"Con thấy ngượng lắm"

Chị Nguyễn Thu Hồng (41 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) kể rằng cháu trai - con của chị gái ruột nhà chị vừa đỗ vào ngành khoa học máy tính có điểm chuẩn trên 27 tại một trường đại học ở Thủ đô.

Dì mừng cả cây vàng đỗ đại học, cháu từ chối thẳng vì ngượng lắm-1
Mua vàng mừng cháu đỗ đại học, người dì bị từ chối thẳng thừng (Ảnh: Hoài Nam).

Là người thích quy tiền ra vàng, chị Hồng có ý định sẽ mừng cháu thi đỗ đại học với quà tặng là một cây vàng.

Chẳng phải chị "chơi sang" gì mà chị vừa muốn chia vui với cháu về việc đỗ đại học, vừa muốn chia sẻ phần nào gánh nặng đầu năm học cho gia đình anh chị. Người chị gái, mẹ của đứa cháu chính là người đã nuôi chị Hồng ăn học trước đây. 

Vậy nhưng, khi chị Hồng đưa vàng mừng, đứa cháu trai 18 tuổi từ chối thẳng, kiên quyết không nhận. Cháu nói: "Cả lớp con đỗ đại học hết, đỗ đại học có gì đâu mà phải mừng dì ơi. Dì bắt con nhận, con thấy... ngượng lắm!".

Cháu còn cảnh báo, dì mừng cháu đỗ đại học thì sau này dì cũng sẽ phải mừng... 13 đứa cháu ruột thịt còn lại trong nhà vì đứa nào rồi cũng sẽ đỗ đại học, chẳng đứa nào trượt nổi. 

Chưa hết, tân sinh viên này còn nói thêm bạn bè cháu nhiều người đỗ nhưng có người không học mà chọn đi học nghề, có đứa đi xuất khẩu lao động, có đứa ở nhà lấy chồng... 

Cháu cũng chứng kiến nhiều anh chị khóa trước học đại học, có người thành công, có người thất nghiệp, có người đi xuất khẩu lao động... 

"Nhìn thấy rõ điều đó, cháu tôi không muốn nhận quà mừng hay những lời ca tụng vì không muốn gánh áp lực về việc đỗ đại học. Cuối cùng thay cho mục đích mừng cháu đỗ đại học, tôi cho chị gái vàng, tránh việc trao kỳ vọng sang người cháu", chị Hồng cho hay. 

Nhớ lại thời mình thi đại học, chị Hồng không khỏi... ớn lạnh. Với chị và rất nhiều người thế hệ trước, giành suất vào đại học phải gọi là cuộc chiến vô cùng khốc liệt và quá đau thương.

Bản thân chị thi lại năm thứ 2 mới đỗ, một người bạn của chị nhảy cầu tự vẫn vì trượt đại học, nhiều người phải từ bỏ khát vọng được học đại học... Nhiều lắm những câu chuyện đau thương từ lý do trượt đại học.

Dì mừng cả cây vàng đỗ đại học, cháu từ chối thẳng vì ngượng lắm-2
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Công Thương TPHCM (Ảnh: Sơn Thái).

"Khi đó cả trường, cả làng có khi chỉ vài học sinh đỗ đại học. Đỗ đại học thì gia đình sẽ mổ heo làm liên hoan ăn mừng tưng bừng, có khi còn mời luôn cả đám bạn trượt đại học đến dự. 

Còn bây giờ, học sinh chẳng có lối nào để thoát được cảnh... đỗ đại học. Từ xét học bạ, học bạ của nhiều kỳ, nhiều lớp; đến các kỳ thi riêng; các loại chứng chỉ rồi điểm thi tốt nghiệp THPT... Nói không quá, thí sinh chỉ cần lên lớp là đã đỗ đại học", chị Hồng cảm khái. 

Bớt ảo tưởng vào bằng đại học 

Anh Nguyễn Đức Anh (ở Gò Vấp, TPHCM) cho biết, hôm rồi anh và chị em trong nhà hỏi nhau "có mừng cháu đỗ đại học không?". Mọi người cùng cười ồ lên, đỗ đại học giờ có mừng à? 

Bức tranh đỗ đại học hiện nay và thế hệ trước quá khác nhau đã mang đến nhiều cảm xúc ngạc nhiên, khó hiểu cũng như cả những băn khoăn, lo lắng. 

Ở góc nhìn của mình, theo anh Đức Anh, cánh cửa đại học, cơ hội học tập giờ mở rộng với tất cả mọi người. Đây là điều tích cực khi không ai bị bỏ lại phía sau, miễn là có... tiền để học và muốn học. 

Anh Đức Anh cho rằng, có thể nói đại học đang tiến đến lạm phát, phổ cập. Bởi vậy, cũng cần nhìn nhận một cách công bằng, sòng phẳng về bằng đại học. 

Người học phải bớt ảo tưởng, ỷ lại vào bằng đại học. Học đại học giờ chỉ là một lộ trình trong con đường học tập, đòi hỏi mỗi người phải có sự nỗ lực, bứt phá mang tính cá nhân. 

Rồi chính các gia đình cùng cần điều chỉnh về kỳ vọng vào tấm bằng đại học của con cháu. Giờ đây, với tấm bằng, trường các em vẫn có thể không tìm được việc làm, thất nghiệp... Cho đến nhà tuyển dụng cũng sẽ thay đổi cách nhìn, đánh giá dựa vào bằng cấp lâu nay. 

Trong chương trình về tự học hay được dạy, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục IRED - chia sẻ, trước đây để vào được đại học cực kỳ khó, cạnh tranh rất khốc liệt, ai vào được đại học phải nói là "vinh quy bái tổ". 

Dì mừng cả cây vàng đỗ đại học, cháu từ chối thẳng vì ngượng lắm-3
Nhiều cử nhân phải gác bằng để làm việc không cần bằng cấp mưu sinh (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Tâm lý nhiều người, vào đại học xem như xong, có tấm bằng đã là hơn người, tấm bằng khi đó chính là lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Nhưng bây giờ, việc vào đại học quá dễ dàng, phải là "ai không thèm vào đại học thì mới không học đại học". Giá trị của tấm bằng giảm, sự cạnh tranh trên thị trường lao động của người có bằng đại học giảm. 

Ông Trung nhấn mạnh, để đáp ứng được yêu cầu thực tế, mỗi người không thể dựa vào tấm bằng như trước mà phải không ngừng học tập, đại học cũng chỉ là bắt đầu của sự học. 

Theo Dân Trí