Dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời trong những tháng mùa hè có thể gây khó khăn với những người thường xuyên đeo kính áp tròng (lens mắt). Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gió và bụi bẩn nhiều hơn có thể khiến mắt đỏ, khó chịu, nóng rát, thậm chí hơi châm chích, đau nhức.

Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho mắt cũng như tạo sự thoải mái khi đeo kính áp tròng, mọi người nên lưu ý một số vấn đề.


Vừa đeo kính áp tròng, vừa đeo kính râm khi ra ngoài

Đeo kính râm vào mùa hè có thể giúp đôi mắt cảm thấy thư giãn và dễ chịu. Kính râm được thiết kế để bảo vệ mắt khỏi các tia cực tím có hại đến từ mặt trời. Chỉ cần đảm bảo rằng chúng là tròng kính chống tia UV.

Trong khi đó, đeo kính áp tròng, mắt có thể bị đau sau khi tiếp xúc với nắng, cát và gió suốt cả ngày. Hơn nữa, ngay cả khi đeo kính áp tròng có khả năng chống tia cực tím cũng không thể thay thế cho loại kính râm chống tia UV. Vì khi đeo kính áp tròng mà không đeo kính râm, mí mắt và phần xung quanh mắt của bạn vẫn có thể bị tổn thương từ các yếu tố như gió, nắng, bụi,...

Do đó, kết hợp lens mắt chặn tia UV với kính râm là một cách cực kỳ dễ dàng để tăng gấp đôi tăng khả năng chống tia cực tím và giảm tác động làm khô mắt từ môi trường.
 

Đeo kính áp tròng vào mùa hè có tốt không, đeo thế nào cho đúng?-1
Ảnh minh họa


Nên dùng kính áp tròng sử dụng một lần

Đối với những người mắt nhạy cảm, dễ dị ứng nên cân nhắc lựa chọn kính áp tròng một lần hoặc các loại kính áp tròng dành riêng cho những người có tình trạng khô mắt. Bởi các loại kính áp tròng dùng nhiều lần thường có khả năng bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn,... cao hơn. Các yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ gây hại và tổn thương đến mắt. Tuy nhiên, nếu chưa thể thay thế sang kính áp tròng dùng một lần, người dùng nên chú ý vệ sinh kính thường xuyên sau mỗi lần sử dụng.
Không nên đeo kính thường xuyên

Kính áp tròng là thiết bị y tế được đo đạc và thiết kế cẩn thận để phù hợp với từng đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, đeo kính áp tròng thường xuyên có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của các tế bào trong mắt, dễ gây trầy xước giác mạc, nguy hiểm hơn gây viêm loét giác mạc và làm giảm thị lực.

Vì vậy, người dùng nên đưa ra kế hoạch đeo lens hợp lý, chỉ đeo khoảng vài ngày một tuần. Vào những ngày làm việc trong nhà, chỉ nên đeo kính thường để mắt được nghỉ ngơi, vì đối với những người đeo kính áp tròng, nguy cơ nhiễm trùng mắt thường cao hơn bình thường.
Không đeo kính áp tròng khi đi ngủ

Sau một ngày dài đeo kính áp tròng và chịu tác động như bụi, gió, ánh nắng,... mọi người nên nhớ phải tháo gỡ kính sau khi trở về nhà, đặc biệt khi đi ngủ. Theo CDC Mỹ, nếu đeo kính áp tròng khi đi ngủ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt lên gấp 6 đến 8 lần.
 

Đeo kính áp tròng vào mùa hè có tốt không, đeo thế nào cho đúng?-2
Ảnh minh họa


Không đeo kính áp tròng khi đi bơi

Khi đi bơi, nhiều người không muốn đeo kính vì bất tiện, dễ rơi mất nên sử dụng kính áp tròng để thay thế. Tuy nhiên, hành động này vô cùng nguy hiểm cho mắt.

Thông thường, các hồ bơi được khử trùng với lượng clo cao, là nơi có thể tồn tại ký sinh vật acanthamoeba - một loại amip có thể gây nhiễm trùng mắt, dẫn tới tình trạng viêm loét giác mạc mắt. Vòi sen và bồn tắm nước nóng cũng có thể là nơi ẩn náu của sinh vật này.

Ngoài ra, acanthamoeba còn được tìm thấy với nồng độ cao hơn ở các sông và hồ nước đọng, ấm áp, nhưng không được tìm thấy phổ biến trong nước biển. Mặc dù loại nhiễm trùng này rất hiếm gặp, nhưng đeo kính áp tròng trong nước là một yếu tố rủi ro.
Dùng thuốc nhỏ mắt thường xuyên khi đeo kính áp tròng

Mắt khô hay đau mỏi là tình trạng thường gặp khi đeo kính áp tròng trong thời gian dài. Vì vậy, duy trì thói quen nhỏ thuốc mắt từ 2 đến 3 lần khi đeo kính áp tròng sẽ giữ cho kính áp tròng ngậm nước, giữ cho mắt cảm thấy thoải mái và duy trì thị lực rõ ràng. Sau khi tháo kính áp tròng việc vệ sinh mắt lại một lần nữa cũng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, không phải loại nước nhỏ mắt nào cũng tương thích với kính áp tròng và mắt của từng người. Do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thuốc nhỏ phù hợp.

Theo Gia đình Việt Nam