Thiếu gia ăn chơi bậc nhất miền Nam một thời

Theo thông tin từ Dân Việt, Bạch công tử sinh ra trong một gia đình quyền thế với cha làm quận trưởng, tên thật là Lê Công Phước. Ông sinh tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, Mỹ Tho, nay là phường 3, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang.

Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, ông được cha vô cùng yêu thương và chiều chuộng ngay từ thuở mới lọt lòng.

Trong một lần được sang Pháp dự hội chợ năm 1909, Đốc phủ Lê Công Sủng đã đưa Bạch công tử du học tại đây với hy vọng có thể tiếp thu kiến thức và văn minh từ phương Tây, học hành thành tài để làm rạng danh gia đình.

Tuy nhiên ông không thể ngờ rằng chuyến du học này lại mở ra một thời kỳ ăn chơi quên ngày tháng của cậu con trai.

Đời bi kịch tay chơi bậc nhất trời Nam - Bạch Công Tử: Sống phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn-1
Chân dung Bạch công tử 

Đặt chân đến nước Pháp, Bạch công tử ngỡ ngàng trước một nền văn minh hoàn toàn xa lạ. Không có ai kèm cặp, ông như con chim sổ lồng, tối ngày chỉ chuyên tâm vào chuyện ăn chơi.

Hàng tháng nhận tiền chu cấp thừa mứa của cha, Bạch công tử nhanh chóng kết thân với giới quý tộc ở Pháp sau những buổi tiệc linh đình và xa hoa. Thậm chí ông còn được những người bạn tại đây đặt một cái tên rất Tây: George Phước và được tôn sùng như “ông hoàng”.

Nhiều giai thoại kể lại, Lê Công Phước thường xuyên ở tại những khách sạn đắt đỏ nhất kinh đô ánh sáng. Từ ăn đến mặc, ông đều sử dụng những thứ sành điệu nhất, đẳng cấp nhất. Vây quanh ông là những bóng hồng trong những bữa tiệc xa xỉ tại những hộp đêm.

Đời bi kịch tay chơi bậc nhất trời Nam - Bạch Công Tử: Sống phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn-2
Căn nhà của Bạch công tử 

Những cuộc tình lưu truyền hậu thế

Bạch công tử và hoa khôi Nam Kỳ

Theo Tạp chí Tri thức và Cuộc sống, cậu Phước George gặp cô Ba Trà trong sòng bạc, khi cô thua sạch túi. Dịp đó, cậu Tư rủ cô nên đi miền Tây chơi một chuyến cho giải buồn, và tìm sòng khác gỡ lại.

Chiếc xe sport Fiat của cậu Tư chở cô Ba Trà thẳng xuống Cần Thơ và nghỉ tại khách sạn Hôtel de L'Ouest của nhà tư sản Trần Đắc Nghĩa, nằm trên đại lộ Delanoue, dân chúng địa phương cũng gọi là đường “Kinh lấp” vì nơi đây thường tổ chức hốt me lậu.

Vào khách sạn, cậu Tư đi tắm cho mát, cởi chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng thời đó để trên bàn, bước vô phòng tắm.

Lúc ra, thấy cô Ba Trà đã đeo chiếc cà rá vào ngón tay vừa cười vừa nói:  “Anh Tư coi vừa ngón tay em quá nè!”, cậu Tư vui vẻ: “Vừa thì đeo luôn đi, anh cho em đó”.

Đời bi kịch tay chơi bậc nhất trời Nam - Bạch Công Tử: Sống phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn-3
Cô ba Trà

Trong khi đó, công tử Ba Qui cũng quen biết, “phải lòng” và đang theo tìm dấu cô Ba Trà. Khi thấy chiếc xe cậu Tư đậu trước khách sạn, cậu Ba Qui liền lên lầu kiếm.

Chạm mặt cậu Tư đang hôn cô Ba Trà, cậu Ba Qui không tỏ ra khó chịu hay ghen tuông gì cả. Hai bên tay bắt mặt mừng, tỏ ra cao thượng và quí phái.

Mấy hôm sau, về Sài Gòn, cậu Ba Qui dẫn cô Ba Trà đến tiệm bán hột xoàn danh tiếng trên lầu thương xá Charner, mua cho cô Ba Trà chiếc nhẫn hột xoàn lớn gấp đôi chiếc của cậu Tư.

Cô Ba Trà cũng chỉ là người tình một thời của Bạch công tử vì giai nhân Sài Gòn coi đời “lạnh như băng”, yêu nhiều người nhưng không gắn bó với ai cả.

Người tình quý tộc Princesse Olga

Theo lời người thân của gia đình tiết lộ, trong thời gian gần hai năm du lịch và ăn chơi bên Pháp (1931-1932), cậu Tư có một người tình quý tộc, đó là Princesse Olga, người thuộc dòng dõi Nga Hoàng Nicolai II.

Lúc ấy dân ăn chơi quý tộc, gọi cậu là "Ông Hoàng xứ Galles" (Prince de Galles), là tước hiệu của Thái tử Charles sau này.

Đời bi kịch tay chơi bậc nhất trời Nam - Bạch Công Tử: Sống phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn-4
Người tình quý tộc của Bạch công tử - Princesse Olga

Trong 18 tháng ăn chơi ở Âu Châu, "ông hoàng xứ Galles", cậu Tư Phước George có một lịch trình hưởng các lạc thú khắp nơi trên đất Pháp. Hầu hết các chuyện ăn chơi đều có công chúa Olga đồng hành.

Các tháng mùa Hè, cậu Tư cùng các bạn lái xe xuống phía Nam, nghỉ hè tại các thành phố biển danh tiếng như Canne, Nice... nằm ven bờ Địa Trung Hải. Có khi cao hứng, cậu Tư cùng Olga vượt rặng Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò, hoặc khiêu vũ.

Ban ngày cậu Tư tắm biển, ngồi du thuyền câu cá. Về đêm, cậu và nhóm bạn bè có mặt tại các hộp đêm sang trọng. Mùa Đông, sau khi hưởng trọn vẹn lễ Giáng Sinh tại Paris, cậu Tư thường đưa Olga đi trượt tuyết ở núi Alpes, và đến các khu du lịch, thể thao.

“Tiếng sét ái tình” với cô đào Bảy Phùng Há

Bạch công tử vốn là người rất mê cải lương nên có một thời công tử trúng “tiếng sét ái tình” của cô đào Bảy Phùng Há.

Cô Bảy Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30/4/1911, tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Thân phụ của bà là ông Trương Nhân Trưởng, người gốc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, còn thân mẫu bà là Lê Thị Mai, người tỉnh Mỹ Tho.

Bà là người con thứ bảy trong gia đình, tên Phụng Hảo được phát âm theo âm Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy mà từ nhỏ bà đã được gọi là Bảy Phùng Há, sau này trở thành nghệ danh theo suốt cuộc đời nghệ sĩ của bà.

Đời bi kịch tay chơi bậc nhất trời Nam - Bạch Công Tử: Sống phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn-5
Cô Bảy Phùng Há

Sau khi kết hôn được ba năm, cô Bảy Phùng Há gặp Bạch công tử. Bạch công tử làm quen và say mê tiếng hát của cô, đêm nào cũng ngồi thưởng thức tài ca diễn của cô Bảy Phùng Há.

Cũng vì mê tiếng hát và trúng “tiếng sét ái tình” của cô đào Phùng Há, Bạch công tử quyết đầu tư vào sân khấu cải lương. Sau này hai người kết hôn và thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ.

Hoạt động được ít lâu, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, gánh hát Huỳnh Kỳ cũng giải tán.

Bạch công tử chia tay cô Bảy Phùng Há, rồi tiếp tục u mê trong chốn ăn chơi sa đọa. Còn cô Bảy Phùng Há đã đứng dậy làm lại từ đầu và bà đã trở thành người đóng góp nhiều nhất cho sân khấu cải lương trong thế kỷ 20.

Cuối đời bi kịch, đến lúc chết không có mảnh đất để chôn

Theo thông tin từ VietNamNet, Đốc phủ Lê Công Sủng không may qua đời khi cậu tư Phước còn quá trẻ. Tuổi đời chưa đến 20 với sản nghiệp quá lớn, sẵn máu ăn chơi trong người đã làm cho George Phước lao vào những cuộc chơi suốt sáng, trận cười thâu đêm. 

Cái kết cục của những cuộc chơi hoang phí vô độ đó, gia tài của mẹ cha để lại sớm vơi dần đi đến chỗ khánh tận. Khi chưa được 50 tuổi cậu tư Phước phải sớm lìa đời vì ma túy.

Thi hài Bạch công tử được một người quen đem về an táng trên miếng đất mà vốn là của ông nay đã đổi chủ.

Đời bi kịch tay chơi bậc nhất trời Nam - Bạch Công Tử: Sống phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn-6
Trên bia chỉ vỏn vẹn mấy chữ :"Bạch công tử, George Lê Công Phước", không ngày sinh ngày mất và tên người lập mộ

Bạch công tử qua đời khi không còn một chút tài sản nào trong tay. Nấm mồ của người giàu có nhất vùng trong hàng chục năm qua vẫn là nấm mồ đất. Mãi cho đến 2005, ngôi mộ mới được xây lại.

Theo Gia đình Việt Nam