“Thủ quân” đội bóng cầu Xây

Đầu tháng 4/2023, tìm đến nhà của cầu thủ Huỳnh Như ở ấp Đầu Giồng A, xã Mỹ Chánh (Châu Thành, Trà Vinh), cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn chục cây số. Gần đến nơi hỏi thăm nhà nữ cầu thủ Huỳnh Như thì hầu như ai cũng biết đến cô gái “vàng” của bóng đá nữ Việt Nam hiện đang chinh chiến tại trời Âu.

Điều ít biết về cầu thủ Huỳnh Như-1
Huỳnh Như bên cạnh cha mẹ

Căn nhà cấp bốn của gia đình Huỳnh Như cũ, xây dựng hơn chục năm trước đang được tháo dỡ sửa chữa, chuẩn bị thay mới bằng căn nhà khang trang sau vài tháng nữa. Hiện tại, cha mẹ Như dời về ở tạm tại cơ sở hàn tiện, sửa xe của gia đình cách đó vài cây số.

Lúc phóng viên đến tối muộn, gặp dịp Huỳnh Như (đang ở Bồ Đào Nha) trò chuyện cùng mẹ qua mạng xã hội. Bà Lê Thị Lài (mẹ Như) cho biết, tất cả chi phí do Như dành dụm bấy lâu nay để sửa lại căn nhà. Đồng thời, Như cuối tháng này sẽ về Việt Nam thăm nhà và tham dự Sea Games 32 tại Campuchia.

Điều ít biết về cầu thủ Huỳnh Như-2
Huỳnh Như với quả bóng vàng của mình. ẢNH: HÒA HỘI

Ngồi trò chuyện, ông Huỳnh Thanh Liêm (cha Huỳnh Như) vui vẻ nói: Trước đây gia đình sống ở chợ cầu Xây (xã Lương Hòa, Châu Thành), vợ chồng sống bằng nghề bán kem trong nhà lồng chợ. Ngoài ra, ông Liêm còn làm nghề thợ hàn, sửa chữa xe đạp, xe máy sống qua ngày.

Ông Liêm kể, năm 3 tuổi, Như đã mê đá bóng, cứ rảnh là lấy "banh mũ" đá quanh nhà, hoặc chạy sang hàng xóm chơi, chia nhóm ra đá, toàn chơi chung với các bạn nam.

“Hồi nhỏ Như mê bóng dữ lắm, đi học về là đá bóng. Thấy con mê nên tôi lấy sợi dây, đầu buộc ngọn cây dừa thòng xuống đất, đầu buộc quả bóng bằng mũ vào, Như đi đâu chơi thì thôi nhưng về nhà là đá vài ba cái mới thôi”, ông Liêm nhớ lại.

Điều ít biết về cầu thủ Huỳnh Như-3
Huỳnh Như cùng đồng đội tại Bồ Đào Nha

Năm học lớp 5, Như tham gia đá bóng xã này với xã khác, trong đội toàn nam, chỉ mình Như nữ và là đội trưởng.

Ông Liêm kể: “Hôm đá giải, Như kêu tôi chở, cùng đi có ông nội và các chú theo cổ vũ. Hiệp 1 đội của Như thua 0 - 2, tuy nhiên sang hiệp 2 một mình Như ghi liền 4 bàn thắng, mang về chiến thắng chung cuộc 4 -2, và Huỳnh Như đoạt danh hiệu vua phá lưới”.

“Hôm đá giải, Như kêu tôi chở, cùng đi có ông nội và các chú theo cổ vũ. Hiệp 1 đội của Như thua 0 - 2, tuy nhiên sang hiệp 2 một mình Như ghi liền 4 bàn thắng, mang về chiến thắng chung cuộc 4 -2, và Huỳnh Như đoạt danh hiệu vua phá lưới” - ông Huỳnh Thanh Liêm

Năm sau lên cấp 2, Như chuyển về quê nội học, cách chợ cầu Xây khoảng chục cây số. Năm đó, Trường năng khiếu tỉnh Trà Vinh mở lớp bóng đá tuyển chọn cầu thủ để đào tạo. Nhờ thi đấu ấn tượng vào năm trước nên Như được các thầy phát hiện tuyển vào đội tập luyện. Đến năm Như học lớp 11, đội tuyển năng khiếu tỉnh giải thể.

Sau khi đội năng khiếu tỉnh giải thể, cứ nghĩ là ước mơ của con đã dừng lại; nhưng nhờ thầy ở trường năng khiếu tỉnh giới thiệu Như thử việc tại câu lạc bộ bóng đá nữ TPHCM. Sau lần test về chuyên môn, tháng sau Câu lạc bộ gọi điện mời lên đá bóng cho đến sau này, lên đội tuyển quốc gia và sang nước ngoài thi đấu cho đến giờ”, ông Liêm nhớ lại.

Đam mê đờn ca tài tử cháy bỏng

Điều ít biết về cầu thủ Huỳnh Như-4
Cha mẹ Huỳnh Như bên cạnh cây đờn guitar

Nói về Huỳnh Như, ngoài chuyên môn đá bóng, điều mà nhiều người chưa biết là cô và gia đình có niềm đam mê đờn ca tài tử cháy bỏng.

Cha Như thích đờn, còn mẹ thích ca tài tử từ thời hai người còn học cấp 2. “Mỗi dịp cấm trại hay liên hoan tôi cầm đờn, vợ hát cùng bạn bè. Hồi đó vui lắm, không nghĩ ngợi, đắn đo điều gì, được ca hát, đàn thỏa với đam mê là sướng”, ông Liêm cười khoái chí nói.

Còn mẹ Như cho biết, ngoài lo cuộc sống, mỗi khi có dịp lễ lạt thì tham gia ca hát đờn ca tài tử tại địa phương. Không những thế, bà còn thử sức thi ca cổ tại giải “Bông lúa Vàng” tỉnh Trà Vinh, cách nay gần 30 năm.

“Hôm thi, tôi chở vợ trên xe máy đến dự thi, tuy nhiên lúc hát được đoạn bài vọng cổ Lá trầu xanh thì vợ quên lời, rớt nhịp rồi rớt luôn”, ông Liêm kể. Còn bà Lài cho biết, ở nhà tập nhiều lần, nhuần nhuyễn nhưng không hiểu sao lúc lên sân khấu bị run, quên lời mất. Về nhà, gia đình thường quây quần, chồng đàn, vợ hát, và dần dà Như “ngấm” máu tài tử lúc nào không hay. “Như có năng khiếu, nghe cha mẹ hát rồi tự hát và đam mê luôn”, bà Lài nói.

Điều ít biết về cầu thủ Huỳnh Như-5
Huỳnh Như mang băng đội trưởng thời học tiểu học

Còn ông Liêm được đàn anh ở địa phương dạy đàn rồi tập riết quen. Về sau có dịp ca hát hay đám tiệc là ông cầm đàn cho người khác hát. Ông kể, mỗi lần Như có dịp về thăm nhà, kéo nhau qua nhà nội, cả nhà cùng quây quần ca hát. Ông Liêm đờn, Như cùng mẹ và anh em họ hàng hát tài tử say mê.

“Những lúc rảnh và đặc biệt là đi đến những vùng miền khác nhau, khi có dịp được bạn bè mời hát, Như thường chọn ca tài tử vì nó là đặc trưng của quê hương miền Tây. Hơn nữa, nó còn có gì đó khác biệt so với những dòng nhạc khác. Mỗi lần hát những bài hát ấy thì Như thấy mình đang sống tại chính vùng đất mình đã sinh ra và lớn lên”. 

Riêng đối với Huỳnh Như, ngoài công chuyện chuyên môn thì đờn ca tài tử là niềm vui. Ngay cả ở Bồ Đào Nha lúc rỗi cô cũng thích ca hát. Mới đây, dịp trường Đại học Trà Vinh tổ chức các hoạt động giao lưu kỷ niệm 92 năm thành lập Đoàn, Huỳnh Như quay clip hát nhạc từ Bồ Đào Nha gửi về trường giao lưu với các bạn sinh viên của trường.

“Lúc nhỏ ở nhà, em thường nghe mẹ hát rồi hát theo. Hơn nữa, là người con miền Tây nên những ca từ đó như thấm vào người”, Huỳnh Như bộc bạch.

Với cô, ca hát là một sở thích độc lập, có thể tự do thể hiện, bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Những ca từ trong các bài hát đôi lúc nó như cuộc đời mình vậy nên mỗi lúc vui buồn hay rảnh rỗi Như đều hát “vu vơ”.

Huỳnh Như kể, khi đi đến những vùng miền khác nhau, khi có dịp được bạn bè mời hát Như thường chọn ca tài tử vì nó là đặc trưng của quê hương miền Tây và nó có gì đó khác biệt so với những dòng nhạc khác.

Mỗi lần hát những bài hát ấy thì Như thấy như đang sống tại chính vùng đất mình đã sinh ra và lớn lên. “Lúc mới qua Bồ Đào Nha khi em chưa có bạn bè nhiều thì mỗi lúc trong phòng thay đồ thường cất 1 câu vọng cổ lên các đồng đội ở đó nghe thấy lạ, hỏi Như bị gì thế?...”, Như tươi cười, nói.

Theo Tiền Phong