Quỹ từ thiện không nhân viên
Elon Musk đang đối mặt nguy cơ phải trả hàng tỷ USD tiền phạt sau khi quỹ từ thiện của ông bị phát hiện không thuê bất kỳ ai và ông chỉ tích cực chi tiền khi phải trả quá nhiều tiền thuế.
Trong khi Bill Gates sử dụng tài sản của mình nhằm nỗ lực cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại châu Phi, gia đình Walton của Walmart đã thúc đẩy sự thay đổi trong hệ thống giáo dục Mỹ thì Elon Musk, vị tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, lại chủ yếu hoạt động từ thiện để phục vụ lợi ích của bản thân mình.
Theo New York Times, Elon Musk đã liên tục xây dựng quỹ từ thiện mang tên mình bằng các khoản quyên góp cổ phiếu được khấu trừ thuế với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD, biến đây trở thành quỹ từ thiện lớn nhất Mỹ thời điểm đó.
Tuy nhiên, hồ sơ thuế cho thấy ông chủ Tesla không thuê bất kỳ nhân viên nào cho quỹ từ thiện. Hàng tỷ USD được xử lý chỉ bởi một hội đồng với 3 người điều hành là tỷ phú Elon Musk cùng 2 tình nguyện viên.
Chia sẻ với New York Times, bà Matilda Simon, tình nguyện viên và là nhân viên riêng của gia đình Musk, cho biết bà dành rất ít thời gian cho quỹ này, trung bình chỉ khoảng 6 phút mỗi tuần.
Người còn lại là ông Jared Birchall, vốn là tổng quản lý tài sản của gia đình Musk, cũng chỉ hoạt động 1 giờ mỗi tuần cho quỹ từ thiện.
Mặc dù Elon Musk cho rằng chính công việc kinh doanh của mình đã đem lại nhiều điều tốt đẹp cho thế giới và không có nghĩa vụ phải làm từ thiện.
Thế nhưng New York Times cho rằng việc thành lập một tổ chức phi lợi nhuận được miễn trừ thuế yêu cầu ông chủ Tesla phải hành động vì công chúng theo luật pháp thay vì phục vụ lợi ích bản thân. Elon Musk có nguy cơ đối mặt án phạt đáng kể vì lợi dụng kẽ hở để trốn thuế.
Tên lửa Starship của SpaceX tại quận Cameron, bang Texas, Mỹ (Ảnh: New York Times).
Báo cáo điều tra của New York Times cho thấy những khoản quyên góp của Quỹ Musk năm 2021-2022 cho thấy một nửa số tiền có liên quan đến lợi ích của Elon Musk.
Trong số các khoản quyên góp mà Quỹ Musk đã thực hiện có 55 triệu USD để giúp một khách hàng lớn của SpaceX.
Bên cạnh đó là những khoản từ thiện chỉ giải ngân khi hàng triệu người ở quận Cameron, bang Texas, Mỹ chịu ảnh hưởng sau khi tên lửa Starship của Elon Musk nổ tung.
Quỹ này cũng có những khoản quyên góp cho 2 trường học gắn liền với hoạt động kinh doanh của Elon Musk. Một trường nằm trong khu phức hợp SpaceX, trường còn lại nằm cạnh khu phân khu mới dành cho nhân viên của ông chủ Tesla.
Chuyên gia nghiên cứu Benjamin Soskis của Viện Urban Institute cho hay trong khi các tỷ phú khác cố gắng nhân rộng hiệu quả của mỗi đồng tiền làm từ thiện ra xã hội thì quỹ của tỷ phú Elon Musk lại chẳng có bất kỳ định hướng hay trọng tâm nào mà chỉ xoay quanh công việc kinh doanh của mình.
Trước tháng 3/2021, quỹ Musk chưa bao giờ công bố bất kỳ khoản quyên góp nào cho quận Cameron, một khu vực nghèo khó ở bang Texas, nơi đặt địa điểm phóng SpaceX.
Thế nhưng sau khi một quả tên lửa SpaceX nổ tung trong tháng đó rơi xuống khu vực, quỹ này mới bắt đầu quyên góp đền bù cho người dân.
Mở trường học cho con và lãnh đạo Tesla
Elon Musk và anh trai Kimbal đã thành lập quỹ Musk vào năm 2001 trước khi bán Paypal cho eBay với giá 1,5 tỷ USD. Ông chủ Tesla này đã kiếm được 175 triệu USD từ thương vụ trên, qua đó đóng góp khoản cổ phiếu trị giá 2 triệu USD cho quỹ từ thiện.
Trang web của quỹ có nhiều hình ảnh động đẹp mắt với lời nhắn nhủ khuyến khích mọi người góp tiền tài trợ, thế nhưng chúng không hề có bất kỳ thông tin liên lạc nào khi phóng viên New York Times kiểm tra từ năm 2005 đến nay.
Tính đến nay, tổng tài sản ròng của Elon Musk là hơn 195,1 tỷ USD nhưng ông gần như không chi tiền làm từ thiện.
"Tesla đã làm được nhiều việc để bảo vệ môi trường hơn tất cả các công ty khác cộng lại. Là người lãnh đạo công ty, tôi đã làm được nhiều việc cho môi trường hơn bất kỳ người nào trên trái đất", Elon Musk từng tự hào phát biểu.
Phần lớn số tiền mà quỹ Musk giải ngân gắn liền với các cá nhân thân quen hoặc có liên quan đến Elon Musk, bao gồm những sự kiện do anh trai ông tổ chức.
Khuôn viên của trường Ad Astra, phía sau cổng an ninh của khu phức hợp thuộc sở hữu của SpaceX (Ảnh: New York Times).
Ngoài ra, Elon Musk cũng thông qua quỹ này để thành lập trường phi lợi nhuận mang tên Ad Astra, chủ yếu là để nuôi dạy con cái mình cùng con của các lãnh đạo Tesla hay SpaceX.
Hiệu trưởng của trường Astra là Joshua Dahn cho biết có 5 người con của Elon Musk đang theo học tại đây và phần lớn số học sinh là con cái của các nhân viên SpaceX.
Hai cựu giám đốc điều hành của SpaceX giấu tên cho biết Astra được coi là một đặc quyền cho con cái của các giám đốc điều hành còn những nhân viên thông thường thì gần như không thể đưa con mình vào ngôi trường quý tộc này.
Bên cạnh đó, quỹ Musk cũng giải ngân nhiều dự án nhưng không có một chiến lược cụ thể nào. Các hoạt động giải ngân thường liên quan đến cam kết của riêng Elon Musk hay liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Năm 2016, ông chủ Tesla tặng 254 triệu USD cổ phiếu cho quỹ từ thiện. Ngay sau đó, ông lại dùng chính nguồn tiền này đã giải ngân 10 triệu USD cho OpenAI, cha đẻ ChatGPT. Các khoản giải ngân sau đó cũng liên quan trực tiếp đến lợi ích cá nhân của tỷ phú Elon Musk.
Tích cực từ thiện để được giảm thuế
Cuối năm 2021, Elon Musk nhận được khoản cổ phiếu thưởng 25 tỷ USD từ Tesla và phải trả đến 11 tỷ USD tiền thuế. Từ khi ấy, Elon Musk lại "quay xe" bắt đầu tích cực làm từ thiện để được giảm thuế theo kiến nghị từ luật sư.
Tháng 10/2021, Elon Musk công khai ý tưởng về món quà từ thiện giá trị khổng lồ. Theo đó, ông sẽ bán cổ phiếu Tesla và trao cho Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) 6 tỷ USD. Sau đó, phía FAO đã thành lập kế hoạch nhưng Elon Musk lại bất ngờ không lên tiếng.
Thay vào đó, ông chủ Tesla đổ 5,7 tỷ USD cổ phiếu vào quỹ Musk, khiến tổ chức này lọt vào danh sách 20 quỹ từ thiện lớn nhất Mỹ và giúp Elon Musk tiết kiệm hơn 2 tỷ USD tiền thuế.
Theo luật, các quỹ từ thiện phải giải ngân tối thiểu 5% tài sản mỗi năm. Như vậy quỹ Musk sẽ phải giải ngân hàng trăm triệu USD. Thế nhưng tổ chức từ thiện của Elon Musk lại chẳng tuân thủ điều này.
Tỷ phú Elon Musk (Ảnh: The Verge).
Năm 2021, quỹ Musk còn cách tiêu chuẩn đến 41 triệu USD. Bước sang năm 2022, con số này tăng lên đến 193 triệu USD và chỉ cho đi 2,25% trong tổng số giá trị tài sản 7 tỷ USD của mình.
Thâm hụt quỹ từ thiện của tỷ phú Elon Musk lớn thứ 4 trong tổng số các quỹ từ thiện không đạt yêu cầu ở Mỹ.
Hiện quỹ này chưa có thông tin giải ngân từ thiện năm 2023 và có khả năng sẽ bị phạt thuế bằng 30% số tiền thiếu hụt kể từ năm 2022.
Thậm chí ngay cả các gói giải ngân của quỹ Musk cũng liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông chủ Tesla.
Ví dụ, quỹ Musk đã trao 5 triệu USD cho một chương trình của Liên hợp quốc nhằm giúp một số trường học nông thôn tại nhiều quốc gia truy cập Internet vệ tinh, dịch vụ của Starlink-SpaceX.
Trong ít nhất hai trường hợp, những quốc gia này sau đó đã trở thành khách hàng của ông Musk khi kết nối các trường học của họ với dịch vụ vệ tinh Starlink.
Rõ ràng, Elon Musk đang làm từ thiện cho chính mình và nếu xu thế này tiếp diễn, nhiều khả năng cơ quan thuế sẽ vào cuộc khiến ông chủ Tesla phải đối mặt án phạt hàng tỷ USD vì tội trốn thuế.
Theo Dân trí