏe mạnh. Cha bé là người Ấn Độ, mẹ là người Việt. Câu chuyện phim là dựa trên chuyện của bé.
Một lý do khác là phim này con gái tôi đóng vai cô bé. Ban đầu con tôi không chịu đóng nhưng về sau lại đồng ý vì nghĩ mình đóng thì ba mẹ đỡ tiền (cười). Như vậy, phim là kỷ niệm đẹp của ba con tôi trên màn ảnh nên tôi quyết làm bằng được.
Ramani Raja là nhà sản xuất người Ấn Độ, ông từng góp vốn cho các phim Việt như Tấm Cám, Song Lang, Trúng số, Về quê ăn Tết.
- Đầu tư 50 tỷ đồng cho một thể loại phim vẫn bị cho là chông chênh, chưa định hình khán giả ở thị trường Việt Nam, có mạo hiểm?
Nói thật là tôi không nhắm hoàn toàn tới thị trường Việt Nam. Tôi sẽ mang phim đến thị trường tỷ dân là Ấn Độ.
Bạn biết đấy Bollywood hiện là nơi sản xuất nhiều phim nhất thế giới dù doanh thu lớn nhất là Hollywood. Lần này, tôi quyết mời ê-kíp Ấn Độ sang với đạo diễn Peter Hein là người đã có 16 năm làm phim hành động đầy danh tiếng ở Ấn Độ. Đó là một ê-kíp không xoàng.
Với thị trường Việt Nam, tôi vẫn nghĩ là "hên xui" thôi, còn tôi quyết sẽ mang sang Ấn Độ chiếu sau dịch. Còn được hay không được là ý trời. Nhưng phim mà không đạt được chất lượng thì cũng khó mà sang Ấn Độ.
Riêng với Sám hối thì tôi tin là sẽ được đón nhận vì đáp ứng được 3 tiêu chí của gu thưởng thức bên Ấn Độ là hành động, tình cảm và ca nhạc.
- Vậy mục tiêu ông đặt ra về doanh thu cho hai thị phần khán giả ở Việt Nam và Ấn Độ?
50–50.
- Có quá tự tin không vì một phim Việt thắng ở thị trường tỷ dân như Ấn Độ không phải chuyện đơn giản, nhất là khi "Sám hối" vẫn là phim Việt, khác về ngôn ngữ, văn hóa dù có ê-kíp của Bollywood?
Thứ nhất là yếu tố tình cảm trong phim. Đó là một người cha hy sinh, đặt cái tôi của mình xuống để cứu con. Nhưng chưa hết, tình cảm còn thể hiện ở nhiều nhân vật khác, từ người giúp việc cũng có tấm lòng, muốn giúp chủ thoát khỏi cảnh khó khăn.
Đó đúng là gu khán giả Ấn Độ cần. Khán giả Ấn thích sự nhân văn, nhiều người bạn của tôi sau khi xem phim này cũng đã rơi nước mắt. Tôi phải cho họ xem để có những đánh giá mới dám nói như vậy. Một bộ phim gần gũi và gia đình như thế sẽ đến được với khán giả bên đó.
Nhưng bên Ấn vẫn đang dịch. Chúng tôi vốn định ra phim song song. Nhưng giờ bên đó chưa kiểm soát nên buộc phải ra ở Việt Nam trước vì chúng tôi cũng đợi hơn một năm rồi. Ngoài Việt Nam, Ấn Độ, chúng tôi còn chiếu ở Mỹ, Canada và cả Pháp.
- Điện ảnh Việt năm vừa qua có hai phim võ thuật là "Đỉnh mùa sương" và mới đây là "Võ sinh đại chiến" đều bại trận trong cuộc đua. Phim võ thuật ở Việt Nam vẫn là chuyện may rủi?
Tôi biết chuyện đó nhưng như tôi nói thì Sám hối về cơ bản không chỉ là phim võ thuật, đó vẫn là phim tình cảm - gia đình. Thắng thì cũng được, còn thua cũng phải chấp nhận. Quan trọng là mình đã làm được bộ phim như vậy, đó cũng là tình yêu của tôi với Việt Nam, tôi sống ở đây, vợ tôi là người Việt, con gái tôi cũng nói tiếng Việt.
- Tại sao ông chọn Bình Minh cho vai nam chính, dù không phủ nhận Bình Minh đã nỗ lực nhưng rõ ràng có những lựa chọn tốt hơn?
Lúc đầu ê-kíp cũng chọn nhiều, nhất là giới Việt kiều võ thuật cho vai nam chính. Nhưng tôi giữ quan điểm rằng phim Việt Nam là phải diễn viên Việt Nam. Bình Minh đã cố gắng rất nhiều.
Tôi biết Bình Minh cũng đuối nhưng tôi tin anh ấy cũng đã hãnh diện vì chưa từng làm một vai như thế. Tất nhiên đó là đánh giá của tôi, khán giả có thể có góc nhìn khác, tôi rất tôn trọng.
Nhưng Bình Minh vào vai này đúng là vất vả, đánh xong là phải truyền nước ngay. Đánh sai là ăn đòn ngay, mấy người kia đều là dân chuyên nghiệp, không đơn giản cho Bình Minh đâu, phải hy sinh rất nhiều.
"Số lượng phim Việt còn quá ít để phát triển"
- Nhìn thị trường điện ảnh Việt Nam và Ấn Độ, ông có thể đưa ra những đánh giá về sự khác biệt giữa thẩm mỹ, gu thưởng thức?
Việt Nam là phim nhẹ nhàng, tình cảm, bên đó cũng có nhiều tác phẩm tình cảm. Nhưng phim Ấn thường là phải có giấc mơ, mơ rồi lại có ca nhạc.
Ca nhạc người Ấn rất thích, chưa ra phim đã ra nhạc rồi, người ta nghe ca nhạc rồi mới thích bộ phim. Hành động cũng rất quan trọng ở phim Ấn, phim nào cũng vậy, không có hành động là thua, phải có hành động, đánh đấm mới ăn được.
Còn hai bên đều chuộng tình cảm, hài. Nhưng mạch phim của Ấn Độ thì chậm hơn. Nói chung là vẫn tùy kịch bản từng phim nhưng cơ bản là như vậy.
- So với Việt Nam mức đầu tư 50 tỷ đồng là lớn. Nhưng bên Ấn Độ thì sao?
So với Ấn Độ mức đó nhỏ xíu, một con tép, bên đó đầu tư ít nhất là 10 triệu USD và sẽ thắng lớn. Diễn viên tham gia là quan trọng lắm, cát-xê của họ rất cao, ngoài ra phim Ấn cũng thường đầu tư cho bối cảnh, bối cảnh mà làm không tới là không ai xem.
Với Sám hối, tôi cũng phải cố gắng đáp ứng những tiêu chí ấy, quay sân vận động huy động 2.000 diễn viên quần chúng chứ không làm vài trăm người chạy đi chạy lại được. Nhưng xét về kinh phí thì 50 tỷ đồng mà so với Ấn thì “châu chấu đá xe”.
Theo Ramani Raja, đầu tư ít, số lượng phim không nhiều và các rạp đang thiếu công bằng với phim nội địa là những cản trợ cho sự phát triển điện ảnh Việt.
- Phim Ấn Độ vẫn bị giới phê bình nhìn nhận là lê thê?
Chúng tôi phải cắt đi vì không để dài được. Nhưng bản sang Ấn Độ sẽ dài hơn, không ngắn như vậy, tức phải hai tiếng trở nên, chứ hơn một tiếng, ngắn quá, ở Ấn Độ sẽ không ai xem. Sang Ấn Độ chúng tôi phải cho thêm phần ca nhạc vào để dài hơn.
Khán giả Ấn Độ lại thích xem phim dài, còn bên mình rạp muốn chiếu 90-110 phút thôi. Nếu được đón nhận ở Ấn Độ thì phim này sẽ lãi vì đó là thị trường lớn, thắng trung bình là đã thắng rồi.
- Điều gì cản trở phim Việt hiện tại, theo ông?
Ăn thua là sản phẩm, đầu tư không tới thì khó ra ngoài. Phải đầu tư đã. Với cũng phải nhấn mạnh là thị trường điện ảnh Việt còn ít phim quá, ít như vậy thì ít tính cạnh tranh và là sự cản trở cho phát triển.
Bên cạnh đó, mình cũng còn thiếu máy móc, ê-kíp để phục vụ cho công nghiệp làm phim, đó cũng là hạn chế.
"Ở Ấn Độ, phim Hollywood luôn phải xếp hàng trước Bollywood"
- Doanh thu trăm tỷ cho một bộ phim ở Việt Nam đã là niềm kiêu hãnh và hài lòng lớn. Ông nghĩ như thế nào?
100 tỷ đồng ở Việt Nam thì rất ổn rồi, còn với nước ngoài thì doanh thu đó nhỏ xíu. Bên Ấn Độ mà thắng thì doanh thu lớn hơn thế nhiều, “dữ” đó, không thường đâu.
Số dân là một lợi thế, bên đó đông dân. Ngoài ra, khán giả Ấn Độ đi chơi là xem phim, xem phim là chính, đó là văn hóa rồi. Nhiều phim Ấn "giết" được cả phim Hollywood, không phải chuyện đơn giản.
Nhưng để có vị trí như vậy, không chỉ là số dân. Quan trọng là Bollywood đã có giai đoạn đầu tư rất nhiều mới ra được thế giới. Đầu tư về câu chuyện, tiền bạc, kịch bản và cả thương hiệu, có vậy người ta mới xem.
- Còn phim “remake”, tức làm lại kịch bản ngoại vẫn được ưa chuộng ở Việt Nam, đơn cử như "Tiệc trăng máu" năm vừa rồi thắng lớn. Dòng “remake” bên Ấn thì sao?
Cũng nhiều lắm và có doanh thu tốt. Nghĩa là “remake” vẫn có thể thắng, nhưng như tôi đã nói, dù thế nào vẫn phải đáp ứng được tiêu chí hành động – ca nhạc – tình cảm – hài hước. Đó là tiêu chí cố hữu, rất quan trọng ở Bollywood.
- Sau những cuộc góp vốn, đầu tư phim ở Việt Nam, ông nhận được những gì?
Tôi có góp vốn cho Tấm Cám, Song Lang, Trúng số, Về quê ăn Tết, cũng có phim thắng, phim thua. Cái vui là mình được làm với đam mê, còn nói thật tiền không được bao nhiêu. Có phim huề, có phim lãi, xoay qua xoay lại cũng vậy.
Nhà sản xuất Ấn Độ cho rằng rạp Việt cần ưu tiên phim Việt.
- Trong một tọa đàm điện ảnh mới đây, giới làm phim Việt chỉ ra thực trạng về việc phim Việt thường rơi vào hai tình trạng: Thắng lớn về doanh thu hoặc chết như ngả rạ, có rất ít phim với doanh thu tầm trung, có lãi vừa phải, không lỗ lớn để các nhà làm phim tái sản xuất?
Ở Việt Nam, tôi thấy mọi người ưu tiên cho phim nước ngoài quá, rạp nào cũng ưu tiên cho phim mà mình đầu tư, ưu tiên cho phim nước ngoài, cái đó không công bằng.
Phim Việt Nam thường bị đẩy ra rất nhanh, 3 ngày không thấy thu tốt là đẩy đi. Như vậy không ổn, phim Việt phải được ủng hộ, chứ mình mà không ủng hộ nữa thì ai ủng hộ phim của mình. Giới làm phim Việt Nam đâu có tiền để làm phim lớn như Hollywood, như Hàn Quốc, Ấn Độ nên phải ưu tiên.
Ở Bollywood, muốn gì thì muốn, phim của Ấn vẫn là số một, quan trọng nhất. Các phim khác kể cả bom tấn Hollywood là phải xếp hàng chờ. Bên đó hiệp hội điệp ảnh rất có tiếng nói.
Ưu tiên như vậy thì doanh thu sẽ khác. Bên Ấn cũng có những phim thắng lớn, cũng có phim thua. Nhưng không nhiều phim thất bại thảm bại, đa phần là những bộ phim huề vốn, đủ thắng để làm tiếp.
- Như vậy có thể hiểu, ngay cả "Sám hối" của một nhà sản xuất Ấn Độ, đạo diễn Ấn Độ nhưng khi vào Ấn cũng vẫn phải xếp hàng trước phim Ấn?
Chắc chắn.
Theo Zing