Hạ Truyền Dương sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở thành phố miền núi Trùng Khánh. Cha mẹ anh đều là công chức và chỉ có một cậu con trai duy nhất. Vì thế, họ đặt hết kỳ vọng vào Hạ Truyền Dương.
Giống như những gia đình coi trọng giáo dục khác, Hạ Truyền Dương đã được cha mẹ truyền cho tư tưởng rằng "kiến thức thay đổi vận mệnh" từ khi còn nhỏ.
Những kỳ vọng của cha mẹ cũng dần dần nảy mầm trong tâm trí cậu trai trẻ, thúc đẩy cậu thành người rất nhạy cảm và có tham vọng. Hạ Truyền Dương ngày ngày học tập chăm chỉ, hoàn thành xuất sắc chương trình học tập cấp 1 và cấp 2 ở quê nhà.
Với điểm số thi đầu vào cấp 3 đầy xuất sắc, Hạ Truyền Dương được một trường học nổi tiếng trong thành phố, cách nhà 300km, gửi lời mời nhập học.
Đây là ngôi trường mơ ước của vô số học sinh tại Trùng Khánh, với tỷ lệ thi đậu đại học top đầu rất cao. Bản thân nam sinh và gia đình mình cũng khao khát một cơ hội lớn để thay đổi vận mệnh, vì thế họ đã nhanh chóng đồng ý.
Ảnh minh họa: Internet
Được đặc cách vào trường nhưng Hạ Truyền Dương không hề tự mãn mà vô cùng kỷ luật với bản thân. Anh học tập không ngừng nghỉ, chẳng bao giờ lơ là, cũng không để chốn xa hoa thành thị làm bản thân lóa mắt. Tuy vậy, anh vẫn gặp những trắc trở khó lòng vượt qua.
Theo học ở ngôi trường thuộc top đầu trong thành phố, Hạ Truyền Dương vẫn xuất sắc nằm trong top 10 của lớp. Tuy nhiên, thứ hạng của anh luôn ổn định mà không có sự bứt phá.
Hạ Truyền Dương có chút thất vọng về điều này, nhưng anh luôn tự điều chỉnh tâm lý, buông bỏ nỗi lo về thứ hạng.
Thay vào đó, anh nghĩ: "Đừng bận tâm người khác làm bài thi thế nào, miễn là bản thân mình tiến bộ từng ngày, đó đã là một điều rất tốt."
Nhưng sự việc này như một hòn đá đè nặng lên trái tim của cha mẹ Hạ Truyền Dương. Họ dõi theo con trai, thấy con học tập sớm hôm vất vả cả ngày mà không đạt được nhiều thành tích. Điều này khiến tấm lòng người làm cha mẹ vô cùng lo lắng.
Ảnh minh họa: Internet
"Nhỡ áp lực tâm lý quá lớn khiến con mình mắc sai lầm trong lúc thi thì sao?", câu hỏi này cứ không ngừng hiện lên trong đầu, khiến cha mẹ Hạ cuối cùng đã đi đến một quyết định vô cùng sai lầm.
Chứng kiến xung quanh có nhiều trường hợp được cộng điểm theo diện dân tộc thiểu số. Bằng nhiều cách, cha mẹ Hạ đã xin xỏ khắp nơi để thành công "làm giả" danh tính cho con trai, biến Hạ Truyền Dương trở thành một người dân tộc thiểu số thuộc Trùng Khánh.
Trong khi đó, nhân vật chính là cậu thiếu niên 17 tuổi lại không hề hay biết tí nào về hành động của cha mẹ. Bản thân anh vốn chỉ lo học từ trước đến nay nên không hề nảy sinh nghi ngờ, thắc mắc nào khi đăng ký thi đại học theo thông tin cha mẹ gửi cho.
Khi đó, bố mẹ Hạ Truyền Dương không bao giờ ngờ rằng, điều mà họ tưởng là "tốt cho con", thực chất đang hại con, thay đổi vận mệnh của cậu trai trẻ tài năng.
Không giống bố mẹ mình, Hạ Truyền Dương luôn kiên định tập trung cho kỳ thi tuyển sinh đại học đang đến rất gần trước mắt. Anh không ngừng nỗ lực và hướng tới mục tiêu trong lòng.
Ngày mà điểm thi đại học được công bố, nam sinh họ Hạ vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Anh đạt được 659 điểm, nằm trong top đầu của thành phố Trùng Khánh năm đó.
Cộng thêm 20 điểm do chính sách thiểu số, Hạ Truyền Dương trở thành thí sinh thủ khoa của hàng loạt đại học danh tiếng trong cả nước, được cả Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) gửi thư mời gọi. Cuối cùng, anh đã chọn Đại học Bắc Kinh có chuyên ngành mũi nhọn phù hợp với bản thân.
Tuy nhiên, trong khi truyền thông ráo riết săn lùng, đưa tin về thủ khoa đến từ Trùng Khánh, một cuộc điều tra bất ngờ diễn ra.
Năm đó, cơ quan chức năng của Trung Quốc nhận được tin báo nặc danh rằng trong nhóm thí sinh thi đại học này có một số lượng lớn đã "giả" làm người dân tộc thiểu số để được cộng điểm. Chẳng bao lâu sau, người ta phát hiện Hạ Truyền Dương cũng nằm trong số đó.
Tuy cuối cùng, chính quyền đưa ra quyết định hủy bỏ tư cách cộng điểm, giữ nguyên kết quả thi của các thí sinh, Hạ Truyền Dương vẫn "lỡ duyên" với Đại học Bắc Kinh.
Ngôi trường này đã thông báo: Vì Hạ Truyền Dương có vấn đề về liêm chính liên quan đến việc cộng điểm bất hợp pháp, trường quyết định hủy bỏ thư mời nhập học của nam sinh này.
Ảnh minh họa: Internet
Điều này khiến gia đình họ Hạ gần như tan vỡ. Sự nghiệp của cha mẹ Hạ bị cắt đứt, đồng thời, Hạ Truyền Dương cũng đánh mất giấc mơ của chính mình. Từ nay, họ sống trong điều tiếng, bị nhiều người chỉ trỏ không ngừng.
Bản thân Hạ Truyền Dương cũng vô cùng suy sụp. Anh nhốt mình suốt ngày trong phòng, im lặng tiêu hóa hàng loạt sự thật mà anh không muốn tin.
Mọi công sức của anh gần như bỏ sông bỏ bể, không những không làm nên danh tiếng, mà chỉ mang về tai tiếng cho cả nhà.
Sau một thời gian dài chìm trong tức giận và bất lực, Hạ Truyền Dương lập lời thề, nhất định sẽ không bỏ cuộc cho đến khi được nhận vào Đại học Bắc Kinh một lần nữa.
Anh lại dốc lòng ôn luyện, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của người khác. Hơn ai hết, anh hiểu rằng: "Nếu bây giờ gục ngã, đó sẽ là dấu chấm hết của cuộc đời.
Chỉ khi nào được nhận vào Đại học Bắc Kinh một lần nữa, mình mới có thể chứng tỏ thực lực thực sự. Đó chính là vũ khí tốt nhất để thoát khỏi những dèm pha này!"
Năm sau đó, khi Hạ Truyền Dương lần nữa bước vào phòng thi, tâm trạng của anh đã khác hẳn. Anh bình tĩnh hít sâu và đối mặt với thử thách trọng đại của cuộc đời.
Lại là ngày công bố kết quả thi đại học, lần này Hà Truyền Dương đạt điểm cao 674, đứng thứ mười toàn tỉnh. Phải nói rằng, vụ "tranh cãi" về điểm cộng trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm ngoái vẫn có ảnh hưởng nhất định đến Hạ Truyền Dương, nhưng anh vẫn có thể tự hào viết mã trường Đại học Bắc Kinh vào đơn đăng ký của mình.
Cuối cùng anh đã đạt được mong muốn của mình và đỗ vào Trường Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân, người ta tìm hiểu được rằng, anh hiện đang làm việc trong một tổ chức tài chính.
Câu chuyện của Hạ Truyền Dương khiến người ta không khỏi ngậm ngùi. Chàng trai trẻ tài năng vốn có thể đỗ vào ngôi trường mơ ước ngay trong lần thi đầu tiên. Tuy nhiên, vì hành vi gian lận, 1 năm thanh xuân của anh đã bị lãng phí.
Trên thực tế, nếu gian lận không bị phanh phui vào năm đó, mà là nhiều năm sau thì toàn bộ quãng thời gian học tập, thi cử của Hạ Truyền Dương tại Đại học cũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Còn bản thân Hạ Truyền Dương đã học lại một năm, trải qua thăng trầm trong cuộc sống, mài giũa tâm lý. Quá trình này vô tình giúp tầm nhìn của anh ngày càng trưởng thành hơn.
Sự việc này cuối cùng đã trở thành tài sản quý giá trong cuộc đời anh, cũng có thể nói là "may mắn đến từ thảm họa".
Dù vậy, đây cũng là bài học cảnh tỉnh những suy nghĩ ích kỷ, gian dối không nên có của một số cá nhân. "Cây kim trong bọc, lâu ngày cũng lòi ra". Một khi không thể che giấu, sự thật sẽ trở thành "kíp nổ", thiêu rụi vận mệnh của chính họ.
Vì không phải ai cũng có đủ can đảm và nghị lực để đứng lên sau thất bại như Hạ Truyền Dương.
Theo Người Đưa Tin