Vừa qua, mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh thú vị về người đàn ông ngoại quốc nhưng thành thục ép mía, múc đá cho khách trên vỉa hè Sài Gòn.
Đoạn video về anh đã hút hàng triệu lượt xem trên Tik Tok và nhận được hàng trăm bình luận từ cộng đồng mạng, đa số bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đàn ông trên là anh Huseyin Karaksas (51 tuổi) đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân anh cũng không biết mình nổi tiếng trên mạng xã hội bởi xe nước mía trên mở chưa được một tháng.
Karaksas thuần thục chuẩn bị các món nước Việt Nam
“Tôi rất vui bởi tự dưng khách nườm nượp ghé thăm, mấy ngày trước bán chưa được 100.000 đồng mỗi ngày nữa”, anh kể.
Xe nước của Karaksas nằm ở đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú, TP.HCM). Anh sắp xếp mọi thứ khá ngăn nắp gồm hộp vải ngâm, trà, sirup cạnh máy ép mía.
Chốc chốc, người đàn ông lại lau dọn bởi mặt tiền đường lớn bụi khá nhiều.
Karaksas từng làm trong ngành xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 6 năm trước, anh tình cờ quen người phụ nữ Việt Nam sống ở TP.HCM và họ bắt đầu tìm hiểu nhau.
“Tình yêu đã dẫn lối tôi đến đây”, Karaksas nói rồi cười lớn. Năm 2019, anh lần đầu đặt chân đến Việt Nam và nhanh chóng yêu đất nước này bởi món ăn ngon, phong cảnh đẹp và con người vô cùng thân thiện.
Anh kết hôn và định cư ở Việt Nam đến nay. Vợ anh tên Nguyên, kém Karaksas 4 tuổi cũng đang ở quận Tân Phú.
Karaksas phụ giúp công việc cho vợ ở công ty điện, rảnh rỗi anh thưởng thức những thức uống, món ngon ở TP.HCM và thích nhất là nước mía. Anh gọi đây là món nước tuyệt vời bởi giá vô cùng rẻ nhưng giải khát tốt, vị ngọt thanh, hậu vị thơm thơm, lại thêm tắc nữa là “hoàn hảo”.
Anh Karaksas rất yêu Việt Nam và muốn sống ở đây lâu dài
Hồi tháng 10, vợ chồng anh quyết định dọn xe nước mía bán trước nhà. Vợ từng gợi ý anh bán bánh mì kebab (thịt nướng, rau và sốt) đặc sản quê hương nhưng anh từ chối, anh cảm thấy thích nước mía.
Anh đặt tên xe nước là Thổ Nhĩ Kỳ - như một cách luôn nhớ về quê hương. Trên vách có dán tấm biển “Tôi là người Thổ Nhĩ Kỳ - tôi bán các loại nước – tôi không biết nói tiếng Việt mong cả nhà ủng hộ tôi”.
Mỗi ngày, vợ Karaksas sẽ giúp anh chuẩn bị vải ngâm, pha trà, rửa sạch mía, vắt tắc. Anh là người sẽ đứng bán và phục vụ khách.
Karaksas kể ban đầu anh bán chưa tới 100.000 mỗi ngày, thường chỉ 3-4 ly do khách vãng lai ghé mua. Sau đó, người đi đường tình cờ quay, chụp hình ảnh của anh khiến anh có nhiều khách hàng hơn, trung bình 10-20 ly mỗi ngày.
Do không biết tiếng Việt, vợ chỉ anh một vài từ đơn giản như cà phê sữa, nước mía, trà tắc, thêm đá, thêm đường hoặc ít đường. Phần còn lại, khách hỏi thêm sẽ được vợ anh phiên dịch giúp.
Nhờ có xe nước mía, Karaksas nói mình được trò chuyện nhiều hơn với người Việt. Khách của anh chủ yếu là người trẻ, học sinh, sinh viên và dân văn phòng ở quận Tân Phú.
Họ thấy anh trên mạng xã hội nên ghé đến mua. Karaksas cho biết bản thân sẽ nỗ lực học tiếng Việt để có thể sống ở Việt Nam lâu dài.
“Tôi rất hạnh phúc khi sống ở đây”, anh nói.
Theo Người đưa tin