Sự việc “Ông Hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng ngậm ngùi “trắng tay” tại Lễ Trao giải MTV EMAs 2017 vừa qua đã làm dấy lên sự bức xúc của chính nam ca sĩ cũng như toàn bộ ê kíp và người hâm mộ Việt Nam - đặc biệt là những người đã dồn sức ủng hộ Đàm Vĩnh Hưng tại đấu trường quốc tế này.
Tuy nhiên, bản chất thật sự của danh hiệu Best South East Asian Act là gì? Liệu nó có thực sự lớn và vinh dự đến mức khán giả Việt Nam phải “phát cuồng” lên vì giải thưởng này?
Một danh hiệu “chia đều cho 32 nhà cùng vui”
Khó có thể phủ nhận sức hút và danh tiếng của Lễ Trao giải Âm nhạc Châu Âu của MTV - MTV Europe Music Awards (viết tắt là MTV EMAs hoặc đơn giản hơn là EMAs), vốn được xem là chị em họ hàng của MTV VMAs danh tiếng tại Mỹ. Lễ trao giải EMAs đầu tiên diễn ra vào năm 1994 và được tổ chức thường niên vào khoảng thời gian gần cuối năm tại một nước Châu Âu khác nhau.
Tính đến nay, Lễ trao giải đã có thâm niên hơn 2 thập kỉ và đã từng chứng kiến rất nhiều cái tên nổi tiếng góp mặt trên sân khấu trao giải: Madonna, Beyoncé, Britney Spears, Christina Aguilera cho đến Lady Gaga, Katy Perry, Rihanna…
Beyoncé tại MTV EMAs 2009 tại Berlin.
Lễ trao giải MTV EMAs 2017 được tổ chức tại Nhà thi đấu Wembley Arena vào ngày 12/11 vừa qua, với nữ ca sĩ Rita Ora giữ vai trò host cho lễ trao giải năm nay. Bên cạnh các hạng mục chính như Ca khúc xuất sắc nhất thuộc về There’s Nothing Holdin’ Me Back của Shawn Mendes, Video xuất sắc nhất thuộc về Humble của Kadrick Lamar, Nghệ sĩ xuất sắc nhất gọi tên Shawn Mendes, Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất thuộc về Dua Lipa thì năm nay không thể thiếu chừng… hơn 30 giải thưởng khu vực được phân bố rộng khắp trên thế giới.
Rita Ora đóng vai trò chủ nhà của EMAs 2017.
Thật vậy, ngoài các hạng mục chính tương đối nổi tiếng thì theo truyền thống, MTV EMAs cũng sẽ trao thêm hàng chục giải thưởng cho các nghệ sĩ khắp thế giới. Hạng mục này được gộp chung lại thành một cái tên khá mĩ miều là đề cử khu vực với sơ sơ khoảng… 32 hạng mục, phân bố rộng khắp thế giới. Dường như với hạng mục giải thưởng này, ban tổ chức lễ trao giải muốn cho “cả làng đều vui”, ai ai cũng có giải thưởng đem về!
Lễ trao giải MTV EMAs năm nay có thêm 32 hạng mục chia đều cho khắp nơi trên thế giới.
Bạn tưởng rằng Best South East Asian Act - Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất là một thứ gì đó ghê gớm lắm? Nhưng quả thật, đa số khán giả thế giới sẽ… chẳng ai bận tâm nhiều đến hạng mục này, ngoại trừ khán giả tại chính khu vực mà giải thưởng được trao!
Để xem nào, bên cạnh hạng mục Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất còn có sự góp mặt của hàng tá giải thưởng tương tự, có thể kể đến: Nghệ sĩ người Anh xuất sắc nhất, Nghệ sĩ người Đan Mạch xuất sắc nhất, Nghệ sĩ người Israel xuất sắc nhất, Nghệ sĩ Nam Châu Mỹ Latinh xuất sắc nhất, Nghệ sĩ Châu Phi xuất sắc nhất v…v…
Ngoại trừ những nghệ sĩ đã vươn ra tầm quốc tế thì phần lớn những tên tuổi thắng giải chỉ có khán giả tại quốc gia, khu vực đó biết đến mà thôi. Khi hỏi đến đa số khán giả thế giới thì chắc chắn họ sẽ nhìn những cái tên lạ hoắc ấy một cách đầy ngán ngẩm.
Giải thưởng hay chỉ là chiêu trò để tăng sự chú ý của EMAs?
Đây là một chiêu bài khá thông minh của ban tổ chức MTV EMAs vì sức hút của lễ trao giải sẽ lan rộng khắp thế giới, khắp tất cả châu lục, quốc gia lớn nhỏ vì tiêu chí trao giải không nằm ở một hội đồng chuyên môn cố định mà sẽ dựa vào lượng bình chọn của khán giả tại khu vực đó.
Và tất nhiên, ở mỗi quốc gia có nghệ sĩ được đề cử, chắc chắn người dân sẽ tích cực bầu chọn cho nghệ sĩ quê nhà vì phần đông khán giả vẫn tưởng rằng, đoạt được giải thưởng này là một điều gì đấy vô cùng lớn lao, là một niềm vinh hạnh của đất nước, thậm chí… góp phần đưa tên tuổi của ca sĩ nước mình sánh vai với các siêu sao quốc tế.
Với cách thức đơn giản này cũng như dựa vào tiếng tăm là một giải thưởng âm nhạc quốc tế tương đối hoành tráng và có thâm niên nhiều năm, EMAs đã lan tỏa và phủ sóng khắp mọi nơi trên thế giới mà không phải tốn quá nhiều công sức vào việc quảng bá. Câu hỏi được đặt ra, khi nhận được giải thưởng EMAs cho những hạng mục như thế này, thì nghệ sĩ thắng giải sẽ nhận được gì?
Dù rất nổi tiếng tại quê nhà nhưng trên thế giới mấy ai biết được nghệ sĩ đã thắng giải “Nghệ sĩ Châu Phi xuất sắc nhất”?
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với nữ ca sĩ nổi tiếng tại Ấn Độ. Trên đây là tấm poster kêu gọi fan tại Ấn Độ bình chọn cho cô tại EMAs năm nay.
Ngoài việc tên tuổi và tiếng tăm tại quê nhà (và chỉ tại duy nhất quê nhà) sẽ tăng lên đáng kể thì đại đa số trường hợp sẽ nhận quả đắng. Thứ nhất, với một hạng mục giải thưởng có thể tạm gọi là hạng mục giải ao làng thì đừng mơ một ngày giải thưởng đó sẽ giúp nghệ sĩ vươn ra biển lớn, chạm đến ngưỡng ngôi sao quốc tế. Thứ hai, tại lễ trao giải EMAs, chỉ những hạng mục chính, với những đề cử là các ngôi sao Hollywood mới có cơ hội được xướng tên tại đêm trao giải.
Nếu muốn thông báo hết trọn vẹn danh sách đề cử và thắng cử cho tất cả các hạng mục lớn nhỏ, lễ trao giải chắc phải kéo dài… khoảng hai ngày. Bên cạnh đó, bạn cần là một nghệ sĩ đẳng cấp thế giới thì bạn mới hi vọng ban tổ chức trải thảm đỏ để mời bạn biểu diễn trên sân khấu.
Các giải thưởng phụ chỉ được giới thiệu rất qua loa bên lề đêm trao giải. Các giải thưởng phụ đã không được đề cao thì chắc chắn các giải thưởng khu vực lại trở nên thảm hại hơn, đôi khi chỉ là dòng thông báo cụt ngủn trên website.
Đàm Vĩnh Hưng cùng các đối thủ của anh tại EMAs năm nay.
Dù có nói thế nào đi chăng nữa, thì Best South East Asian Act chỉ là một giải ao nhà không hơn không kém, được ban tổ chức lễ trao giải lập ra một cách vô thưởng vô phạt. Danh hiệu thì nghe rõ kêu nhưng sự thật đằng sau nó sẽ khiến cho rất đông khán giả chưng hửng và thất vọng.
Thông báo ngắn gọn, không kèn không trống trên website của lễ trao giải
MTV đừng “dệt mộng” cho nghệ sĩ Việt Nam nữa!
Chắc hẳn khán giả Việt Nam đều nhớ bài học khá chua xót của nữ ca sĩ Đông Nhi. Mặc dù cô là người chiến thắng chính thức hạng mục Best South East Asian Act năm 2016, nhưng cô chỉ đành ngậm ngùi nhận giải trong hậu trường, không xuất hiện trên thảm đỏ, xuất hiện trên sân khấu đêm trao giải lại càng không, chỉ một thông báo ngắn gọn chỉ làm duy nhất khán giả Việt Nam quan tâm.
Và tất nhiên, không chỉ Đông Nhi và khán giả Việt Nam có cảm giác hụt hẫng ấy. Hãy thử đặt vị trí mình vào một nghệ sĩ nước khác cũng vừa thắng hạng mục tương tự như Đông Nhi - người hâm mộ tại quốc gia ấy chắc chắn cũng sẽ trải qua cảm giác tương tự như khán giả Việt Nam thôi. Đến cả thảm đỏ còn lo không xong, MTV đừng “dệt mộng” cho nghệ sĩ Việt Nam nữa!
Cả Mỹ Tâm cũng như Sơn Tùng M-TP dường như đã tinh ý phát hiện sự thật đằng sau danh hiệu đầy hào nhoáng này nên đều quyết định không đến lễ trao giải, mặc dù cả 2 đều đoạt giải vào các năm 2014 và 2015. Và tất nhiên điều này hoàn toàn không hề ảnh hưởng gì đến danh tiếng cũng như sự thành công của cả hai.
Thiết nghĩ, đây cũng là một bài học khá đắng cay với Đàm Vĩnh Hưng. Cả sự nghiệp anh đã cống hiến không ngừng nghỉ với rất nhiều giải thưởng ghi nhận, thì thôi… anh cần chi một giải thưởng như Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất nữa, nghe thì có vẻ hoành tráng thật đấy, nhưng sự thật vẫn là sự thật: Đó chỉ là một hạng mục giải thưởng “vui là chính” mà ban tổ chức MTV EMAs cố tình đặt ra cho thêm phần sôi động trong thời buổi “toàn cầu hóa” mà thôi.
Dù kết quả có như thế nào cũng chẳng thể ảnh hưởng đến tiếng tăm “Ông Hoàng nhạc Việt” của Mr. Đàm tại Vpop.
Dừng chân ở MTV EMAs chả phải là một việc gì lớn lao, vẫn còn những giải thưởng uy tín trong khu vực đang rất cần nghệ sĩ Việt “công phá” và tạo nên bước chuyển mình mới cho nhạc Việt, như MAMA là một ví dụ.
Theo Saostar