Tháng 3 năm nay, người mẫu Hàn Quốc HoYeon Jung đã mở màn sàn catwalk cho bộ sưu tập thời trang nữ của Louis Vuitton với váy và bodysuit có dây kéo cỡ lớn. Theo nhà thiết kế Nicolas Ghesquière, đây là những chiếc dây kéo lớn nhất từng được sản xuất.

Dây kéo: Từ hành trình chinh phục ngành thời trang đến khuôn mẫu giới-1

Dây kéo là yếu tố hoài cổ trong các bộ sưu tập của Ghesquière khi ông còn là Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton cách đây một thập kỷ. Mặc dù dây kéo được cho là đã chạm đến đỉnh cao nhưng những tiếng vang từ các bộ sưu tập thời trang trong năm qua cho thấy chúng đang dần hồi sinh.

Bắt đầu từ những sáng tạo của Ghesquière, dây kéo cũng được phổ biến bởi hãng thời trang Marni của Ý, với các sản phẩm ra mắt vào năm 2010. Victoria Beckham cũng đóng vai trò phổ biến xu hướng này vào năm 2011 với chiếc váy mang tính biểu tượng có dây kéo phía sau. Hiện nay, nhà tạo mẫu nổi tiếng của Hollywood Rachel Zoe đã xác nhận sự trở lại của dây kéo trên blog của mình.


Lịch sử của dây kéo

Để được đón nhận như ngày hôm nay, chiếc dây kéo đã trải qua một hành trình dài. Nhiều nhà phát minh đã góp phần tạo ra dây kéo nhưng phải đến khi được ngành công nghiệp thời trang đón nhận thì dây kéo mới trở thành món đồ phổ biến trong cuộc sống hằng ngày như hiện nay.

Dây kéo: Từ hành trình chinh phục ngành thời trang đến khuôn mẫu giới-2
Một thiết kế có dây kéo được mặc bởi Victoria Beckham trên sàn catwalk năm 2011

Elias Howe, Jr., nhà phát minh máy may, được cấp bằng sáng chế cho khái niệm dây kéo đầu tiên vào năm 1851. Tuy nhiên phải đến 50 năm sau, một phiên bản thực tế hơn mới được nhà phát minh Whitcomb Judson ở Chicago, Mỹ, giới thiệu.

Chiếc dây kéo ngày nay ra đời vào năm 1913 bởi kỹ sư người Thụy Điển Gideon Sundbäck, với bằng sáng chế được cấp vào năm 1917. Thoạt đầu, dây kéo được sử dụng để đóng ủng cao su và túi đựng thuốc lá. Nó mất gần hai thập kỷ để thuyết phục ngành công nghiệp thời trang về tiềm năng của mình.

Một chiến dịch quần áo trẻ em có dây kéo đã diễn ra vào những năm 1930 nhằm khuyến khích khả năng tự lập ở trẻ nhỏ. Nhà thiết kế người Ý Elsa Schiaparelli, một trong những nhà tạo mốt thành công nhất đầu thế kỷ 20, là người đầu tiên kết hợp dây kéo vào những chiếc váy, góp phần giúp chúng trở nên phổ biến trong thời trang nữ.

Vào năm 1932, dây kéo vẫn còn là một thứ mới lạ. Lúc đó, dây kéo không chỉ được coi là một phát minh thực tế mà còn là biểu tượng cho tương lai chịu nhiều ảnh hưởng bởi máy móc và công nghệ.

Các thợ may không thích dây kéo vì cho rằng chúng thô trong khi các nhà sản xuất hàng loạt nói rằng dây kéo quá đắt, và việc sử dụng chúng thay cho cúc áo sẽ đẩy giá bán lên cao. Điều này vẫn tiếp tục cho đến năm 1934 khi những nhân vật có ảnh hưởng bắt đầu mặc trang phục có dây kéo. Sau đó, dây kéo bất ngờ được tuyên bố là "ý tưởng mới trong ngành may đo cho nam giới", theo Viện Smithsonian.

Theo thời gian, dây kéo trở nên phổ biến nhờ vào tính thực tế của chúng. Ban đầu, nó được sử dụng trong đồng phục của thủy thủ Mỹ. Đến Thế chiến thứ hai, dây kéo đã được sử dụng rộng rãi ở châu Âu và Bắc Mỹ, tiếp đến là toàn cầu.

Dây kéo: Từ hành trình chinh phục ngành thời trang đến khuôn mẫu giới-3
Dây kéo: Từ hành trình chinh phục ngành thời trang đến khuôn mẫu giới

Áo khoác da trở thành trang phục thành thị đầu tiên có dây kéo. Vào những năm 1950, NASA đã kết hợp dây kéo vào bộ đồ du hành vũ trụ, được sử dụng trong Sứ mệnh Apollo 11 vào tháng 7/1969, chuyến đổ bộ lên Mặt trăng đầu tiên.


Sự khác biệt giới nhìn từ dây kéo

Hiện nay, dây kéo được coi là phát minh mang tính ứng dụng cao nhưng lịch sử của nó gây không ít tranh cãi. Trong những năm 1920 và 1930, dây kéo không được ưa chuộng, đặc biệt là ở trang phục phụ nữ vì tạo điều kiện cho việc cởi quần áo nhanh chóng, được cho là khuyến khích hoạt động tình dục. Giám đốc âm nhạc Busby Berkeley đã khai thác điều này trong bộ phim "Footlight Parade".

Trở lại những năm 1940, những nhà cách tân thời trang như Cristóbal Balenciaga đã chuyển dây kéo từ phía trước hoặc hai bên quần áo sang phía sau. Độ phổ biến của dây kéo phía sau trang phục phụ nữ đặt ra câu hỏi về các khuôn mẫu. Các lý do về thẩm mỹ cho rằng đặt dây kéo phía sau giúp mặt trước của trang phục được liền mạch, đặc biệt là với các loại vải mỏng.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nó có thể bắt nguồn từ niềm tin truyền thống về hành trình cuộc đời của người phụ nữ, khi chuyển từ nhà cha mẹ đến nhà chồng, ngụ ý rằng họ cần được hỗ trợ trong việc mặc và cởi quần áo.

Trong bài viết của mình trên nền tảng Swaay, nhà báo Celeste Headlee, tác giả cuốn "We Need to Talk: How to Have Conversations That Matter" (tạm dịch "Chúng ta cần nói chuyện: Làm thế nào để có cuộc trò chuyện giá trị"), khám phá bối cảnh lịch sử về quyền tự do của phụ nữ với trang phục. Headlee đặt câu hỏi về vị trí của dây kéo ở phía sau có thể tượng trưng cho những kỳ vọng gia trưởng đối với phụ nữ.

Ngày nay, vẫn có sự khác biệt về giới khi đặt dây kéo trên quần áo. Ở nhiều nước phương Tây, dây kéo trên quần áo của nam giới thường ở bên phải, trong khi dây kéo của nữ ở bên trái. Điều này có thể bắt nguồn từ truyền thống hàng thế kỷ khi đàn ông tự mặc quần áo, trong khi phụ nữ thường được người hầu mặc quần áo (người hầu thuận tay phải làm điều này dễ dàng hơn nếu dây kéo ở bên trái).

Theo Phụ nữ Việt Nam