Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc. Việc mua hàng hóa, thực phẩm bằng hình thức online được người dân sử dụng đến mức tối đa vào thời điểm này. Tuy nhiên, đây cũng trở thành cơ hội để một số cá nhân lợi dụng sự tin tưởng của người dân để lừa đảo khi họ đặt mua hàng hóa, thực phẩm, cụ thể ở đây là rau củ quả.
Nhiều người dân đặt mua mặt hàng thiết yếu là rau củ quả
Nạn nhân của việc đặt mua rau củ quả online là cô gái tên Trần Ngọc Trâm (Quận 7). Trâm cho biết, khu vực cô đang sống không bị phong tỏa nhưng việc mua được rau củ quả là khá khó khăn. "Mình cố gắng dậy sớm đi siêu thị để mua rau nhưng luôn trong tình trạng hết hàng vì những người khác họ cũng canh để mua. Nghĩ rằng mua online vừa tiện, vừa có nhiều mặt hàng để lựa chọn nên mới tìm người bán".
Ngày 15/7, cô có đặt mua nhiều loại rau củ từ tài khoản Facebook có tên N.T, tổng đơn hàng là 1 triệu 336 ngàn đồng, thêm tiền ship 64 ngàn đồng, tròn tiền 1.4 triệu đồng.
"Nghĩ bán rau trong mùa dịch khó khăn ai nỡ lừa nhau, nên mình thanh toán hết số tiền 1.4 triệu đồng. Bạn này nhận tiền xong thì gọi điện thoại chốt đơn, nhắn tin vẫn trả lời nên mình cũng tin tưởng. Đến sáng nay vẫn gọi điện hẹn giờ giao hàng, nhưng chờ từ sáng đến chiều vẫn chưa thấy đến, đến lúc liên lạc lại thì biết bên kia đã chặn số mình" - Trâm kể lại.
Tin nhắn giữa Trâm và người bán hàng
Trâm cho biết, trước đó chị gái của một người bạn từng mua hàng của tài khoản T.N nhưng với số lượng ít và được giao hàng chu đáo. Thấy rẻ và nghĩ là chỗ làm ăn tử tế nên giới thiệu lại cho Trâm, không nghĩ lại xảy ra sự việc đáng tiếc. Khi nhờ người chị này gọi vào số của T.N thì lập tức đầu dây bên kia cũng chặn nốt số điện thoại vừa gọi đến.
"Mình thấy bạn này đăng bán hàng ở nhiều hội nhóm, với hình thức nhận cọc 50% rồi mới giao hàng. Có thể với những đơn hàng ít tiền thì bạn ấy sẽ giao để lấy niềm tin, đơn nào nhiều thì bạn ấy sẽ lừa đảo, lấy luôn toàn bộ số tiền" - Trâm chia sẻ.
Trước đó, Trâm từng nhiều lần đặt mua hàng online nhưng chưa gặp phải trường hợp lừa đảo như lần mua rau củ này. "Mình mong mọi người cảnh giác, tìm đến những nơi uy tín để mua, đặc biệt là giao nhận hàng và thanh toán trực tiếp cho an tâm" - Trâm chia sẻ.
Lục Anh (Quận 11) - một người bạn của Ngọc Trâm cũng là nạn nhân của việc đặt mua rau củ online của tài khoản T.N. "Mình đặt mua đơn hàng 930 ngàn đồng, chuyển khoản trước 460 ngàn đồng hôm 14/7.
Đến sáng nay bên kia gọi điện thoại bảo sắp giao hàng sang, nên mình tin tưởng chờ. Khoảng 3-4 tiếng đồng hồ sau đó vẫn chưa thấy hàng đến, mình gọi lại giục thì biết bên kia đã chặn số mình" - Lục Anh kể.
Bức xúc, Lục Anh đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng mong mọi người cảnh giác để tránh bị lừa đảo trong mùa dịch. "Không ai nghĩ lại đi lừa nhau từng bó rau, cọng hành cả, nhất là giữa mùa dịch khó khăn thế này" - Lục Anh chia sẻ.
Người bán hàng chặn số điện thoại và các tài khoản của Lục Anh sau cuộc gọi thông báo hàng đang được giao sang tận nơi
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Theo Baodatviet.vn