Cuộc sống học đường chiếm một phần quan trọng trong tuổi trẻ của mỗi người. Tại nơi này, chúng ta không chỉ học tập mà còn xây dựng những mối quan hệ bạn bè đáng quý.
Tuy nhiên qua thời gian, tình bạn cùng lớp có thể thay đổi, phân chia theo nhiều cấp độ khác nhau. Quãng thời gian Tiểu học và Trung học cơ sở là những năm tháng trong sáng và tươi đẹp nhất, khi mọi thứ đơn giản và chúng ta có thể dễ dàng kết bạn cùng nhau.
Và đến khi bước vào cấp ba và lên Đại học, mọi người bắt đầu có những suy nghĩ riêng, tính toán riêng. Lúc này, tình bạn trở nên lý trí hơn, ít trong sáng và nhiều băn khoăn.
Nhưng dù ở giai đoạn nào, gặp được nhau và kết bạn cùng nhau đã là một loại duyên phận đáng quý mà chúng ta phải trân trọng.
Sau khi bước chân vào xã hội, tìm được công việc phù hợp nhưng nhiều người thường nhớ về những ngày đi học. Điều này không chỉ vì lúc đó cuộc sống chưa có nhiều áp lực mà còn vì họ muốn tìm lại những tình bạn chân thành, không vụ lợi.
Họp lớp có thể xem là cách tốt nhất để thể hiện tình cảm giữa những người bạn cũ, mọi người cùng ôn lại kỷ niệm thú vị, chia sẻ về cuộc sống,...
Tuy nhiên, không phải ai cũng tham gia họp lớp. Có 2 kiểu người luôn hào hứng với mọi "cuộc vui" nhưng có những người luôn lấy lý do từ chối hết lần này đến lần khác.
Điều này dẫn đến "hiện tượng lạ" trong các buổi họp lớp đó là người luôn tích cực sẵn sàng và người thờ ơ chưa bao giờ xuất hiện.
Những người luôn có mặt
Trong mỗi lớp học, luôn có những học sinh nổi tiếng, dễ gần và được mọi người yêu mến. Những người này, dù thành tích học tập có thể không xuất sắc, nhưng luôn là trung tâm, được thầy cô yêu mến, bạn bè tôn trọng trong lớp.
Đầu tiên phải kể đến các cán bộ lớp. Đây là những người từng đóng góp rất nhiều cho lớp học và dù đã ra trường bao nhiêu năm, họ vẫn coi việc tổ chức họp lớp là trách nhiệm của mình.
Họ không chỉ là người liên lạc, lên kế hoạch tự tập mà còn là người điều phối buổi tụ họp để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Và với tích cách tỉ mỉ và chịu khó nên phần lớn các cán bộ lớp thường thành công trong sự nghiệp, và họ tận dụng những buổi họp lớp để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè.
Thứ hai, những người có tính cách vui vẻ, hòa đồng sẽ tích cực tham gia. Những người này thường lạc quan, không bị áp lực công việc và cuộc sống đè nặng.
Ngoài ra, còn có nhóm những bạn học kém khi xưa nhưng nay đã thành công cũng có xu hướng tham gia họp lớp tích cực. Bởi họ muốn thay đổi ấn tượng trong mắt thầy cô và bạn bè cũ.
Vậy nên, sự có mặt của họ mang đến không khí vui vẻ, thân mật cho buổi tụ họp.
Người không bao giờ xuất hiện
Trái ngược với nhóm người luôn tích cực, hoà đồng thì cũng có những bạn không bao giờ tham gia họp lớp với rất nhiều các lý do khác nhau.
Những người này có thể là những người từng học lưu ban, không có mối quan hệ sâu sắc với các thành viên khác. Hoặc cũng có thể là kiểu người sống hướng nội, khép kín không thích sự ồn ào của các buổi tụ họp. Đôi khi cũng có thể họ bận vì lý do công việc nên không thể tham gia.
Và với nhiều lý do khác nhau, những người này thường khó hòa nhập với tập thể, và điều đó tạo nên sự thờ ơ với các bạn cũ, không bao giờ xuất hiện trong các buổi họp lớp.
Bản chất của họp lớp
Họp lớp là dịp để gặp mặt bạn cũ, ôn lại những kỷ niệm thời học sinh, bàn gắn lại những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp mà vì cuộc sống bận rộn nên nhiều người không còn giữ liên lạc với nhau.
Hơn nữa, đây cũng là dịp để chúng ta cùng chứng kiến sự thay đổi của nhau về cả ngoại hình và cuộc sống. Những thay đổi này có thể khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng sau nhiều năm xa cách khi: có người thành công, có người chọn sống bình lặng, có người phát tướng, trông già đi, nhưng cũng có người trẻ hoài không thay đổi,...
Tuy nhiên, không ít buổi họp lớp đã bị biến tướng thành "cuộc đua khoe khoang", xem ai có gia đình hạnh phúc hơn, sống sung sướng hơn, cạnh tranh xem ai kiếm được nhiều tiền hơn. Và chính điều này không chỉ làm mất đi giá trị thật sự của của các cuộc họp lớp, khiến tình bạn ngày càng trở nên xa cách.
Theo Người Đưa Tin