'Dị nhân' miền Tây tay không bắt cá 'bách phát bách trúng'

Hơn 10 tuổi, anh Hiếu đã có thể bắt được cá chỉ với bàn tay không. Trưởng thành, biệt tài này trở thành cái nghiệp để anh Hiếu mưu sinh.

Để bắt được cá, người ta phải sử dụng các công cụ hỗ trợ như lưới, cần câu, thậm chí là kích điện. Thế nhưng với "dị nhân" Trần Văn Hiếu ( xã Tân Huế, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), chỉ cần dùng tay đã có thể bắt con nào trúng con đó. 

Anh Hiếu kể trên Dân Trí về những ngày tháng cơ cực của tuổi thơ. Sinh ra trong gia đình vừa nghèo vừa đông con, anh Hiếu phải theo cha làm đủ nghề từ rất sớm, trong đó có cả mò cua bắt cá dưới các kênh rạch, đổi bán lấy gạo. 


Nguồn video: Dân Trí

Từ khi hơn 10 tuổi, anh Hiếu đã có thể bắt được cá chỉ với bàn tay không. Trưởng thành, biệt tài này dần trở thành cái nghiệp để anh Hiếu mưu sinh. 

Bộ đồ nghề của anh Hiếu cũng vô cùng đơn giản gồm chiếc ghe nhỏ, ống thở dài 30m và chiếc rổ đựng cá.

"Hồi trước không có máy chạy ôxy nên tôi hít một hơi thật sâu rồi lặn xuống đáy. Khoảng mấy chục giây gì đó bắt được 1,2 con cá tôi lại ngoi lên mặt nước. Sau này bạn bè thấy cực quá nên sắm cho tôi ghe máy mới với bình oxy nên tui lặn được lâu hơn, cá tôm vì thế bắt được chừng chục kí mỗi ngày.

Nhưng giờ tôm, cá ít lắm. Người ta cào, xiệc điện, thả lưới… làm đủ kiểu nên số lượng cá mỗi ngày tôi bắt được giảm đi rất nhiều. Ngày trước cả chục kí giờ còn chừng 2,3 kg là cùng", anh Hiếu chia sẻ với phóng viên báo Dân Trí.

Dị nhân miền Tây tay không bắt cá bách phát bách trúng-1
Không cần dùng lưới, cần câu,...anh Hiếu chỉ cần 2 tay không cũng bắt được cá, tôm 

Chia sẻ về biệt tài này, anh Hiếu cho biết thực ra anh cũng có bí quyết riêng, cần nắm được đặc tính di chuyển, chỗ ẩn nấp của cá, tôm,... và tùy theo con nước mà căn thời gian bắt cá khác nhau.  

"Ở dưới đáy sông có từng bậc cấp, con tôm đâu phải chỗ nào cũng có nó đâu, nhiều khi nó có ở từng điểm. Những con tôm thường hay búng lui lắm, đụng đầu là đuôi nó búng văng vô mình… Phải biết thế theo nó thì bắt mới được.

Thường tôi mò từ trong mé rồi di chuyển từ từ ra ngoài, độ sâu lên đến mười mấy mét. Sợ nhất khi chuẩn bị ngoi lên mặt nước mà có ghe tàu đi ngang, chân vịt mà chém trúng thì hậu quả khó lường", anh Hiếu nói trên Dân Trí.

Dị nhân miền Tây tay không bắt cá bách phát bách trúng-2
Giờ cá, tôm ít nên anh Hiếu không còn bắt được nhiều như trước nữa

Trải qua hơn 20 năm làm nghề, anh Hiếu từng nhiều lần bị trầy xước khi mò vào nhiều cây hoặc cá độc, chẳng hạn như cá ngát. Anh từng bị gai cá ngát đâm vào khiến tay đau nhức vô cùng.

Anh Hiếu cho biết, thời điểm còn nhiều cá ngày cũng thu được 700.000 - 800.000 đồng nhờ bán cá nhưng giờ cá ít đi chỉ được 300.000 đồng mỗi ngày là nhiều. 

HT
Theo Vietnamnet


dị nhân

Tin tức mới nhất