Theo tờ South China Morning Post, nhà khoa học nổi tiếng Etienne Klein, giám đốc nghiên cứu của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA), đã đăng tải bức ảnh một quả cầu lửa đỏ với những mảng sáng rực rỡ trên Twitter, vào ngày 31/7.
Ông tuyên bố đây là bức ảnh mới nhất của sao Cận Tinh (Proxima Centauri), ngôi sao gần Mặt Trời nhất, được chụp bởi kính viễn vọng không gian James Webb.
Trên Twitter, ông viết: “Ảnh Proxima Centauri, ngôi sao gần Mặt Trời nhất, cách chúng ta có 4,2 năm ánh sáng. Ảnh được chụp bởi Kính viễn vọng James Webb (kính viễn vọng cực kỳ hiện đại của NASA). Hãy xem các chi tiết kìa… Cả một thế giới mới được hé lộ qua từng ngày”.
Nội dung được nhà khoa học này chia sẻ trên Twitter
Sau khi thông tin được đăng tải, những người đồng nghiệp đã ngạc nhiên trước các chi tiết trên bức ảnh được chụp bởi kính thiên văn. Đồng thời, phê phán hành động lan truyền thông tin sai sự thật trong cộng đồng khoa học.
Nhưng trên thực tế, ông Klein đã tiết lộ đây không phải ảnh chụp ngôi sao Cận Tinh, cách Mặt Trời hơn 4 năm ánh sáng, mà là một phần của miếng xúc xích Tây Ban Nha.
“Theo vũ trụ học đương đại, không có vật thể nào thuộc charcuterie (các món thịt chế biến sẵn) của Tây Ban Nha tồn tại ở bất kỳ đâu ngoài Trái Đất”, ông viết trên Twitter chỉ một giờ sau đó.
Nhà khoa học nổi tiếng Etienne Klein
Ông Klein thừa nhận nhiều người dùng đã không hiểu trò đùa của ông. Nhà khoa học Pháp chỉ đơn giản nhắc nhở mọi người “cảnh giác với những lập luận từ những người có chức vụ quyền hạn cũng như khả năng hùng biện tự phát của một số hình ảnh".
Tuy nhiên, vào thời điểm mà việc chống lại tin tức giả có tầm quan trọng hàng đầu đối với cộng đồng khoa học, nhiều người dùng Twitter cho biết họ không hài lòng với trò đùa của ông Klein.
Đến ngày 3/8, ông đã phải lên tiếng xin lỗi: “Tôi đến để gửi lời xin lỗi đến những người có thể đã bị sốc bởi trò chơi khăm của tôi, mà không có gì nguyên gốc về nó".
Đ.K (t/h)
Theo Vietnamnet