Đúng như dự đoán của nhiều khán giả, bộ phim về đề tài xã hội đen "Người phán xử" đoạt giải Phim truyền hình ấn tượng tại VTV Awards.
Người phán xử là bộ phim có tới 3 đạo diễn là Khải Anh, Mai Hiền và Danh Dũng. 26 tập đầu của bộ phim do bộ đôi Mai Hiền - Khải Anh phụ trách, Danh Dũng là đạo diễn từ tập 27 đến tập cuối cùng, tức tập 47.
Thế nhưng khi tập 47 gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội, đạo diễn Danh Dũng lại chọn cách im lặng. Sau khi Người phán xử đoạt giải Phim truyền hình ấn tượng tại VTV Awards, nam đạo diễn lần đầu tiên chia sẻ về những tranh cãi của kết phim với Zing.vn.
Đạo diễn Danh Dũng (trái) trao đổi với diễn viên Doãn Quốc Đam đóng vai Trần Tú trong Người phán xử. Ảnh: VFC.
"Người phán xử là một bước đột phá"
- Trước khi “đại thắng” tại VTV Awards, “Người phán xử” đã có hành trình gây bão màn ảnh nhỏ suốt với lượng rating khủng và mang lại cho VTV số tiền quảng cáo không nhỏ. Là một trong ba đạo diễn của bộ phim, anh có thể chia sẻ điều gì?
Tất cả thành quả đều là sự ghi nhận của khán giả dành cho cách làm phim mới, cách tiếp cận mới của một bộ phim truyền hình như Người phán xử.
Nhưng để đạt được điều đó, chúng tôi đã có hành trình nỗ lực gần hai năm. Người phán xử là bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam có tới 3 đạo diễn, bao gồm Khải Anh, Mai Hiền và tôi.
Nhưng để ba người kết hợp hài hòa với nhau, tương tác, bổ trợ và làm nổi bật vai trò của nhau, chúng tôi ghi nhận công sức và trí tuệ của đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải. Không chỉ chỉ đạo, quán xuyến công việc mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải còn bắt tay vào làm việc trực tiếp cùng anh em chúng tôi.
- Số đông công chúng nhìn nhận “Người phán xử” như một bước chuyển mình của phim truyền hình Việt với tư duy, cách thức và công nghệ làm phim mới. Anh nghĩ sao về những nhận xét tích cực này?
Thực sự, Người phán xử là một bước đột phá, không chỉ với công chúng mà chúng tôi cũng cảm nhận như vậy. Biết nói thế nào cho đủ ý được nhỉ? Thứ nhất, Người phán xử là bộ phim làm từ kịch bản nước ngoài, kịch bản gốc thú thật là đã rất tốt, chúng ta chỉ cần đầu tư đưa về để Việt hóa.
Thứ hai, đó là sự đầu tư về con người và máy móc. Hiếm có bộ phim Việt Nam nào mà quy tụ dàn diễn viên hùng hậu với nhiều gương mặt ưu tú như vậy. Phim cũng thu tiếng đồng bộ và áp dụng công nghệ hiện đại.
Cuối cùng, Người phán xử được chú ý là nhờ cách kể chuyện hoàn toàn mới, giúp dẫn dắt khán giả từ tình huống này đến tình huống kia. Sự kết hợp của những yếu tố đó đã làm nên thành công của bộ phim.
Chúng tôi đã thảo luận về 3-4 cách kết thúc
- Thế nhưng bên cạnh những phản hồi tích cực, không ít ý kiến cho rằng tập cuối “Người phán xử” là một thất bại, khi cái kết diễn ra quá chóng vánh, bi thương, thậm chí bị cho là thiếu nhân văn?
Tôi phải nói thế này, chúng ta đang sống trong một xã hội khác với xã hội trong Người phán xử. Người phán xử là bộ phim khai thác về thế giới ngầm, về xã hội đen. Xã hội ấy chỉ chiếm một số ít trong xã hội so với phần đông xã hội được pháp luật bảo vệ.
Có phản hồi tích cực, có phản hồi tiêu cực, tôi biết cả. Nhưng có lẽ nhiều khán giả đã quá hâm mộ các nhân vật trong phim mà quên mất rằng số đông vẫn luôn luôn mong đợi sự bình yên. Sự bình yên phải là cái kết.
Ông trùm Phan Quân có nói “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng”, tức gia đình phải là số một. Nhưng cuối cùng gia đình của nhân vật này lại kết thúc bi thảm, đó là sự khắc nghiệt và cái giá mà Phan Quân phải trả khi dấn thân vào con đường ấy.
Gia đình vẫn là số một, đó là yếu tố nổi bật trong bộ phim. Nhưng thông điệp mà phim hướng đến là trước khi làm bất cứ điều gì hãy nghĩ đến gia đình của mình, làm điều phi pháp, gia đình cũng không thể bình yên.
"Người phán xử" kết thúc trong bi thương và chóng vánh, khi Phan Quân bị bắt, Lê Thành bị bắn chết.
- Là đạo diễn của nửa sau phim “Người phán xử” trong đó có tập cuối, khi đọc những phản hồi trái chiều, thất vọng, thậm chí chỉ trích của khán giả, tâm lý của anh có gì thay đổi?
Tâm lý trước và sau của tôi luôn là làm tác phẩm đúng nhất và thỏa mãn được khán giả nhất. Chúng tôi từng ngồi với nhau để đưa ra rất nhiều cách kết, ít nhất là khoảng 3-4 cách kết thúc.
Cuối cùng chúng tôi chọn cách mà mọi người đã xem. Tất nhiên, có nhiều khán giả không thỏa mãn nhưng với số lượng công chúng đông như vậy, chúng tôi không thể phục vụ được riêng đối tượng nào.
- Có nhiều đồn đoán về phần 2 của "Người phán xử" vì kết thúc của bộ phim được nhiều người coi là một cái kết mở. Suy nghĩ của anh thế nào?
Phần tiếp theo của Người phán xử không nằm trong kế hoạch của chúng tôi, nếu có đó là kế hoạch bên lãnh đạo VFC - đơn vị sản xuất, chúng tôi chưa có thông tin gì cả.
Theo Zing