Liên quan đến vụ việc nam sinh viên trói tay tại ký túc xá rồi trình bào với công an bị trói tay, mất điện thoại, các luật sư cảnh báo: khai báo thông tin sai sự thật coi chừng phạm tội hình sự.

Các luật sư cho rằng, chưa rõ động cơ khai báo gian đối của nam sinh viên N.H.L.E. là gì, nhưng sự việc xảy ra có video lan truyền trên mạng với những thông tin không hay, gây hoang mang cho sinh viên và dư luận xã hội.

Điều này đã làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường nên cần được điều tra làm rõ và xử phạt nghiêm khắc để răn đe làm gương cho những người cố tình khai gian dối thông tin với cơ quan Nhà nước.

Vụ nam sinh trói tay tại ký túc xá: Khai báo sai sự thật phạm tội gì?-1
 Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, theo Công an TP.Dĩ An (Bình Dương), khoảng 21h ngày 21/2, Đội Cảnh sát hình sự nhận tin báo từ Công an phường Đông Hòa về tiếp nhận trình báo của sinh viên H.N.L.E.

Nam sinh E. trình báo bị một đối tượng bóp cổ, trói 2 tay ra sau lưng, lột quần áo rồi chiếm đoạt chiếc điện thoại tại lối thoát hiểm giữa tầng một và tầng 2 của tòa nhà B4 của ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tuy nhiên, sau khi điều tra, xác minh, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Dĩ An nhận thấy vụ việc không có dấu hiệu bị cướp tài sản. Vụ việc này chỉ là hành vi cố tình dàn dựng sự việc xảy ra giống như bị cướp giật tài sản do chính nạn nhân tạo ra. Vì thế, Công an TP.Dĩ An đã chuyển hồ sơ xuống Công an phường Đông Hòa để tiếp tục xử lý theo quy định.

Dư luận xã hội đang đặt ra câu hỏi: Nếu sự việc này do chính nạn nhân cố tình dàn dựng thì với mục đích để làm gì, và em sinh viên này có bị xử vi phạm như thế nào?

Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, trước tiên, em E. sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Em E. có thể sẽ bị xử với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Ngoài ra, nếu Công an phường Đông Hòa điều tra có đủ chứng cứ về hành vi của E. nhằm mục đích xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân sinh viên nào hay của nhà trường thì em E. đã thực hiện hành vì vì động cơ đê hèn có thể bị xử phạt tội vu khống với mức phạt tù đến 7 năm, và còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng (Điều 156 BLHS 2015).

Trong trường hợp, cơ quan điều tra chứng minh được em E. cố tình khai gian dối để nhằm mục đích làm nhục mạ nhân phẩm người khác thì em E cũng có thể bị xử phạt hình sự tội làm nhục người khác với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng và mức phạt tù có thể đến 5 năm (Điều 155 BLHS 2015).

Đồng quan điểm, Luật sư Đỗ Duy Khang, Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Dù là trường hợp nào và xuất phát từ nguyên nhân gì, việc báo tin sai sự thật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đều là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp cố ý, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc báo tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Khang nhận định: Về hành chính, việc nam sinh báo tin sai sự thật bị trói tay, cướp điện thoại có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

"Đồng thời, nếu hành vi báo tin sai sự thật của nam sinh viên nêu trên, trong khi biết rõ những thông tin đó là sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống (quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung, sửa đổi 2017).

Cùng với cách hình thức xử phạt nêu trên, người có hành vi thông tin sai sự thật xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015", luật sư Khang nói.

Theo Giao Thông