Sinh ra ở miền quê nghèo khó với đủ những thứ quy tắc chuẩn mực danh cho người phụ nữ, bà Thương luôn làm trọn vẹn chức trách của mình. Từ một cô gái xinh đẹp dịu dàng được nhiều người con trai yêu mến theo đuổi nhưng cuối cùng bà Thương vẫn quyết định chọn ông Văn, người đàn ông nức tiếng đào hoa đa tình trong làng.

Gia đình bà ai cũng phản đối cuộc hôn nhân này nhưng bà Thương vẫn bỏ ngoài tai để đi cùng người đàn ông bà đem lòng yêu thương. 5 năm bên nhau và có hai mặt con những tưởng bà Thương được yêu trọn vẹn. Ấy vậy mà cuối cùng lấy lý do nhà nghèo muốn con cái về sau sung sướng, ông Văn chồng bà xin vợ đi xuất khẩu lao động.

trước những lý lẽ đầy thuyết phục của chồng, bà Thương bấm bụng thương con nên đành gật đầu đồng ý. Cũng từ đó bà xa chồng và mòn mỏi phòng không chờ đợi, cũng từ ấy bà phải một mình nuôi hai con nhỏ, chăm lo vun vén cho nhà chồng.

Làm dâu cả, công việc đồng áng nhọc nhằn cùng việc họ hàng ma chay cưới hỏi trong làng ngoài xã khiến cho nhan sắc cô gái xinh đẹp nức tiếng ngày nào giờ đã “nhụy rữa hoa tàn”. Lúc ra đi, chồng bà hứa lên hứa xuống chắc chắn “năm về một lần”, ấy vậy mà sau rốt lấy đủ lý do ông Văn đi biền biệt. Cũng có lúc bà Thương gạn hỏi nhưng ông mếu máo qua điện thoại bà lại xót xa bỏ qua. Và cứ thế bà một mình nuôi con không nhận được sự giúp đỡ nào của chồng.

Bà nghẹn đắng: “Hồi đó, tôi chẳng biết ông ấy làm gì bên ấy, mỗi lần thủ thỉ bảo ông ấy gửi tiền về cho con đi học rồi sửa sang nhà cửa ông ấy bảo kinh tế bên ấy khó khăn làm còn chẳng đủ ăn. Tôi bảo ông ấy nếu không làm ăn được thì về đi thì ông ấy bảo là cố đợi xem nhỡ may có cơ hội đổi đời”. Cái sự đổi đời ấy chẳng biết đến đâu và bao giờ nó mới đến nhưng một ngày khi con bà đi học về bỏ ăn, mặt lầm lì bà mới biết được sự thật.

Con bà nghẹn ngào kể rằng bị bạn bè trong lớp trêu trọc: “Con bị bố bỏ rơi, ở bên nước ngoài bố đã có bồ”. Nghe con nói bà Thương hồ nghi và rồi bà đi đến hỏi chuyện những người từng đi làm cùng chồng nay đã trở về. Sau nhiều hồi gạn hỏi, cuối cùng bà chết đứng khi hay tin ở bên trời Tây chồng mình đã có vợ cùng con.


Đợi chồng, xuất khẩu lao động, dâu cả, người thứ ba

Nỗi đau dâng kín trong lòng, sự tủi hổ và uất hận khiến bà chỉ muốn chết đi nhưng bà vẫn cố bước về nhà. Lững thững đi trên triền đê, nơi có những kỉ niệm yêu thương của bà và chồng khiến người phụ nữ nhỏ bé chỉ biết òa lên nức nở. Đau đớn đến tột cùng nhưng bà không biết tỏ cùng ai, bà lẳng lặng nuốt nước mắt vào trong và vờ vẽ cho hai đứa con một hình ảnh thật đẹp về người cha của chúng.

Không ai biết trong suốt những năm tháng ấy, bà Thương đã mất ngủ, khóc ướt đẫm gối vì vừa đau đớn vừa nhớ thương vừa hận người chồng phụ bạc. Những kỉ niệm ùa về chỉ làm bà càng thêm nhói đau khi nhớ tới hiện thực phũ phàng. Bà cũng gọi điện viết thư cho người đàn ông ấy nhưng khi nhận lại bà còn đau khổ hơn. Trong mỗi cánh thư người đàn ông kia đều không một lời giải thích và chỉ nói bà với ông nên chia tay. Vì thương con mất cha, bà quyết “mặt dày” níu giữ.

Bà Thương khổ tâm: “Tôi chỉ muốn con có cha và chúng không bị bạn bè dè bỉu. Và tôi cố níu kéo chồng trở về bên mình nhưng bao năm rồi, tôi nhận lại chỉ là thái độ lạnh nhạt, quyết tâm ly hôn của ông ấy mà thôi”. Đắng đót, cay nghiệt là thế mà bà Thương vẫn âm thầm chịu đựng, gách vác mọi việc trong nhà chồng và nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Cho đến lúc con cái lớn, “cái kim trong bọc” cuối cùng cũng có ngày lòi ra và sự thật giấu kín ấy cũng bị đưa ra ánh sáng. Hai cậu con trai đã biết được sự thật về bố mình nhân một lần hai anh sang thăm mà không báo cho ông hay biết. Theo địa chỉ thư tay, họ tìm đến với bố và cuối cùng sự thật phũ phàng khiến cả đời này họ sẽ chẳng bao giờ quên được. Người bố kính yêu qua lời kể của mẹ đã suy sụp hoàn toàn. Họ hiểu rằng trong những năm tháng mẹ mình cay cực ngậm bồ hòn làm ngọt thì người bố kính yêu ấy đang vui vầy bên người tình trẻ và đàn con của ông.

Còn người đàn ông kia, sau 30 năm bạc bẽo dường như đã hối hận thương xót người vợ tào khang. Dù không trở về thường xuyên nhưng tết nhất ông vẫn tìm về với gia đình. Bà Thương vẫn nặng nghĩa yêu chồng nhưng các con ông quyết không tha thứ cho hành vi của bố. Bà Thương thở dài: “Bây giờ ngay cả nhìn ông ấy chúng nó cũng chẳng thèm. Tôi khuyên chúng nó rồi nhưng không được. Bố con như mặt trăng, mặt trời. Mỗi lần ông ấy về thăm chỉ có tôi chịu ngồi chung mâm với ông ấy”.

Khi nhắc đến chuyện ly hôn, bà Thương bảo: “Tôi biết sau 30 năm tôi đã thành “người thứ ba” nhưng tôi kệ, tôi vẫn không ly hôn với ông ấy. Giờ già rồi sống được mấy nữa đâu mà hận thù. Thời xưa đau khổ, cay cực mình còn chịu được, giờ sống với nhau được hôm nào thì tốt với nhau hôm ấy. Tôi không còn nghĩ nhiều như xưa nữa, giờ có con cháu cũng đủ hạnh phúc rồi”.

Nói xong những điều ấy tưởng bà nở nụ cười thanh thản ấy, vậy mà bà lẳng lặng quệt nước mắt, nuốt đi những nghẹn ngào làm “kẻ thứ ba” dù người kia vẫn là chồng mình trên danh nghĩa. Bà buồn buồn: “Thôi kiếp sau chẳng làm đàn bà, đa đoan nặng tình mà khờ dại”.

(Theo Gia đình & xã hội)