Đừng khiến việc tham gia giao thông trở nên rất mệt mỏi và nguy hiểm bằng cách bấm còi không có văn hoá nữa. Hãy xem đoạn phim ngắn này để thấy bấm còi vô tội vạ có tác hại như thế nào.
Chẳng khó để đi đường và phát điên với những người cứ tiện tay là bấm, mình thích thì mình còi thôi. Tắc đường, nhìn thấy rõ mồn một không thể nhúc nhích được nhưng vẫn còi. Dừng đèn đỏ, còn đến mấy giây nữa mới được đi nhưng vẫn cố tình bấm.
Nào có nhanh hơn được chút nào đâu? Xe nhỏ còi, xe to còi, không chỉ một tràng mà vài ba tràng inh ỏi - tất cả tạo nên bản hoà âm đau đầu mà chẳng ai muốn nghe.
Đó cũng là lý do mà bạn nên xem đoạn phim hoạt hình có tựa đề "Còi" này, để thấy giật mình về văn hoá giao thông đang trở nên xấu xí.
Đoạn phim hoạt hình dài gần 3 phút với thiết kế khá đơn giản đã khắc hoạ rất tinh tế về thực trạng cũng như những điều nguy hiểm xảy ra khi bạn bấm còi vô tội vạ khi đi trên đường. Không chỉ là ồn ào, mệt mỏi, khiến người khác khó chịu, khi "mình thích thì mình còi thôi", chính bạn cũng rất dễ gặp tai nạn hoặc gây ra tai nạn cho những người khác.
Hãy nhìn cách đoạn phim hoạt hình khéo léo mô tả cảnh "gậy ông đập lưng ông" khi bấm còi thiếu trách nhiệm:
Còi xe rất quan trọng, nhưng hãy là người bấm còi có văn hoá. Là bấm còi đúng lúc, bấm vừa đủ.
Còi xe giúp bạn di chuyển thuận tiện và an toàn hơn, đừng biến nó thành lý do khiến bạn gặp phiền phức hay tai nạn.
Tác giả của đoạn phim "Còi" là Lê Thanh Triết. Triết năm nay 24 tuổi, đến từ Tây Ninh và hiện đang học về hoạt hình. Trò chuyện với Triết, cậu bạn cho biết ý tưởng để ra đời đoạn phim này bắt nguồn từ "Cứ mỗi lần đi đường, mình gặp rất nhiều trường hợp bấm còi vô lý và vô ý thức. Càng lớn thì mình càng để ý và đau đầu với giao thông và văn hoá còi tại Việt Nam. Sau khi tìm hiểu thì mình chưa thấy có một phim hoạt hình Việt Nam nào nói về thực trạng này nên mình quyết định làm để giải toả cảm xúc".
Lê Thạnh Triết (Triet Le) - tác giả của phim hoạt hình "Còi".
Triết đã dành hơn 6 tháng để hoàn thành phim "Còi". Cậu bạn chia sẻ cụ thể hơn về quá trình làm phim như sau:
"Lúc đầu, mình muốn làm một phim về các lỗi giao thông phổ biến ở Việt Nam nhưng chủ đề rộng quá nên mình rút gọn lại. Mình cũng chật vật tìm mạch chuyện cho phim vì có rất nhiều nhân vật, loạị xe, và tiếng còi mình muốn đưa vào.
Đây cũng là lần đầu mình sử dụng Photoshop để làm hoạt hình thay vì vẽ trên giấy nên mất khá nhiều thời gian để làm quen. Về phần âm thanh thì do hơn 90% là giọng của mình nên phim nghe nhạt lúc đầu. Mình tự xem và mình tự ngáp. Thế nên mình phải nhờ một bạn khác hoà âm giúp, chỉ 1 tuần trước khi tung phim ra. Nhưng mà mình vui và nhẹ nhõm vì cuối cùng "Còi" cũng được ra mắt theo ý mình muốn".
Hãy bấm còi có văn hoá!
Về lý do theo đuổi ngành hoạt hình, Triết kể: "Hồi còn tiểu học, mình được mẹ cho đi học vẽ ở Nhà Văn Hoá Thiếu Nhi ở tỉnh mình. Nhưng khi lên cấp hai thì mình dần ít vẽ và chuyển qua tập trung học tiếng Anh và Toán để thi vào chuyên Anh.
Lúc đó, mình nghĩ mình muốn làm doanh nhân. Rồi khi lên cấp ba thì mình bắt đầu thích làm video và hoạt hình stop-motion chúc mừng sinh nhật bạn bè, người thân. Rồi video này dẫn tới video khác, mình thích cái cảm giác làm một bức vẽ hay một cục đất nặn chuyển động mặc dù rất tốn thời gian. Nó giống như "phép thuật" đối với mình. Mình cũng thích nhìn phản ứng của mọi người khi xem hoạt hình nữa.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mình chọn học hoạt hình vì mình thấy nó khó và nếu mình làm được thì sẽ là một thành quả cho bản thân. Cộng thêm, mình thấy hoạt hình Việt Nam cũng chưa phát triển nên đó cũng là một cơ hội để thử cái mới và đóng góp. Và cuối cùng, mình có thể chọn hoạt hình vì mình rất may mắn có gia đình tạo điều kiện và ủng hộ".
Cậu bạn 24 tuổi cũng chú ý đọc các bình luận của người xem để biết phim tạo ra những cảm xúc gì, chỗ nào đạt, và chỗ nào chưa. Những bình luận như, "còi của xe … chuẩn" hay là "mình cũng đau đầu vì tiếng còi" đã khiến Triết rất hạnh phúc vì đã dành nhiều thời gian nghiên cứu "đặc sản" còi Việt Nam, và đã tìm ra nhiều người đồng cảm khác.
Qua clip này, Triết muốn nói rằng bấm còi vô tội vạ ảnh hưởng tới sức khoẻ, tinh thần, và trong một số trường hợp, sinh mạng của những người đi đường khác. Đôi khi còi giúp mình đi nhanh hơn một tí, nhưng cái giá phải trả về văn hoá cá nhân, văn hoá cộng đồng và môi trường là quá cao.
Thế nên, xin hãy lái xe bằng cả trái tim, và nghĩ tới người khác trước khi bấm còi. Triết còn bật mí rằng ba đã chỉ cho cậu một mẹo để bấm còi ít hơn, là "Thay vì bấm, hãy đạp thắng. Mình đi đường thấy mẹo này áp dụng được với hơn 80% trường hợp".
Sắp tới, Triết muốn làm thêm nhiều phim nữa, nhưng ý tưởng gì thì vẫn chưa có. Phim "Còi" là phim cậu bạn đầu tư nhiều nhất cho đến thời điểm này thế nên cũng cần nghỉ ngơi một khoảng thời gian trước khi làm dự án mới.
Theo Trí Thức Trẻ