Trong văn hóa người Việt, gà là một trong những vật nuôi thân thuộc với cuộc sống. Đây cũng là con vật trở thành món ăn dâng cúng tổ tiên thần linh mỗi dịp lễ, Tết. Con gà gáy báo hiệu ngày mới đã trở thành một biểu tượng văn hóa gắn với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của cư dân nông nghiệp, là một trong những thứ không thể thiếu của mỗi gia đình.
Từ xa xưa gà luộc đã là món không thể thiếu trên mâm cỗ cúng của người Việt đặc biệt trong lễ Giao thừa và gia tiên ngày Tết. Mặc dù đã quá quen thuộc nhưng nhiều người, nhiều gia đình không biết cách đặt gà cúng như thế nào cho đúng.
Theo TS Trần Thị Thu Thủy (Trưởng phòng Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), con gà trống trong dân gian được coi là con vật quan trọng, báo hiệu điều lành, dữ, đoán định tương lai… Đầu năm, một số dân tộc như Mông, Tày… thường đặt gà trống cúng trước bàn thờ, cắt tiết, thả ra xem lúc giãy chết đầu gà sẽ quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm ấy thất hay phát.
Nên để đầu gà quay vào trong hay ngoài trong lễ cúng?
Nếu lúc giãy chết đầu gà quay về nơi thờ ma nhà hoặc buồng chủ nhà thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt. Nếu đầu gà quay ra cửa thì năm đó làm ăn khó khăn, hao tiền tốn của. Họ sẽ bắt con gà khác cúng lại, nếu vẫn như thế thì phải mời thầy cúng về hóa giải... Còn với người Kinh thì lựa chọn gà cúng đơn giản hơn.
Tuy nhiên, gà cúng đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, không khuyết tật, màu lông đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng… và quan trọng là chưa đạp mái (có ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết) thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
Cách đặt gà cúng trong mâm cỗ Tết để có được nhiều lộc cho gia đình trong năm mới.
1. Đặt gà cúng Giao thừa như thế nào?
Khi chuẩn bị mâm cỗ giao thừa, bạn phải đặt gà cúng lên đĩa to, tháo dây buộc (nếu có), bầy ngay ngắn trên đĩa, tiết lòng đặt dưới bụng gà, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ. Điều quan trọng nhất là phải đặt đầu gà quay ra đường để đón quan Hành khiển cai quan năm mới đi qua, cách đặt gà cúng như vậy còn có ý nghĩa gọi mặt trời chiếu vào nhà mình.
2. Cách đặt gà cúng trên ban thờ
Một số chuyên gia nghiên cứu cho rằng khi đặt gà cúng trên ban thờ nên quay đầu gà hướng về bát hương với tư thế được gọi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu” tức là há miệng, chân quỳ và cánh duỗi ra tự nhiên. Nếu làm theo cách nhiều gia đình làm có nghĩa có đầu gà hướng ra ngoài thì đó là gà không chịu chầu. Thực tế là gà quay đầu ra ngoài sẽ đẹp hơn khi quay đầu về bát hương và phao câu chổng ra ngoài nhưng cách đặt gà cúng như vậy chỉ đẹp mắt về hình thức chứ không đẹp về ý nghĩa tâm linh và sự thành kính.
Tuy nhiên theo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì việc đặt gà quay vào trong hay quay ra ngoài không quan trọng. Bởi lẽ trong văn hóa thờ cúng thần linh từ xưa người ta chỉ thờ một miếng thịt là đủ, chỉ khi cuộc sống đã đầy đủ hơn thì người ta mới cúng cả con gà.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Theo Khỏe & Đẹp