Nếu như Tây Ban Nha có La Tomatina, một trận chiến nổi tiếng với cà chua, Ý có trận chiến Ivrea truyền thống với cam, thì tại Ấn Độ có Gorehabba, một trận chiến với “vũ khí” được sử dụng là phân bò.
Tại ngôi làng Gumatapura nằm trên biên giới Karnataka và Tamil Nadu, Ấn Độ, người dân địa phương sẽ đánh dấu sự kết thúc của Diwali - một lễ hội Hindu quan trọng nhất của Ấn Độ, bằng màn ném phân bò.
Ngôi làng Gumatapura ở Ấn Độ nổi tiếng với lễ hội ném phân bò.
Lễ hội được cho là đã hơn một trăm năm tuổi với tên gọi là Gorehabba. Nguồn gốc dẫn đến tập tục này được cho là bởi người dân địa phương tin rằng vị thần của họ - Beereshwara Swamy - được sinh ra trong phân bò.
Trận chiến phân bò bắt đầu với việc thu thập “đạn dược” từ những ngôi nhà nuôi bò ở làng Gummatapura, trên biên giới giữa các bang Karnataka và Tamil Nadu.
Phân được chất lên các máy kéo gia súc với hoa cúc vạn thọ trang trí xung quanh, và được mang đến một ngôi đền địa phương, nơi các linh mục thực hiện nghi lễ ban phước.
Hằng năm cứ đến dịp Diwali, phân bò sẽ được thu thập lại để chuẩn bị cho "trận chiến".
Sau đó, phân được đổ tại một khu vực trống - với những người đàn ông và con trai lội xuống khu vực và bắt đầu ném những nắm phân bò lên người nhau.
Đàn ông và thanh niên tập trung lại và ném vào nhau những "viên đạn" phân bò.
Mọi người đổ xô đến Gumatapura từ các thành phố xa xôi mỗi năm để tham dự và chứng kiến lễ hội độc đáo này. Đối với những người đàn ông trẻ tuổi tham gia Gorehabba, bị ném trúng những quả bóng bằng phân bò vừa là niềm vui, vừa là niềm tin vào lợi ích của phân.
Nhiều người tin rằng chỉ cần chạm tay vào phân phước lành, họ có thể được chữa khỏi mọi bệnh tật và sẽ không bao giờ bị ốm. “Nếu họ có bệnh, nó sẽ được chữa khỏi”, Mahesh, một nông dân tại lễ hội cho biết.
Lễ hội đặc sắc này thu hút nhiều người từ khắp các thành phố khác đến tham gia và chứng kiến.
Trong Ấn Độ giáo, bò là một biểu tượng thiêng liêng của sự sống và trái đất, và trong nhiều thế kỷ, người theo đạo Hindu đã sử dụng phân bò cho các nghi lễ cầu nguyện.
Thủ tướng nước này cũng đã thúc đẩy việc bảo vệ động vật nhiều hơn, và nhiều bang từ lâu cấm giết mổ bò để lấy thịt.
Theo VTC