Liệu đây là trò “đùa dai” do ai đó cố tình dựng nên hay sự kỳ bí của tự nhiên mà ta chưa nhận thức được?
Không phải do “hiện đại – hại điện”
Các vụ cháy được ghi nhận tại nhà ông Nguyễn Văn An (65 tuổi, ấp Rạch Đào, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Gia đình cho biết, trong gần 1 tháng qua, có gần 40 vụ đồ đạc cháy xảy ra tại đây. Quần áo, bàn ghế, giày dép, nón bảo hiểm, đến đồ điện gia dụng, mùng, mền, chiếu… cứ nối nhau bốc cháy mà không thấy ai đốt hay từ một nguồn lửa nào.
Nhiều người dân hiếu kỳ đã đến theo dõi hiện tượng đồ đạc bốc cháy và xuất hiện nhiều lời đồn đoán theo hướng mê tín dị đoan.
Gia đình ông An làm nghề mua bán phế liệu, trước nhà luôn bề bộn đồ phế liệu. Khi chuyện được cho “tự cháy” xảy ra, gia đình đã chuyển hết kho phế liệu đi xa khỏi nhà để cho an toàn, việc làm ăn phải tạm dừng.
Cô Duyên “chị”, con gái ông bà An ở tận huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) xa xôi, hay tin đã bỏ chuyện làm ăn về với ba mẹ cả tuần qua và sững sờ khi nhiều lần chứng kiến đồ vật trong nhà nghi tự bốc cháy.
Ông An cho biết, ban đầu, khi xảy ra đồ vật bốc cháy, ông nghi ngờ do hệ thống dây diện trong nhà sử dụng lâu năm bị bong tróc, gây phóng điện. Ông mướn thợ thay mới toàn bộ hệ thống điện trong nhà, từ cầu dao tổng, đến toàn bộ hệ thống dây điện, các bảng điện, ổ cắm…, nhưng đồ đạc vẫn bốc cháy.
Bức xúc, ông An cắt toàn bộ đường điện vào nhà, hơn 10 ngày qua, trong nhà không có điện, tối đến gia đình chỉ xài đèn dầu, đèn cầy, vậy mà chiếc quạt điện vẫn cháy rụi.
Rõ ràng, chuyện cháy do nguyên nhân về điện như vẫn thấy ở nhiều nơi, đã bị loại trừ. Thậm chí, gia đình cũng dẹp bếp ga, nấu ăn bằng bếp củi. Vậy mà, đồ đạc vẫn bốc cháy.
Vì sợ chuyện bốc cháy gây nguy hiểm, gia đình ông An đã chuyển toàn bộ đồ đạc có thể cháy ra sân, như salon, quần áo, mùng mền, chiếu gối, tivi… Tối đến, cả nhà không dám sử dụng mùng, mền vì sợ cháy gây nguy hiểm.
Trong nhà ông An hiện trống toang, chủ yếu là các loại bàn ghế, bộ ván, giường… bằng gỗ khó cháy. Cùng với đó là bếp ăn, vài dây phơi đồ, những nhu cầu thiết yếu hàng ngày không thể không có.
Đồ đạc trong nhà tự bốc cháy
“Trêu ngươi” cả nhà báo
Ngày 29/5, chúng tôi đã có mặt tại nhà ông An gần suốt 1 ngày để theo dõi vụ việc. Trong lúc chúng tôi đang ngồi trò chuyện với gia đình ở giữa nhà, chợt có người la lên “có mùi khét”.
Chúng tôi nhìn quanh và phát hiện ở cuối nhà, trên dây phơi quần áo xuất hiện một đốm lửa cùng tia khói nhỏ. Gần đó không có bất cứ người nào cũng như nguồn nhiệt nào có thể gây cháy. Ngọn lửa nhanh chóng bùng phát, cô Nguyễn Thị Mộng Thắm (con ông An) nhanh chóng dùng xô nước tạt vào ngọn lửa.
Trước khi đến nhà ông An, trong tôi còn ngờ ngợ về nguyên nhân chuyện “tự cháy” đồ đạc. Biết đâu có người ngoài nào đó thù ghét, muốn đốt phá gia đình ông An. Nói chung, tôi vẫn nghĩ chuyện “tự cháy” có thể do tác nhân con người, vì một lý do nào đó…
Nhưng khi tận mắt chứng kiến bộ đồ bỗng nhiên cháy, tôi nghĩ, nếu có ai đó cố ý dựng lên chuyện “tự cháy” trước mắt nhà báo, hẳn người đó phải là hàng ảo thuật gia bậc thầy.
Cũng cần nói thêm, mặt sau ngôi nhà đã được cơ quan chức năng gắn camera an ninh quan sát cả ngày đêm, không có khả năng kẻ lạ đột nhập vào phóng hỏa.
Một điều lạ lùng khác: Ngọn lửa bùng phát rất nhanh, bao trùm cả bộ đồ rẻ tiền đang phơi trên sào trong nhà; nhưng khi cô Thắm chỉ dùng 1 ca nhỏ nước tạt vào là ngọn lửa vụt tắt thật nhanh.
Một ngày sau, tức ngày 30/5, trong nhà ông An lại tiếp tục xảy ra 3 vụ cháy khác: Cháy thùng xốp, quần áo và chiếu - mền; trong đó vụ cháy chiếu – mền vào đầu giờ chiều là “lạnh người” nhất, vì đó là nơi cháu G.B (học lớp 7) - cháu ngoại của ông An - vừa mới nằm ngủ.
Cô Thắm, mẹ của cháu G.B kể: Cả tuần qua, tất cả chiếu, mùng, mền được gia đình chuyển hết ra ngoài sân vì sợ để trong nhà bốc cháy gây nguy hiểm.
Trưa 30/5, cháu G.B nằm ngủ trưa trên tấm ván trong nhà. Thấy con nằm trực tiếp trên ván, không gì đắp, chị Thắm xót ruột nên “đánh liều” mang chiếc chiếu và chiếc mền vào cho con nằm và đắp lên người con.
Khi cháu G.B vừa ngủ dậy, còn đang rửa mặt thì chiếc mền bốc cháy, lan sang cả chiếc chiếu. Gia đình đã nhanh chóng dập tắt lửa, nhưng mền và chiếu đã bị hư hỏng không còn sử dụng được.
Sự kỳ bí của tự nhiên?
Theo thông tin chính thức từ chính quyền huyện Thủ Thừa, Công an huyện, Phòng TNMT huyện, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Long An) và Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Long An đã tiến hành khảo sát, khám nghiệm hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân. Cơ quan chức năng cũng đã trang bị và hướng dẫn gia đình sử dụng 2 bình chữa cháy phòng khi xảy cháy.
Chuyện được nghi “tự cháy” làm đảo lộn chuyện làm ăn, mọi sinh hoạt trong nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình, đặc biệt là các trẻ nhỏ.
Sau nhiều ngày khảo sát, đo đạc, phân tích, Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) tỉnh Long An có báo cáo nhận định nguyên nhân vụ đồ đạc cháy nói trên. Theo đó, Sở không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chuyện cháy là do yếu tố tự nhiên thường thấy như khí tự nhiên (CH4, C2H6 hoặc khí phốt pho trắng), phóng xạ, quang năng… Sự cố khí gas và chập điện cũng được loại trừ.
Bước đầu, Sở KH-CN Long An nhận định, nhiều khả năng nguyên nhân gây cháy các vật dụng là do có “ai đó” cố ý sử dụng các hóa chất có tính oxy hóa mạnh, dễ gây cháy khi tiếp xúc với oxy trong không khí.
Nhưng “ai đó” cố ý gây ra các vụ “tự cháy” để làm gì? Chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rằng gia đình ông An không có mâu thuẫn gì với bà con lối xóm; họ làm ăn đàng hoàng, không nợ nần gì ai; mặt hàng phế liệu ở đây cũng không có ai cạnh tranh làm ăn với gia đình ông An… Trong gia đình cũng không có mâu thuẫn gì, không tranh giành tài sản, đất đai, cha mẹ, chị em sống hòa thuận, vui vẻ.
Việc “tự cháy” ở nhà ông An là do ai đó “đùa dai” hay sự kỳ bí của tự nhiên mà ta chưa giải thích được? Mong rằng cơ quan chức năng tỉnh Long An và huyện Thủ Thừa sẽ sớm có câu trả lời, trả lại sự bình yên cho gia đình ông An và vùng quê hiền hòa bên dòng kênh Vàm Thủ.
Theo Lao Động