Người em của tôi, đang kinh doanh dịch vụ homestay ở một điểm du lịch nổi tiếng miền Trung, tâm sự rằng nhân viên của cậu ấy sợ nhất phục vụ khách nội, có những trường hợp thậm chí còn gây ám ảnh.
“Hình như nhiều du khách muốn cảm thấy từng đồng tiền họ bỏ ra là đáng giá bằng cách gây tốn kém triệt để cho người cung cấp dịch vụ, cả về vật chất và sức lực”.
Kiểu "tận thu" hay gặp nhất là vẫn để máy điều hòa chạy ro ro cả buổi khi cả nhà ra ngoài. Có lẽ những vị khách này muốn khi họ trở về thì căn phòng đã sẵn sàng chờ đón trong trạng thái mát lạnh, không mảy may xót ruột khi nghĩ đến số tiền điện oan uổng mà homestay phải trả, hay tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra nhiều nơi trong những đợt cao điểm nắng nóng.
Trong khi đó, có thể chính họ từng thấm thía nỗi khổ bị cắt điện trong mùa hè, và phẫn nộ kêu ca rất nhiều khi điều đó xảy ra.
Khách sạn thành bãi rác khi du khách trả phòng. Những bức ảnh này từng khiến nhiều cư dân mạng bất bình.
Chủ homestay nói trên cho tôi biết, mới đây cậu ấy đối phó với tình trạng này bằng cách chỉ giao cho mỗi phòng một khóa thẻ từ duy nhất thay vì 2 cái như thường lệ. Nếu ra khỏi phòng, họ buộc phải lấy khóa từ ra khỏi ổ cắm và điện tự động ngắt.
Thay đổi này khá bất tiện vì nếu có người ở lại trong phòng, những người khác không thể cầm theo thẻ ra ngoài để chủ động mở cửa khi quay lại. Dù vậy, đây là giải pháp khả dĩ nhất hiện thời, khi có nhiều vị khách muốn phung phí điện bất chấp.
Homestay này cũng đang tìm hiểu để học hỏi một số resort, khách sạn cách hạn chế tình trạng vừa mở cửa vừa bật điều hòa: Máy lạnh sẽ tự động tắt nếu cửa được hé ra ở mức độ nhất định.
"Đằng nào cũng phải trả chừng ấy tiền, giá phòng đắt như vậy, tội gì" - là lý do mà nhiều du khách dùng để biện minh cho hành động xả rác đầy phòng, vứt đủ thứ vào bồn cầu khách sạn.
Cũng với suy nghĩ đó, họ không ngại lau bàn tay dính thức ăn vào rèm cửa, ném khăn tắm trắng muốt xuống sàn và sử dụng nó như giẻ chùi chân, bóc hết các gói đồ dùng nhà tắm dù không cần đến; lấy đồ ăn thức uống vô tội vạ từ các quầy buffet rồi bỏ mứa...
Những đĩa thức ăn bị bỏ mứa, phải cho vào thùng rác là cảnh thường thấy ở nhà hàng buffet của nhiều khách sạn.
"Em thường xuyên chứng kiến cảnh khách 'phi tang' chỗ thịt thà, hải sản, bánh trái mà họ lấy quá nhiều, không ăn nổi bằng cách cắt ra rồi chia sang các đĩa bẩn chưa kịp dọn trên bàn, coi như rác", một nhân viên nhà hàng khách sạn 4 sao tại Nha Trang từng chia sẻ với tôi như vậy.
Chúng ta rất dễ dàng bắt gặp kiểu hành xử "mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng" ấy trong các nhà hàng, ở những vị khách lạm dụng tư cách "thượng đế" của mình để hành nhân viên phục vụ tới số: Bắt họ chạy đi chạy lại nhiều lần để lấy khi thì đĩa muối, khi thì quả ớt, lúc lại miếng chanh thay vì yêu cầu một lần cho người ta đỡ vất vả; lợi dụng tâm lý sợ bị mất việc, trừ lương của họ để hơi một tí thì quát nạt, hơi một tí thì đòi gặp quản lý hay dọa bóc phốt trên mạng, dọa vote 1 sao trên Facebook…
Phải chăng khi làm khó người cung cấp dịch vụ như vậy, người ta sẽ đỡ tiếc đồng tiền mình phải bỏ ra, hay cảm thấy được an ủi hơn khi người khác cũng phải chịu tốn kém?
Nhưng suy cho cùng, nạn nhân của hành động “đâm thủng mâm” ấy đâu chỉ có nhà hàng, khách sạn. Sâu xa và lâu, dài, sự khốn khó, chật vật của phía cung cấp dịch vụ khiến cả nền du lịch bị ảnh hưởng, và ở chiều ngược lại, du khách cũng phải chịu thiệt thòi, không được hưởng dịch vụ chất lượng cao với giá phải chăng.
Và mỗi lần rời đi để lại căn phòng ngập rác với bồn cầu bị tắc, với rèm cửa bị bôi bẩn hay những chiếc khăn tắm vốn trắng muốt bị xéo dưới chân, chúng ta đang để lại dấu vết văn hóa của mình, để lại nỗi buồn thật sâu giống như nỗi buồn và tổn thương của tôi khi nghe cậu em chủ homestay nói: “Sợ nhất là khách nội”.
Theo VTC