Dưới đây là 4 sai lầm mà rất nhiều người mắc phải khiến công cuộc giảm cân trở thành "công cốc".
1. Sử dụng các bài tập như một cái cớ để ăn uống nhiều hơn
Nhiều người tính toán lượng calo mà họ có thể đốt cháy trong một đợt tập luyện nhất định nhiều hơn mức thực tế. Nhưng vấn đề khiến bạn thực sự khó đạt tiến bộ khi giảm cân là sử dụng những con số không chính xác như một cái cớ để ăn nhiều lên.
Marie Spano, một chuyên gia đã có nhiều năm làm việc với các vận động viên, cảnh báo: “Bạn nhanh chóng bù đắp phần calo vừa được giải phóng nhưng đồng thời lại chọn những thực phẩm dễ khiến bạn tăng cân”. Nếu bạn viện cớ đã đạp xe cả chặng đường dài để ăn thêm vào lát pizza, rốt cuộc, bạn có thể hấp thụ nhiều calo hơn cả một tối không đạp xe và chỉ ăn salad.
Tất nhiên, luyện tập có vô số lợi ích khác, ngoài việc giúp bạn giảm cân. Do đó, bạn vẫn nên ra ngoài và làm vài vòng đạp xe. Nhưng đừng nghĩ rằng, bạn có thể ăn bất cứ thứ gì sau đó.
2. Phớt lờ sức khỏe tổng thể
Ăn uống tốt và chăm chỉ luyện tập là những nguyên liệu chính làm nên sự khỏe mạnh của bạn. Nhưng những thứ khác (như uống nước phù hợp và ngủ đủ giấc, ngon giấc) cũng có vai trò nhất định. Tình trạng mất nước có thể làm chậm quá trình trao đổi mỡ. Do đó, phụ nữ được khuyến nghị nên uống 3 lít nước/ngày và nam giới uống 3,8 lít nước/ngày. Lượng nước có thể tăng lên để bù cho những buổi tập luyện ra nhiều mồ hôi.
Hơn nữa, nước khiến bạn cảm thấy no bụng. Một nghiên cứu năm 2015 đăng tải trên tạp chí Obesity cho thấy, uống 473ml nước nửa tiếng trước khi ăn trong vòng 12 tuần giúp người béo phì cắt giảm tổng lượng calo hấp thụ và sụt nhiều hơn 1,2kg so với người chỉ sử dụng biện pháp hình dung mình đã no bụng trước khi ăn.
Giấc ngủ dường như ở thế đối lập so với việc giảm cân nhưng thực tế, nó lại cực kỳ quan trọng. Một phân tích quy mô lớn năm 2008 trên nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa tình trạng thiếu ngủ và nguy cơ cao bị béo phì. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2013 đăng tải trên tạp chí Nature Communications phát hiện ra, não thực sự phản ứng với đồ ăn vặt chứa đường và muối trong tình trạng người đó thiếu ngủ theo hướng khiến chúng ta thèm ăn nhiều hơn.
3. Cố gắng quá sức
Chuyên gia Marie Spano cho biết: “Sai lầm lớn nhất mà tôi thấy mọi người mắc phải là ăn kiêng suốt cả ngày. Lúc đầu, họ hạn chế lượng calo hấp thụ càng nhiều càng tốt và sau đó, lại rơi vào tình trạng quá đói khiến thời gian còn lại trong ngày, họ có xu hướng ăn quá nhiều”. Cố gắng ăn ngon miệng đồng thời đảm bảo đồ ăn tốt cho sức khỏe suốt cả ngày từ những nguồn như thịt nạc, chất béo tốt và chất xơ.
Rất nhiều người “đi từ 0 đến có” – làm suy kiệt chính mình khi bắt đầu một chế độ ăn kiêng mới chỉ trong vòng 1-2 ngày. Thay vào đó, hướng tiếp cận 85/15 sẽ là lựa chọn phù hợp và an toàn. Bạn ăn uống hợp lý trong khoảng 85% thời gian và cho phép bản thân thoải mái một chút trong khoảng 15% thời gian còn lại.
Một số người mới chỉ ăn thứ gì đó không tốt đã lập tức cho rằng, đoàn tàu bị chệch bánh và họ đơn giản là từ bỏ luôn. Nhưng nếu bạn lên kế hoạch cho những thời điểm tự nuông chiều bản thân, chỉ cần xếp nó vào mục 15% thoải mái và tiếp tục tiến bước.
4. Không có cái nhìn thực tế về cơ thể mình
Một số người có thể thon thả hơn những người khác, đó là thực tế cuộc sống. Tạng người của bạn (người gầy, người mập và người có cơ bắp săn chắc) sẽ quyết định tốc độ cũng như số cân nặng bạn có thể (và nên) giảm. Ví dụ, bạn có tạng người có cơ bắp săn chắc, bạn có thể luôn nặng cân hơn người tạng gầy vì đơn giản là cơ bắp nặng hơn. Hiểu về tạng người mình là yếu tố thiết yếu giúp bạn thấy hài lòng với kết quả đạt được.
Ngoài ra, hãy lưu ý rằng, giảm cân không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sức khỏe tốt lên. Tất nhiên, nếu bạn béo phì, bạn sẽ thấy những lợi ích hiển nhiên của việc giảm cân. Nhưng việc tìm ra một chỉ số trọng lượng mà bạn cảm thấy hài lòng và hoàn toàn có thể vận hành cuộc sống của mình một cách thuận lợi, hiệu quả có ý nghĩa hơn nhiều so với việc suốt ngày bị ám ảnh vì cái cân.
Theo Trí Thức Trẻ