Dù có cơ hội đặt chân tới nhiều vùng đất trên thế giới, nhưng anh Minh, hiện là giảng viên trường Đại học Hutech TPHCM, vẫn dành nhiều tình cảm với Trung Quốc vì mê nền văn hóa, cảnh sắc nơi đây.
Anh Minh trong chuyến đi Busan, Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).
Tính tới thời điểm hiện tại, vị khách đến từ TPHCM này đã đặt chân tới hàng loạt địa danh nổi tiếng, từ Quảng Châu, Thâm Quyến, Hong Kong, Phúc Kiến, Chiết Giang, cho tới vùng Thượng Hải, Hồ Nam, Cao Túc, hay Tân Cương và Tây Tạng...
Nhưng với anh Minh, chuyến đi mang tới nhiều cảm xúc nhất là hành trình kéo dài 15 ngày đi Bắc Cương và Nam Cương, trong đó, Hỏa Diệm Sơn là điểm đến hào hứng nhất bởi địa danh này gắn liền với ký ức tuổi thơ của anh cũng như rất nhiều người Việt.
Anh Minh đặt chân tới Hỏa Diệm Sơn (Ảnh: NVCC).
Hỏa Diệm Sơn là một trong những địa danh có thật ngoài đời, được cố nhà văn Ngô Thừa Ân nhắc tới trong tác phẩm kinh điển "Tây Du Ký".
Trong truyện, Hỏa Diệm Sơn được hình thành khi Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung, đập vỡ một lò luyện đan khiến tàn lửa rơi xuống trần gian.
Còn ngoài đời thực, đây là vùng đồi sa thạch màu đỏ cằn cỗi và bị xói mòn, thuộc dãy Thiên Sơn ở Tân Cương Trung Quốc. Địa danh này nằm gần rìa phía bắc của sa mạc Taklamakan và ở phía đông của thành phố Turfan (Thổ Lỗ Phiên).
Các rãnh có hình dạng ấn tượng ở Hỏa Diệm Sơn được tạo thành do sự xói mòn của nền đá sa thạch đỏ, khiến dãy núi như "bùng cháy" vào thời điểm nhất định trong ngày.
"Xem Tây Du Ký, nhiều người chắc hẳn không thể quên được cái nóng kinh khủng được mô tả rất rõ nét. Nhưng khi tôi đặt chân tới vùng đất này vào tháng 8, nhiệt độ không quá gay gắt như vậy. Dù ngoài trời nhiệt kế chỉ 50 độ C, nhưng khí hậu khô nên du khách không thấy khó chịu", anh Minh nhớ lại.
Cột nhiệt kế ngoài trời cao khoảng 12m (Ảnh: NVCC).
Một trong những nhiệt kế ngoài trời lớn nhất ở Trung Quốc đặt tại đây, nằm liền kề với dãy núi. Khách du lịch tới Hỏa Diệm Sơn có thể theo dõi nhiệt độ qua nhiệt kế khổng lồ cao 12m này.
Hành trình 15 ngày của anh Minh xuất phát từ thành phố Vu Hồ thuộc tỉnh An Huy, nên chi phí phát sinh khoảng 7.000 tệ (24 triệu đồng).
Chi phí này bao gồm vé xe lửa khứ hồi, 5 đêm ở khách sạn, ăn uống và du lịch các điểm gần thành phố Urumqi. 8 ngày tiếp theo, anh đi theo tour dài.
Du khách trải nghiệm ở vườn nho. Đây cũng là đặc sản của vùng đất Tân Cương (Ảnh: NVCC).
"Tới Hỏa Diệm Sơn, tốt nhất du khách nên chọn mua tour nội địa, chỉ tốn khoảng 300 tệ cho một người đi từ sáng tới tối. Nếu khách muốn đi tự túc sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, từ tiền vé xe, vé cổng vào", anh Minh cho biết.
Sau khi tham quan chụp hình ở Hỏa Diệm Sơn, du khách sẽ bắt gặp một ốc đảo có hồ nước, cây cối xanh tốt nổi lên giữa vùng hoang mạc nóng bức. Đó là Bồ Đào Câu.
Ở vùng đất hoang mạc khô cằn này nhưng người dân vẫn tạo ra nhiều sản vật quý. Các loại hoa quả như nho, dưa trồng ở đây nổi tiếng ngon ngọt, trở thành đặc sản của Trung Quốc. Thậm chí, du khách ra vườn dùng kéo cắt có thể thưởng thức luôn mà không cần rửa.
Vậy ở nơi cằn cỗi nóng quanh năm, Bồ Đào Câu lấy đâu ra nước để tưới tiêu?
Theo hướng dẫn viên du lịch địa phương, anh Minh cùng đoàn du khách được đưa tới hệ thống giếng ngầm Karez để giải đáp thắc mắc.
Bên trong hệ thống giếng ngầm Karez (Ảnh: Sohu).
Đây là một hệ thống các đường nước ngầm phía dưới mặt đất, nhằm tránh sự bốc hơi vì nhiệt độ vào mùa hè ở đây rất cao có thể lên đến 70 độ C.
Công trình cổ đại với tuổi đời hơn 2.000 năm này được thiết kế theo hướng dốc từ các chân núi tuyết cao dẫn xuống vùng thấp hơn, kết nối với nhau.
Sau đó, các đường nước này theo dốc đổ về giếng trung tâm ở vùng thấp như Bồ Đào Câu ở chân Hỏa Diệm Sơn tạo thành ốc đảo xanh. Bên trên các đường ngầm dẫn nước sẽ có các giếng đứng lộ thiên dùng để thông khí và bảo trì công trình khi gặp sự cố.
"Hướng dẫn viên du lịch cho biết, để đào được hệ thống giếng ngầm này, người xưa phải quỳ để đào. Tài liệu ghi lại, tuổi thọ của những thợ đào giếng không quá 30. Với chiều dài hơn 5.000km, giếng ngầm Karez nằm dưới lòng đất. Tôi thực sự choáng ngợp khi được tận mắt chiêm ngưỡng", anh Minh mô tả.
Theo kinh nghiệm của anh, du khách tới thủ phủ Tân Cương nên mua tour trong ngày tới các địa danh với chi phí khoảng 1 triệu đồng. Thời gian di chuyển từ 8h đến 21h vì mùa hè ở đây mặt trời lặn rất muộn. Nếu đi theo nhóm và chia chi phí mỗi người sẽ không quá đắt.
"Đến Tân Cương sẽ có đặc sản táo đỏ, quả óc chó và nho khô rất thích hợp để mua về làm quà. Ngoài ra du khách có thể ăn sữa chua, bánh Nang với súp thịt cừu, thịt nướng nhâm nhi cùng bia Wusu hoặc nếm thử loại bia lên men có tên Kvas của người Duy Ngô Nhĩ", vị khách đến từ TPHCM cho biết.
Theo Dân Trí