Đơn vị cổ phần hóa đầu tiên trong ngành điện ảnh
Phim chiếu rạp Đào, Phở Và Piano đang trở thành hiện tượng phòng vé trong những ngày này, sau khi được nhiều khán giả săn đón. Một rạp duy nhất đang công chiếu bộ phim là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Bộ phim do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng và Công ty Cổ phần Phim truyện 1 là đơn vị sản xuất.
Theo giới thiệu trên website, công ty Phim truyện I tiền thân là hãng Phim truyện I, được thành lập từ năm 1990, tức đến nay đã được 34 năm. Năm 2010, Hãng phim truyện I là đơn vị sản xuất phim đầu tiên trong ngành điện ảnh chuyển đổi thành công ty cổ phần với gần 60% vốn của Nhà nước.
Trụ sở chính của công ty tại số 151 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội (diện tích 415m2, do Cục Điện ảnh cho mượn). Công ty không có đất được đứng tên quyền sử dụng, hạch toán trên sổ sách kế toán.
Đến nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là đơn vị đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, sở hữu 840.910 cổ phần, tương ứng 59,95% vốn điều lệ.
Theo cập nhật danh sách cổ đông, tại ngày 30/6/2023, công ty có 69 cổ đông cá nhân sở hữu 40,05% vốn. Trong đó, 2 cá nhân là cổ đông lớn, gồm ông Trần Như Hưng (15,54% vốn) và bà Nguyễn Hồng Phương Lan (5,31%) vốn, cùng có địa chỉ tại TP Hà Nội. Ông Hưng là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc công ty.
Một cảnh trong phim "Đào, phở và piano" (Ảnh: Kỳ Sơn).
Từ năm 2016 đến năm 2022, công ty Phim truyện 1 đã hoàn thành sản xuất 2 bộ phim truyện điện ảnh gồm Lính chiến và Phượng Cháy. Trong đó, phim Phượng Cháy đạt giải thưởng của Ban giám khảo liên doanh phim giải Cánh Diều Vàng năm 2022.
Công ty cũng sản xuất 33 phóng sự, tài liệu, 5 phim băng hình Miền Núi Và Hải Đảo, nhiều sản phẩm điện ảnh khác, trong đó có Đào, Phở Và Piano với giá trị hợp đồng ước tính 22 tỷ đồng.
Lãi, lỗ đan xen với công cuộc sản xuất phim theo đơn đặt hàng
Theo tài liệu mà phóng viên báo Dân trí có được, SCIC đã có ít nhất 2 lần tổ chức đấu giá toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Công ty Phim truyện 1, lần lượt vào các năm 2015 và 2023. Thông tin công bố từ các lần đấu giá đã tiết lộ tình hình hoạt động, kinh doanh của đơn vị sản xuất phim này.
Năm 2015, SCIC cũng từng rao bán toàn bộ 840.910 cổ phần, tương ứng 59,95% vốn với giá khởi điểm 10.030 đồng/cổ phiếu. Thông tin cho thấy giai đoạn 2012-2013, doanh thu các năm đều tiền tỷ nhưng lợi nhuận bằng 0. Cá biệt năm 2014, doanh thu công ty đạt hơn 87 tỷ đồng còn lợi nhuận gần 42 triệu đồng.
Báo cáo cho biết doanh thu giảm do môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, chi phí sản xuất phim đầu vào gia tăng, xu thế đầu tư trong thị trường sản xuất phim bị thu hẹp lại. Giá vốn hàng bán luôn chiếm tỷ trọng gần 100% của doanh thu, cộng thêm các chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh dẫn đến lợi nhuận bằng 0 hoặc ít lãi.
"Đây là kết quả của việc kiểm soát chi phí yếu kém, cũng như tất yếu của việc gia công sản xuất phim theo các đơn đặt hàng có giá trị thấp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của lĩnh vực điện ảnh", bản công bố thông tin nêu.
Cho tới cuối năm 2023 vừa qua, SCIC tiếp tục thông báo thực hiện chào bán cạnh tranh trọn lô cổ phiếu với giá khởi điểm hơn 8,86 tỷ đồng. Trung bình, mỗi cổ phiếu có giá 10.536 đồng (cao hơn hồi 2015).
Tuy nhiên, câu chuyện kinh doanh của Công ty Phim truyện 1 sau gần chục năm không có nhiều thay đổi. Doanh thu tiền tỷ nhưng lãi tiền triệu, không lãi, thậm chí lỗ vẫn tiếp diễn.
Năm 2020, doanh thu công ty gần 5 tỷ đồng nhưng lợi nhuận bằng 0. Đến năm 2021, công ty thu gần 12 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 9 tỷ đồng. Tình hình chỉ được cải thiện trong năm 2022, khi doanh thu đạt hơn 13 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước nhưng lợi nhuận chỉ hơn 25 triệu đồng.
Giá vốn cao "ăn mòn" lợi nhuận, cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì đều đặn là nguyên nhân khiến công ty Phim truyện 1 không có lãi. Bỏ qua nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 diễn ra khiến hoạt động sản xuất phim hầu như đóng băng thì việc giá vốn cao, chiếm phần lớn doanh thu vẫn tiếp tục đè nặng lên bài toán thu - chi của công ty sản xuất phim đặt hàng này.
Nhận thấy hạn chế khi chỉ tập trung vào các dự án phim theo đơn đặt hàng, công ty cho biết đã chủ động mở rộng khai thác nguồn thu từ dự án phim tài liệu, phóng sự băng hình, cung cấp các thiết bị kỹ thuật làm phim sẵn có, nhân lực có kinh nghiệm và hợp tác gia công phim theo đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, công ty cho rằng việc gia công sản xuất phim thường được các đơn vị đầu tư tính toán chi phí, thẩm định phương án thực hiện nên giá trị hợp đồng thường sát với chi thực hiện, thậm chí thấp hơn giá thực tế dự kiến và nguồn thu không ổn định.
Đến ngày 31/12/2022, công ty đã lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng, không có các khoản nợ vay tài chính.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 20 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 triệu đồng, tăng lần lượt 34% và 16% so với thực hiện năm trước.
Theo Dân trí