Bộ Công an vừa ban hành dự thảo lần 5 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong dự thảo, đáng chú ý là đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) hạng B xuống còn 5 năm.
Theo đó, khoản 9 Điều 46 của dự thảo quy định giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không thời hạn.
GPLX hạng B2 hiện nay có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Ảnh: V.P.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết hiện nay GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi tài xế đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX có thời hạn 10 năm.
GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm. Các hạng GPLX ôtô khác có thời hạn 5 năm, tuy nhiên các hạng khác số lượng không nhiều mà chủ yếu là bằng lái hạng B1 và B2.
“Ở một số quốc gia, quá trình đổi bằng lái cần phải trải qua việc học, sát hạch những điều luật mới và kiểm tra sức khỏe đối với tài xế. Nếu chúng ta đổi bằng lái mà chỉ đến làm thủ tục hoặc khám sức khỏe như hiện nay thì không phát huy hiệu quả”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng nhấn mạnh việc thay đổi thời hạn bằng lái sẽ có tác động đến hàng triệu người, nếu thực thi cần tính đến phương án giảm thủ tục, phiền hà cho người dân.
Trong khi đó, theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay.
Thông tin về việc thay đổi thời hạn GPLX, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang trong quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ cân nhắc những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện bộ luật này trước khi chính thức trình Chính phủ.
Theo Zing