Phát hoảng với nồng độ clo (clorua vôi) quá cao trong bể bơi làm xỉn đen lắc bạc

Bước sang mùa hè nắng nóng, anh T. (Hà Nội) sốt sắng cho con gái đi học bơi. Anh kể, thời điểm mùa hè nóng nực chính là lúc tuyệt vời nhất để con anh sẵn sàng yêu thích việc học bơi lội. Thế nên vào mấy ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, anh T. đã đưa con đi học bơi.

Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, bể bơi đông người hơn bao giờ hết. Sự đông vui ấy càng khiến con gái anh rất thích thú trong việc bơi lội. Tuy nhiên, mới sang hôm thứ hai cho con đi học bơi thì dây lắc bạc của con anh chuyển màu, đen xỉn lại chỉ sau 1 tiếng bơi. Điều ấy khiến anh cảm thấy vô cùng lo ngại về nồng độ clo trong bể bơi có thể gây hại cho sức khỏe của con mình.
 


 

Có thể nói, mùa hè là mùa tuyệt vời nhất để những bể bơi lên ngôi. Nắng nóng khiến con người ta cảm thấy mệt mỏi thì việc ngồi điều hòa, đi bơi lội, uống nước lạnh… luôn là những ưu tiên hàng đầu. Trong đó, việc đi bơi lội không chỉ giúp bạn cảm thấy mát mẻ, sảng khoái mà còn giúp tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai. Chính vì vậy, vào đợt nắng nóng vừa rồi, chị Ngân (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng không bỏ bất cứ một buổi đi bơi nào.

"Tuy nhiên, chỉ mới đi bơi được 3 buổi mình đã cảm thấy có gì đó không ổn. Mùi clo trong bể bơi nồng nặc, bám vào da thịt, cho đến khi lên bờ tắm rửa sạch sẽ rồi nhưng vẫn thấy có mùi thoang thoảng. Điều ấy khiến mình khá lo ngại, không biết có gây hại gì cho sức khỏe không", chị Ngân bày tỏ lo lắng.

Vậy nồng độ clo cho phép trong bể bơi là bao nhiêu? Nồng độ clo vượt quá mức cho phép có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nguy hiểm nào? Chúng ta hãy cùng nghe chuyên gia lý giải ngay dưới đây!
 


Việc đi bơi lội không chỉ giúp bạn cảm thấy mát mẻ, sảng khoái mà còn giúp tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai.
 

Nồng độ clo trong bể bơi – vấn đề mà bất cứ ai đi bơi cũng không được bỏ qua

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), hiện nay, ở các bể bơi thường sử dụng clorua (clo) hoặc dung dịch Zavel để khử trùng, tẩy rửa bể bơi. "Mặc dù đây là những loại chất có khả năng khử trừ vi khuẩn rất hữu ích nhưng cũng có những tác dụng phụ đáng sợ", chuyên gia cảnh báo.

Theo đó, mùi của những loại hóa chất này đều rất khó chịu, sử dụng ở nồng độ cao sẽ gây khó thở. Clorua vôi khi sử dụng ở hàm lượng vượt mức cho phép còn có khả năng gây kích ứng da, khiến da bị ngứa, rát.

Chuyên gia cho biết, để tránh gây bệnh, lượng clo dư trong bể bơi cần ở mức tối thiểu là 1mg/l, tối đa là 3mg/l và mức lý tưởng nhất là trong khoảng hơn 1mg/l đến dưới 3mg/l.
 


Clorua vôi trong bể bơi nếu vượt hàm lượng cho phép có khả năng gây kích ứng da, khiến da bị ngứa, rát.
 

Bên cạnh hàm lượng clo được phép cho vào bể bơi, độ pH cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nếu pH quá thấp, các thiết bị trong bể dễ bị ăn mòn, giảm hiệu quả của máy lọc, dẫn đến rát da, xót mắt. Nếu pH quá cao sẽ dẫn đến nước đục, xử lý không hiệu quả, tốn kém trong việc làm sạch bể, đồng thời cũng ảnh hưởng đến da, mắt. Do đó, độ pH đảm bảo trong bể bơi cũng là tiêu chí đáng được quan tâm. Độ pH đạt chuẩn nằm trong khoảng 7,2; 7,6. Ở mức độ này, nước sẽ trong, dễ duy trì, tiết kiệm được hóa chất bảo dưỡng hồ bơi.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, bể bơi đạt chất lượng phải đảm bảo được thay nước thường xuyên, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần mỗi tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất.

"Bể bơi hiện nay ở Việt Nam nói chung vẫn còn là một dấu hỏi lớn về việc đảm bảo chất lượng vì qua kiểm tra của các cơ quan chức năng vẫn phát hiện những bể bơi không đảm bảo", PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định.
 


Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, bể bơi đạt chất lượng phải đảm bảo được thay nước thường xuyên, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định.
 

Để bơi lội an toàn sức khỏe, bể bơi cần phải được kiểm tra nồng độ clo và pH chuẩn trong hồ trước khi sử dụng. Thời gian kiểm tra đảm bảo chất lượng bể bơi là 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi chiều tối để xem clo và pH đã hao hụt bao nhiêu và bổ sung liều lượng hợp lý, tránh quá nhiều, gây hại sức khỏe.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tật qua bể bơi, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, các bể bơi cần yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm quy định tắm nước sạch trước khi lên, xuống bể bơi để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. Mỗi người đi bơi cũng cần nâng cao ý thức cộng đồng như không xuống bể bơi nếu đang mắc bệnh, nhiễm khuẩn. Nếu muốn đi vệ sinh thì đừng ngại lên bờ. Khi đi bơi cần sử dụng kính bơi chặt, tránh nước bể xâm nhập vào mắt. Tắm nước sạch trước và sau khi bơi xong, vệ sinh mắt, tai bằng thuốc nhỏ mắt, bông tăm để tránh lây nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm. Bể bơi có nước trong, không có mùi hóa chất là đảm bảo. Nếu bể bơi đục hoặc sực mùi hóa chất thì chưa đảm bảo chất lượng, bạn không nên bơi ở những nơi như vậy.
 

Theo Trí Thức Trẻ